Nhiều năm nay không biết người ta nghĩ thế nào mà cho rằng Vua Hùng đóng khố, rồi như một thứ "văn hóa đóng khố" được gán cho thời Hùng Vương, tha hồ vẽ vời, nặn tượng, mặc biểu diễn. Có thể nói họ không hề để tâm tới những kết quả nghiên cứu của giới chuyên môn về vải vóc thời đại Hùng Vương.
Về khảo cổ học
- Ứng với truyền thuyết bà Âu Cơ dạy dân cấy lúa trồng dâu dệt vải, khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều dọi xe sợi trong các di chỉ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4.500 năm. GS.TS Hán Văn Khẩn là một nhà khảo cổ học uy tín đưa ra kết luận: "Dọi xe chỉ tìm thấy khá phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Nó được làm bằng đất sét tương đối mịn hoặc tương đối thô... Dọi xe sợi có đường kính trung bình 0,6 - 2cm...Như vậy, nghề dệt vải đã phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Cư dân văn hóa này ít nhất có hai loại vải mặc, đó là vải vỏ cây và vải dệt từ sợi".
- Một số mộ táng thời Hùng Vương ở Lâm Thao (Phú Thọ) thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun cách nay 3.000 năm thấy rõ vết vải liệm trên hài cốt. Các mộ Châu Can (Hà Tây cũ), mộ Việt Khê (Hải Phòng) thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay 2.800 năm đến thế kỷ II trước công nguyên, đều có vải liệm.
- Trên trống đồng Đông Sơn loại I cách nay 2.800 năm, khắc hình vũ công mặc áo dài nhảy múa.
- Năm 2005 hai tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt và Bùi Văn Liêm hợp tác với hai tiến sĩ khảo cổ học người Úc, khai quật ngôi mộ ở Đông Xá (Hưng Yên) có niên đại 2.100 (+_60 năm). Trong ngôi mộ tìm thấy một tấm vải liệm còn nguyên vẹn, bên trong còn bọc vài lớp vải nữa... Họ kết luận: "Dữ liệu vải sợi của đội khảo cổ Việt Nam - Úc ở Đông Xá khẳng định rằng, nghề dệt vải đã phát triển trong thời đại kim khí ở Bắc Việt Nam (tức thời Hùng Vương - VKB) và rằng vải giữ vai trò trung tâm trong mộ táng Đông Sơn, không chỉ cho trang phục mà còn làm chiếu , vải bọc và vải liệm".
Vũ công mặc áo dài nhảy múa khắc trên trống đồng Đông Sơn loại 1 cách đây 2.800 năm. |
Về sử học
- Sách Lịch sử Việt Nam tập I của Nhà Xuất bản Khoa học xã hội in năm 1971 đã viết: "Dấu vải in trên nhiều đồ đồng đồ gốm. Tượng người, hình người chạm khắc trên trống thạp đồng cho ta biết, y phục người đương thời đã rất phong phú. Người Lạc Việt mặc áo chui đầu cài khuy bên trái".
- Sách Lịch sử Vĩnh Phú, Ty Văn hóa Vĩnh Phú xuất bản năm 1980 viết: "Ở các di chỉ khảo cổ tìm thấy nhiều dọi xe sợi bằng đất nung. Tại một số ngôi mộ táng ở Tứ Xã thấy có vải in lên hài cốt. Các hình khắc trên trống đồng cùng tượng đồng cho ta thấy thời đó mặc áo chui đầu cài khuy bên trái. Về cuối thời Hùng Vương tầng lớp trên may mặc khá xa hoa. Ở di chỉ Làng Cả (Việt Trì) tìm thấy bộ khóa dây lưng bằng đồng thau, mỗi bên tạc bốn con rùa trang trí đẹp, dự đoán của một vị quan võ".
