Việt Nam chính thức giành quyền đăng cai Asiad 18 hồi tháng 11/2012, với dự toán kinh phí 150 triệu USD. Tuy nhiên, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc Việt Nam có nên đăng cai Asiad 18 hay không, kinh phí thực tế có đội lên không, nhất là sau khi báo chí đưa tin trích lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng cần tính đến phương án rút đăng cai Asiad 18.
Bình luận về thông tin trích lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án có thể rút đăng cai Asiad 18, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), ông Hoàng Vĩnh Giang, cho rằng: “Tôi không nghĩ thế đâu, Việt Nam chắc là sẽ tổ chức chứ tại sao lại thôi, tại sao lại rút là thế nào”.
Theo phân tích của ông Giang, phương án rút là rất khó khi chỉ có hai lý do duy nhất là “nguy cơ chiến tranh và bị thiên tai rất nghiêm trọng thì mới có cớ để xin không đăng cai nữa. Mà Việt Nam là nước có nền chính trị ổn định thuộc loại nhất châu Á thì làm sao có thể lấy lý do gì”.
Kinh phí để tổ chức Asiad 18 là vấn đề khiến chủ nhà Việt Nam lo lắng. |
Hơn nữa, xét về mặt phân bổ địa lý, “toàn châu Á chẳng có quốc gia nào tham gia đăng cai được ngoài Việt Nam ở thời điểm này”.
Ông Hoàng Vĩnh Giang cũng khẳng định, chi phí cho việc tổ chức Asiad 18 chắc chắn sẽ không vượt quá con số 150 triệu USD.
“Tại sao nó lại rẻ như vậy so với các nước khác, là vì Việt Nam còn tới 80 đến 90% cơ sở vật chất còn tồn tại từ thời đăng cai SEA Games và Asian Indoor Games, giờ chỉ cần nâng cấp. Nếu như không có kinh phí nâng cấp để cho nhà cửa, công trình sập xệ thì nó lại là lãng phí, lãng phí hơn là tính chuyện đó vào trong Asiad.
Mà 5 năm nữa mới đăng cai thì 150 triệu USD không phải là to tát lắm với Việt Nam, nhất là sau một thời gian nữa Việt Nam lại tiến bộ hơn bây giờ rất nhiều.
Không đồng tình với quan điểm của ông Giang, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhận định, đầu tư 150 triệu USD để đăng cai Asian Games 18 là không khả thi. "Theo tôi, số tiền đó là chưa đủ", ông cho biết.
Vị này cũng cho hay Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã tính toán sơ bộ về việc tổ chức ASIAD 18, song từ chối đưa ra con số cụ thể. "Hiện nay mọi tính toán chỉ là ban đầu, cần những nghiên cứu thêm nên chưa thể có con số đầy đủ, cụ thể về số tiền tổ chức", ông cho hay.
Trước đó, phát biểu tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao ngày 18/3, trước ý kiến cho rằng dự án xây sân xe đạp lòng chảo cho ASIAD 18 lên tới 10.000 tỷ đồng (500 triệu USD), Thứ trưởng Phương cũng bày tỏ quan ngại về tính khả thi và yêu cầu phải làm việc lại với nhà đầu tư. Trong trường hợp không có sân, có thể loại bỏ xe đạp lòng chảo khỏi nội dung thi đấu.
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Phương, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, cũng nhận định: “Con số 150 triệu USD chắc chắn không đủ để đăng cai mà con số thực phải gấp như thế nhiều lần”.
Ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định: “Có nhiều lý do để chưa đăng cai ASIAD ở thời điểm này như việc chuẩn bị lực lượng VĐV chưa tốt, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, lực lượng điều hành còn yếu và bối cảnh kinh tế không thuận lợi. Từng làm việc trực tiếp nên tôi biết những VĐV đạt đẳng cấp châu lục của chúng ta rất ít, trong khi để đào tạo ra những VĐV như thế phải mất quy trình 8-10 năm và ngay cả những VĐV trẻ xuất sắc cũng phải mất 4-6 năm. Ai cũng mong muốn nếu giải đấu diễn ra ở nước ta thì thành tích phải ở mức khá nhưng nằm trong top 10 ASIAD là bài toán rất khó với thể thao Việt Nam hiện tại”.
Cũng theo ông Minh, các công trình đã tổ chức SEA Games và Indoor Games mới chỉ là cái nhà thôi, còn bên trong vẫn phải đầu tư. Thậm chí, nhiều cái nhà đó cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn tổ chức ASIAD.
Ở ASIAD 2019 có khoảng 10-12 môn Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức nên phải thuê nước ngoài đến hướng dẫn hoặc do họ trực tiếp điều hành. Muốn làm được điều này cũng phải có kinh phí và thời gian chuẩn bị.
Lo ngại lớn nhất của ông Minh là trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, việc đăng cai Á vận hội vốn tốn kém nhiều sẽ mang đến rủi ro. “Phải tính đến yếu tố kinh tế suy thoái và chưa dự báo được bao giờ hồi phục nên vội vàng nhận đăng cai là sai lầm”, ông Minh khẳng định.
Việc hủy đăng cai ASIAD chắc chắn sẽ gặp thiệt hại, như nộp phạt, giảm uy tín trong giới quan chức thể thao quốc tế, nhưng sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngân sách quốc gia cũng như nhân lực phục vụ sự kiện. Vấn đề quan trọng là có quyết hủy đăng cai hay không? Theo quy định của OCA, nước hủy đăng cai phải nộp phạt 1 triệu USD.
Theo trang web cung cấp tài liệu về luật pháp của Anh InBrief, quyết định cuối cùng về địa điểm tổ chức một sự kiện thể thao do tổ chức điều hành thế giới về sự kiện thể thao cụ thể đó, trường hợp này là Ủy ban Olympic châu Á (OCA) quyết định.
Một khi một thành phố/quốc gia đã giành được quyền đăng cai sự kiện họ sẽ phải ký một thỏa thuận phác thảo tất cả các khía cạnh hoạt động của sự kiện. Trong thỏa thuận sẽ có điều khoản liên quan đến hủy bỏ sự kiện ở nước giành được quyền đăng cai.
Vậy những lý do gì để một quốc gia được hủy bỏ việc tổ chức sự kiện thể thao đã giành được quyền đăng cai?
Câu trả lời là có ba lý do: Bất khả kháng, không đáp ứng được tất cả các điều kiện để đăng cai sự kiện và vì lý do an toàn.
Bất khả kháng được định nghĩa là một hành động ngoài tầm kiểm soát của các nhà tổ chức sự kiện. Nó thường xảy ra do điều kiện thời tiết bất lợi hoặc thảm họa thiên tai. Thỏa thuận giữa Ủy ban Olympic với nước tổ chức bao giờ cũng có điều khoản này để Ủy ban có quyền hủy thỏa thuận ngay lập tức.
Về đáp ứng điều kiện tổ chức, trong thỏa thuận sẽ có đưa ra những yêu cầu tối thiểu buộc nước chủ nhà phải tuân thủ, chẳng hạn như có số lượng sân vận động sẵn sàng tổ chức sự kiện vào một thời điểm nhất định.
Một lý do khác mà việc tổ chức sự kiện phải hủy bỏ là lý do an toàn cho cả vận động viên và khán giả theo dõi sự kiện.