* Tàu đổ bộ lớp Zubr mà Trung Quốc sử dụng được Ukraine đóng hoàn toàn sao chép thiết kế tàu đổ bộ Project 12322 Zubr của Liên Xô. Tuy Ukraine định danh lại là Project 958 Bizon, nhưng báo chí thế giới vẫn gọi chung nó là Zubr.
Trả lời trong cuộc một phỏng vấn gần đây với tờ Defence News (trụ sở tại bang Virginia, Mỹ), chuyên gia phân tích quân sự Wendell Minnick cho biết, Trung quốc có thể đạt được tham vọng của mình là “đòi lại” các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông với việc sở hữu tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr mua từ Ukraine trong vòng 40 năm tới.
“Trung Quốc có kế hoạch chiếm lại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, chuỗi đảo Ryukyu đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, cũng như các đảo tranh chấp trên khu vực Biển Đông trong vòng 30-40 năm tới”, tờ Wen Wei Po (trụ sở tại Hong Kong) cho biết.
Tàu đổ bộ đệm khí Zubr đầu tiên của Trung Quốc chạy thử nghiệm trên Biển Đông. |
Ngoài việc mua hai tàu đổ bộ lớp Zubr đầu tiên từ Công ty đóng tàu Feodosia Ukraine với giá 315 triệu USD. Hải quân Trung Quốc, trong tháng 5 năm ngoái còn ký tiếp một hợp đồng với công ty của Ukraine để được chuyển giao công nghệ để đóng tiếp 2 tàu lớp Zubr tại Trung Quốc.
Các tàu đổ bộ đệm khí Zubr có thể vận chuyển 3 xe tăng chiến đấu chủ lực, 10 xe bọc thép hoặc 500 lính thủy đánh bộ. Với lượng giãn nước khoảng 500 tấn, Zubr được coi là lớp tàu đổ bộ khí đệm lớn nhất từng được con người chế tạo.
Ông Minnick cho rằng, nếu Trung Quốc chấp nhận các hệ thống vũ khí được cung cấp bởi Feodosia, thì các tàu Zubr được trang bị 2 bệ pháo phòng không AK-630 cỡ 30mm và 2 bệ pháo phản lực phóng loạt 140mm để phòng thủ và yểm trợ hỏa lực. Mặc dù vậy, Quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trang bị cho tàu đổ bộ các hệ thống vũ khí nội địa.
Chiếc Zubr đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hỏa lực pháo do nước này tự sản xuất, thay vì dùng vũ khí Ukraine. |
Chuyên gia vũ khí Richard Fisher cho biết, “rất hy vọng Trung Quốc có thể cho ra mắt một biến thể hoàn toàn mới của tàu Zubr, cũng giống như những gì mà người Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất phiên bản hệ thống trinh sát thụ động Kolgucha (Ukraine thiết kế) của riêng họ khoảng một thập kỷ trước đây”.
Trung Quốc có thể nhanh chóng thực hiện một chiến dịch chớp nhoáng nhằm giành lại các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền, thậm chí là đối với các đảo thuộc chuỗi đảo Ryukyu nằm trong phần lãnh thổ lâu nay của Nhật Bản. Điều đó thể hiện rõ nhất qua tần suất gây hấn liên tục gần đây của Hải quân Trung Quốc trên khu vực biển này, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh hàng hải của Nhật Bản và các đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực nói riêng.
Cũng theo ông Minnick, không giống như tàu đệm khí cỡ 150 tấn Type 722 - 4 chiếc loại này có thể chở được trên tàu đổ bộ lớn Type 071. Tàu đổ bộ đệm khí Zubr có kích thước lớn khó có thể vận chuyển bằng các tàu Type 071. Vì vậy Hải quân Trung Quốc đang tìm cách sử dụng có hiệu quả cả hai tàu trên trong cùng một lúc.
Kích thước quá lớn, Zubr thực sự không thích hợp trong tác chiến đánh chiếm đảo tranh chấp ở cả Hoa Động, Biển Đông. |
Ông Carlyle Thayer - chuyên gia phân tích tới từ Học viện Quốc phòng Australia nhận định, kích thước của các tàu đổ bộ lớp Zubr khiến nó không phù hợp với các hoạt động đổ bộ chiếm đảo. Việc sử dụng tàu Zubr để chiếm các đảo nhỏ trong tranh chấp lãnh thổ trên biển hiện nay là không phù hợp và Hải quân Trung quốc sẽ sử dụng các loại tàu đổ bộ nhỏ hơn để làm việc này. Còn nếu có sự tham gia của các tàu Zubr, thì nó chỉ đóng vai trò về mặt hỗ trợ hơn là trực tiếp tham chiến.
"Việc sử dụng xe tăng và xe bọc thép được chuyên chở bằng tàu Zubr cũng khó có khả năng xảy trong một cuộc chiến tranh trên Biển Đông, bởi kích thước hạn chế của các đảo này không cho phép Trung Quốc làm như vậy”, ông Thayer cho biết.
Nhưng ông này cũng cho rằng các tàu đổ bộ khí đệm lớp Zubr sẽ đóng vai trò chuyển quân rất lớn khi xung đột xảy ra với khả năng mang theo 500 lính hải quân, nhiều hơn bất kỳ loại tàu đổ bộ nào. Và nó chỉ mất 7 giờ đồng hồ để có thể đưa quân Trung Quốc từ căn cứ đến các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông và đây có thể là yếu tố đóng vai trò quyết định trong một cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Trung Quốc.