* Bài viết sử dụng tư liệu từ sách Hỏi cung tù binh Điện Biên của cựu sĩ quan quân báo Lê Mạnh Thái, Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM.
Những phân tích chiến lược đáng giá
Đánh bại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân ta đã thắng một trận lớn làm kinh ngạc cả thế giới. Đối với tình hình chiến sự ở Việt Nam lúc đó, cục diện có những thay đổi mà quan trọng nhất là tinh thần chiến đấu của binh sĩ hai bên. Quân đội Việt Nam được cổ vũ, ý chí chiến đấu lên cao. Ngược lại tinh thần quân Pháp vốn đã kém lại càng hoang mang thêm sau thất bại ở Điện Biên.
Một vấn đề đặt ra cho cả hai bên là phải làm gì tiếp theo sau Điện Biên. Ta cần khuếch trương chiến quả thì phải mở chiến dịch ở đâu, hướng nào? Pháp muốn giữ vững những vùng còn kiểm soát thì phải làm sao?
Các tướng lĩnh Pháp bị quân ta bắt sống ở Điện Biên Phủ. |
Vào thời điểm này, ta chưa có mạng lưới tình báo chiến lược trong lòng địch nên để trả lời những câu hỏi trên chỉ có nguồn tốt nhất là khai thác tù, hàng binh. Điều đáng nói là các tướng lĩnh Pháp vừa qua thất bại Điện Biên đã khá “nhiệt tình” cung cấp cho ta.
De Castries – viên thiếu tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong khi làm việc với sĩ quan quân báo của ta đã phân tích thế này: “Theo tôi, Điện Biên Phủ thất thủ đang là nỗi kinh hoàng của các tướng Na-Va và Cô-Nhi. Các tướng đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ Pháp về sự phiêu lưu vừa qua của họ. Bây giờ họ chưa đủ can đảm để bước thêm những bước phiêu lưu mới nữa. Trước mắt, họ phải tránh để xảy ra những Điện Biên Phủ khác ở Đông Dương. Họ phải can đảm thu gọn các vùng chiếm đóng, phải gấp rút co cụm lại để tránh bị bao vây tiêu diệt… có như vậy mới bảo vệ được châu thổ sông Hồng và địa bàn Hà Nội, Hải Phòng…”.
Những địa điểm co cụm sẽ là: “Giữ Sơn Tây, Hà Nội, hành làng đường số 5, Hải Phòng và vùng duyên hải từ Kiến An ra Hòn Gai, Tiên Yên. Trước mắt, phải rút khỏi vùng Bùi Chu, Phát diệm, Ninh Bình và Nam Thái Bình để khỏi bị Việt Minh tiêu diệt. Hiện chỉ có Sư đoàn 320 đang bám giữ vùng này, nhưng ít tuần lễ nữa các sư đoàn của các ông ở Điện Biên Phủ kéo về đó thì sẽ rất nguy hiểm”.
Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - tướng De Castries. |
Trước De Castries, hôm 11/5, trung tá Langlais khi tiếp xúc với sĩ quan quân báo Lê Mạnh Thái ở ngã ba Tuần Giáo trên đường về trại tạm giam đã nói một cách tương tự.
Viên sĩ quan Pháp này nói: “Hiện nay không có cách nào khác ngoài cách co cụm về để bám giữ Hà Nội, hành lang đường số 5, Hải Phòng và vùng mỏ duyên hải. Phải co cụm sớm trước khi các đại đoàn chủ lực của Việt Minh kéo về đồng bằng. Lúc này mà lập thêm tập đoàn cứ điểm mới để giữ đất hoặc đánh ra vùng tự do của Việt Minh là điên rồ”.