- Sử cũ nói rằng, ở thế kỷ I - II nhà Hán, nhà Ngô đô hộ nước ta, bắt dân cống nộp vải Cát Bá (một loại vải bông trắng mịn), vải tơ chuối, lụa tơ tằm. Đến nhà Đường đô hộ (thế kỷ VII) họ đánh thuế các nghề thủ công nhất loạt thu bằng vải, lụa, sa, the. Điều đó cho thấy, hàng dệt may mặc của xứ ta từ trước công nguyên đã rất phong phú và đẹp, hấp dẫn mạnh với người nước ngoài.
Ảnh chụp chi tiết tấm vải liệm Động Xá. |
Với các bằng chứng khoa học như vậy, ba bốn nghìn năm trước xứ ta đã là quê hương của bông gai tơ tằm vải lụa, thì làm gì có chuyện vua quan đóng khố đi ra ngoài hoặc triều hội.
Truyền thuyết kể rằng, Chử Đồng Tử quá nghèo hai cha con phải chung nhau chiếc khố. Đấy là vì Chử Đồng Tử quá nghèo, còn những người khác hẳn là có áo quần. Sự thật là người Việt tộc vẫn quen dùng khố làm đồ lót. Riêng những người làm nghề đánh bắt cá tôm dầm mình dưới đồng chiêm, đầm hồ là thường chỉ đóng khố cho thuận tiện. Bộ y phục cổ của dân tộc ta còn lưu truyền đến trước cách mạng tháng 8/1945: Nữ trong đóng khố ngoài mặc váy, trong mặc yếm ngoài mặc áo; Nam trong đóng khố ngoài mặc quần lá tọa, áo chạy khuy con bọ bên nách trái. Quần lá tọa là loại quần hai ống rất rộng, tựa hồ như cái váy cắt một đường ở giữa lên đến đũng và khâu thành ống, không có cạp luồn dây rút mà dùng ngay phần cạp rộng gọi là lá tọa buộc khít bụng.
Dọi xe sợi ở di chỉ Đồi Giám (Việt Trì) thuộc văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4.500 năm. |
Đó là nói về y phục của người dân bình thường, còn đối với vua quan thì dù dưới thời Hùng Vương hay thời nào họ đều may mặc bằng loại vải tốt nhất, sang trọng nhất. Đặc biệt, trên phương diện tín ngưỡng và nghệ thuật, trang phục còn được nâng cao hơn đời sống thực tế rất nhiều. Những vị thần được thờ bao giờ cũng có áo mũ hia bốt chỉnh tề bất kể lúc sống hoàn cảnh thế nào. Những nhân vật đưa lên sân khấu thường ăn mặc sang hơn ngoài xã hội.
Chúng ta hãy thử xem, cùng thời với các Vua Hùng, người phương Bắc trừ vùng lưu vực sông Hoàng Hà, còn phần lớn vùng cao trồng trọt nương rẫy đời sống không thể bằng người Lạc Việt cấy lúa nước. Nhưng ngày nay bên Trung Quốc làm phim về thời đại đó, từ vua quan binh tướng đến dân thường đều có áo quần lộng lẫy để tự hào về dân tộc họ. Còn mấy nhà làm nghệ thuật của ta thì cứ kéo tụt tổ tiên xuống lạc hậu hoang sơ cởi trần đóng khố sai sự thật quá lớn, không rõ có động cơ gì.
Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ "văn hóa đóng khố" ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm nguy hại.
Bên cạnh những thông tin về vải vóc, ta còn thấy người thời Hùng Vương rất yêu thẩm mỹ. Trên bề mặt đồ gốm có tới 35 mẫu hoa văn đẹp, các loại vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi đeo cổ làm bằng đá ngọc cực kỳ tinh xảo. Đồ đồng, mà trống đồng Đông Sơn loại I ngày nay tuy đã sao đúc được nhưng chưa thể bằng nguyên bản. Một cư dân như vậy dứt khoát rất hiếm có ai dùng khố làm trang phục chính.