Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 1173/VPCP – CN thông báo ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng liên quan đến dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Tiếp tục hay dừng lại?
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính liên quan đến phương án sử dụng vật tư, thiết bị đã mua sắm nhưng chưa sử dụng vào công trình thuộc Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; đồng thời khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương án triển khai Dự án theo hướng tiếp tục, dừng hoặc kết thúc.
Cuối tháng 1/2020, Bộ Tài chính đã có văn bản số 06/TTr-BTC ngày 31/1 về phương án sử dụng vật tư, thiết bị đã mua sắm nhưng chưa sử dụng vào công trình thuộc Dự án.
Tại công văn số 06/TTr–BTC, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT trên cơ sở đánh giá các yếu tố hiệu quả, báo cáo cấp thẩm quyền quyết định phương án tiếp tục triển khai hay dừng hoặc kết thúc Dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.
Trường hợp, Dự án được cấp có thẩm quyền cho phép kết thúc thực hiện Dự án, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT triển khai các thủ tục dừng, kết thúc dự án. Đồng thời, căn cứ quy định về xử lý tài sản dự án sau khi kết thúc dự án tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn để xử lý vật tư, thiết bị đã mua sắm nhưng chưa sử dụng vào công trình theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dân khổ vì dự án
Sứ mệnh tuyến đường sắt này trong kế hoạch xây dựng của Bộ GTVT là rất hoành tráng: Đảm nhiệm việc chuyên chở hàng hóa từ cảng Cái Lân đi các tỉnh và chuyên chở hành khách mà chủ yếu là khách du lịch, đẩy nhanh đồng bộ hóa trong vận tải cho quá trình phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.
Nhưng, sứ mệnh hoành tráng chưa thấy đâu, chỉ thấy 1 con số “hoành tráng” khác đang khổ sở trong chờ đợi bởi cái lệnh sự tạm dừng đầy trớ trêu của dự án. Đó là 1.253 hộ dân tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh nằm trong vùng dự án. Họ chỉ có một cuộc đời mấy chục năm để sống nhưng để xây một cái nhà trên chính mảnh đất của mình họ phải chờ đằng đẵng cả chục năm qua và vẫn đang tiếp tục ngày ngóng, đêm trông khắc khoải và mòn mỏi.