Điều này được Langlais tiếp tục khẳng định lại trong cuộc hỏi cung chính thức sau đó ở trại tạm giam. Lần này Langlais nói thêm: “Đấy là ý kiến của tôi, chưa chắc đã đúng với thực tế. Nhưng muốn giữ được Hà Nội, Hải Phòng và đường số 5, phải rút bỏ một số nơi không quan trọng như tôi đã nói. Rút nhiều hay ít là do bị đối phương uy hiếp nhiều hay ít. Tôi cho rằng, việc bảo vệ đồng bằng bắc bộ sẽ dựa chủ yếu vào không quân, pháo binh và cơ giới. Khác với chiến trường Điện Biên Phủ toàn rừng núi, các sư đoàn Việt Minh về đây sẽ phơi lưng ra giữa đồng trống và sẽ bị nghiền nát ngay từ bên ngoài các phòng tuyến của chúng tôi. Khi ấy các ông mới biết thế nào là chiến tranh! Chỉ ẩn nấp trong rừng rậm và đánh du kích thì đâu phải là làm chiến tranh trong thế kỷ này!”.
Sĩ quan cấp cao Quân đội Pháp Langlais. |
Tướng lĩnh Pháp “hiến kế” cách đánh
Ngoài De Castries và Langlais, các sĩ quan quân báo thực hiện nhiệm vụ hỏi cung đã tích cực làm việc với nhiều sĩ quan khác và trong nhiều trường hợp nhận được sự hợp tác tích cực của họ.
Trung tá Rô banh (Robin) phó chỉ huy pháo binh Điện Biên nói: “Bộ đội các ông đánh thắng Điện Biên Phủ làm cho chúng tôi vô cùng cảm phục. Từ trận thắng đó, chúng tôi tin rằng các ông sẽ chiến thắng quân đội viễn chinh Pháp và giành được độc lập trong tương lai. Nhưng phải nói các ông mới chỉ đánh vận động giỏi ở vùng rừng núi, chứ chưa thể đánh trận lớn, mặt đối mặt ở đồng bằng, dưới sức mạnh của không quân, pháo binh và chiến xa.
Tôi nghĩ sắp tới, các ông nên đánh ở Lào và Trung Trung Bộ. Chỉ cần hai sư đoàn chủ lực, trong hai tuần lễ, các ông sẽ giải phóng thượng Lào và trung Lào, trong đó một sư đoàn từ Điện Biên Phủ đánh sang Luông-pha-băng, Viên-chăn, Xiêng-khoảng và 1 sư đoàn khác đánh Tha-Khet, Sa-va-na-khet, Xê-Nô. Đại tá Cre-vơ-cơ (Crevecoeur) tư lệnh Pháp ở Lào sẽ không có cách nào cản các ông được”.
Để kiểm chứng lời khai của các tướng Pháp, ông Lê Mạnh Thái lại gặp Đại tá Sác-Tông, Lơ-Pa-giơ là những người bị bắt từ chiến dịch Biên giới 1950 và hiện tại có thái độ hợp tác tốt với quân ta.
Cả hai viên sĩ quan Pháp này đều cho rằng ý kiến co cụm lực lượng ở đồng bằng bắc bộ là đúng. Họ cũng “hiến kế” khi đánh về đồng bằng Bắc Bộ, quân ta cần: “Phải tiếp cận càng gần càng tốt, hoặc là xen kẽ với đối phương, để khỏi bị không quân và pháo binh sát thương. Muốn đảm bảo chắc thắng, nên cho các mũi thọc sâu vào vùng chiếm đóng của đối phương rồi đánh từ trong đánh ra chứ không nên dùng cách đánh truy kích đường dài như ở chiến dịch Biên giới 1950, hoặc dùng cách bao vây gặm dần như ở chiến dịch Điện Biên Phủ vừa rồi”.
“Trong cuộc chiến đấu sắp tới ở đồng bằng bắc bộ, Pháp sẽ sử dụng tối đa các ưu thế của mình là pháo binh và không quân. Còn hải quân, thiết giáp, quân dù thì số lượng chẳng có bao nhiêu. Trong trường hợp đó, nếu bộ đội Việt Nam giấu quân khéo,ngụy trang kín, tiếp cận đối phương giỏi và tổ chức thọc sâu hiệu quả để đánh từ trong đánh ra thì Pháp sẽ không phát huy được các ưu thế đã có, sẽ bị động và bị mất từ phân khu này đến phân khu khác thôi”, các viên sĩ quan Pháp cho biết.