Không thể phủ nhận rằng đối với dân chơi xe Việt nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, xe môtô PKL (Phân khối lớn) vẫn luôn có một sức hấp dẫn rất lớn. Điều này có thể được thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng vào thời điểm Thông tư 38 của Bộ GTVT cho phép tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên được thi lấy GPLX môtô hạng A2 từ 175cc trở lên có hiệu lực.
Việc "mở cửa" thi lấy bằng A2 là một tin mừng đối với người yêu xe PKL tại Việt Nam. |
Vào lúc đó, việc thi lấy bằng A2 đã trở thành một chủ đề bàn luận "hot" trên các trang mạng xã hội và những diễn đàn về xe lớn tại Việt Nam. Tới nay, nhiều người đã sở hữu bằng A2, và các CLB xe PKL cũng đã được mở ra rất nhiều tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Mặc dù "rào cản" về bằng lái A2 đã được tháo bỏ, nhưng tính tới thời điểm hiện nay, thị trường xe PKL vẫn chưa có sự bùng nổ như mong đợi. Và lý do chính đứng phía sau sự chậm trễ này đó là giá bán của xe.
Các CLB xe PKL xuất hiện ngày càng nhiều và đã có những đóng góp ý nghĩa cho xã hội. |
Theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15//11/2013 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, mặt hàng xe mô tô phân khối lớn Power Sport 250cc mới 100% có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 75%.
Tiếp theo là thuế giá trị gia tăng 10% (theo quy định tại Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính) và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 20% (theo quy định tại Điều 7 Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12).
Giá bán sau thuế cao khiến cho đa số người Việt vẫn chưa thể tiếp cận với xe PKL mới. |
Một ví dụ đó là mẫu xe Kawasaki Ninja 300 có giá bán 5600 USD tại Thái Lan khi nhập về Việt Nam sẽ bị áp các loại thuế gồm: 47% thuế nhập khẩu; 20% thuế TTĐB (đối với xe có dung tích trên 125cc); 10% thuế GTGT; cộng thêm chi phí vận chuyển và một số chi phí khác khi về Việt Nam giá của mẫu xe này lên đến 13.000 – 13.500 USD (tuỳ cửa hàng) - đắt hơn gấp đôi so với giá gốc!
Chỉ những người có điều kiện mới có thể mua được xe PKL từ các thương hiệu như Ducati. |
Rào cản về giá bán khiến cho những người đam mê xe PKL nhưng có túi tiền eo hẹp gần như không thể tiếp cận được với những mẫu xe PKL mới, trừ một số thương hiệu như KTM, Benelli và môt vài hãng xe Trung Quốc khác.
Chính vì vậy, họ vẫn buộc phải lựa chọn những mẫu xe PKL cũ, đã tồn tại ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Đối với những mẫu xe PKL "khủng" từ các thương hiệu như Ducati, Harley Davidson hay BMW, chỉ có một số ít "đại gia" mới có thể mua được.
Nhiều người có bằng A2 đang phải tìm mua những chiếc xe PKL cũ, được rao bán trên những diễn đàn về xe khác nhau. |
Ngoài ra, tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam còn có xu hướng chạy theo "mốt" và ưa chuộng những sản phẩm thế hệ mới nhất. Đó là lý do những dòng xe PKL "khủng" trên Thế giới đã luôn được dân chơi xe nhanh chóng đặt mua ngay sau khi chúng đặt chân tới Việt Nam.
Điều này cũng thể hiện qua các đơn vị nhập khẩu xe PKL ở Việt Nam, khi các mẫu xe chỉ bán chạy trong khoảng 3-6 tháng đầu sau khi ra mắt, sau đó doanh số đã liên tục giảm xuống, khiến họ bắt đầu rơi vào khó khăn.
Những thương hiệu xe PKL như BMW Motorrad đang dần "đổ bộ" vào Việt Nam. |
Có một thực tế không thể phủ nhận là kể từ khi Thông tư 38 có hiệu lực, thị trường xe PKL ở Việt Nam cũng bắt đầu có những tín hiệu tốt khi một loạt các thương hiệu nổi tiếng như Kawasaki, BMW Motorrad hay Harley Davidson bắt đầu bước chân vào.
Tuy nhiên để có thể phát triển thị trường đầy tiềm năng này, thiết nghĩ Nhà nước cần phải có những chính sách thuể "nhẹ nhàng" hơn đối với xe PKL, bên cạnh việc mở rộng và phát triển hạ tầng dành cho loại xe này.