Thiệt hại khủng khiếp
Báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Ninh tính đến trưa ngày 2/8, mưa lũ lớn trên địa bàn tỉnh này trong những ngày vừa qua đã làm 17 người chết và gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng.Trong số 17 người chết tại Quảng Ninh có 14 người tại TP Hạ Long và 3 người tại TP Cẩm Phả. Mưa lũ lớn gây thiệt hại 102 nhà đổ; 8.800 nhà ngập, sơ tán; 4.285 m tường kè; hơn 3.643 ha diện tích hoa màu; hơn 922 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; 882 lồng bè thủy sản; 2.079 con gia súc, gia cầm; 7 cây cột điện. Hiện nay, huyện Hoành Bồ có 6 xã bị cô lập, Ba Chẽ có 5 xã bị cô lập.
Tình hình mưa lũ ở Quảng Ninh đến hôm nay (2/8) vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Suốt từ đêm qua đến 4h sáng nay, những trận mưa lớn kéo dài đã khiến đường phố đều trở thành sông, nhiều khu vực bị cô lập. Khoảng 500 nhà dân ở nhiều nơi trong TP Uông Bí bị ngập sâu, trong đó 9 nhà dân phải di dời người hoàn toàn.
Đến trưa, mưa vẫn chưa dứt hẳn khiến lũ dâng cao, tràn qua các đập. Hiện tại, giao thông ở một số thành phố ở Quảng Ninh đang bị chia cắt, xã Thương Yên Công ở Uông Bí bị cô lập hoàn toàn.
Nước lũ dâng cao tràn qua các đập khiến nhiều điểm trong TP Uông Bí, Quảng Ninh trở thành sông. |
Nhiều điểm xung quanh hồ công viên phường Quang Trung, Uông Bí bị ngập nặng. Lực lượng chức năng đã phải dùng xe cơ giới phá đập tràn cầu Sông Sinh, xả nước lũ.
Chính quyền TP Uông Bí đã huy động 2 xuồng cao su, hàng nghìn phao cứu sinh cùng hàng trăm chiến sĩ bộ đội và công an cùng các lực lượng của phường Vàng Danh, xã Thượng Yên Công và Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử giúp dân, hỗ trợ giúp 10 hộ dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại mưa đã ngớt nhưng do nước rút rất chậm nên công tác khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy: "Trực lũ 24/24 giờ!"
Các địa phương tại Quảng Ninh đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ. |
Sáng nay (2/8), Bí thư tỉnh Quảng Ninh cũng có Công điện nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (đặc biệt là khu vực ven biển Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc). Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ 24/24 giờ để chủ động ứng phó và báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; triển khai các phương án phòng, chống ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn các công trình, nhà xưởng, kho, bãi, khu vực dân cư,...; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị để ứng phó mọi tình huống và hỗ trợ khi có yêu cầu.
Lãnh đạo các địa phương khẩn trương trực tiếp rà soát, chỉ đạo di dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình không di dời khỏi nơi nguy hiểm, không cho người dân quay về chỗ ở cũ khi còn mưa và nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện về y tế, lương thực thực phẩm, nước uống và quần áo cho người dân các nơi sơ tán và vùng bị ngập lụt.
Đặc biệt, Bí Thư tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: “Nếu địa phương nào để xảy ra sự việc người dân bị chết do mưa lũ thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Bí thư Tỉnh ủy”.
Nạn nhân Cao Tiến Vỹ được cấp đất, cấp nhà. |
Cũng trong sáng ngày 2/8, UBND thành phố Hạ Long đã tổ chức cấp và giao ô đất mới cho gia đình anh Cao Tiến Vỹ, nạn nhân sống sót trong vụ sập nhà làm 8 người thiệt mạng tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng hôm 28/7 vừa qua. Đại diện gia đình, anh Cao Văn Ca, anh trai của nạn nhân Cao Tiến Vỹ đại diện cho gia đình đã lựa chọn vị trí ô đất số 16, diện tích 70m2 tại Khu tự xây ruộng rau Chiến Thắng, phường Cao Thắng.
UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố hoàn thành thủ tục cấp đất ngay trong ngày, bàn giao cho gia đình để Tập đoàn SunGroup xây dựng nhà mới giúp anh Cao Tiến Vỹ vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống.
Trước đó, vào khoảng 4h ngày 28/7, khi cả gia đình anh Cao Tiến Vỹ đang ngủ thì mưa lũ cuốn theo đất đá cuốn sập cả 3 ngôi nhà, làm thương vong toàn bộ gia đình. Sau đó, các cơ quan chức năng đã tìm được thi thể 8 nạn nhân gồm: Dương Thị Thắm (40 tuổi), Cao Bá Ngọc (18 tuổi), Nguyễn Thị Thược (76 tuổi), Đỗ Thu Hiên (36 tuổi), Cao Thu Hoài (10 tuổi), Cao Bá Tiến (45 tuổi, con trai bà Thược) và Cao Thùy Trang (10 tuổi, cháu bà Thược). Nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập nhà là anh Cao Tiến Vỹ, 37 tuổi, con trai bà Thược, nhưng bị chấn thương sọ não và được điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nay các cơ quan chức năng, địa phương tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương trực tiếp rà soát, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình không di dời khỏi nơi nguy hiểm, không cho người dân quay về chỗ ở cũ khi còn mưa và nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.
Một số hình ảnh kinh hoàng về tình hình mưa lũ ở Quảng Ninh:
Nước ngập khu dân cư ở Uông Bí sáng nay. |
Nhiều nhà dân ở xã Thượng Yên Công bị cô lập giữa biển nước. |
Một góc trung tâm TP Uông Bí bị ngập sâu. |
Nhiều ô tô con bị chìm hẳn trong nước lũ. |
Người dân khốn đốn, lo giữ đồ đạc không để bị nước cuốn trôi. |
Chính quyền TP.Uông Bí chỉ đạo dùng máy xúc phá cống để thoát nước. Ảnh: Otofun, Báo Quảng Ninh, Dân Việt. |