Việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến tại cấp tiểu học như Olympic Toán học Quốc tế TIMO, Olympic Tiếng Anh, IMSO, Trạng Nguyên tiếng Việt là điều cần thiết để các em được thử sức với đa dạng các bài tập, ôn luyện kiến thức và học hỏi thêm nhiều kỹ năng tin học.
Số lượng học sinh tham gia thường rất lớn do cha mẹ luôn muốn con mình được cọ sát và không bị thụt lùi so với các bạn, vậy nên dẫn tới hiện tượng không đủ thiết bị, máy tính để ôn và thi tại nhà trường, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có máy tính, laptop tại nhà để cho các con ôn tập cũng như làm quen với cuộc thi.
Nhiều phụ huynh lo lắng khi không có thiết bị cho con ôn tập và dự thi do điều kiện kinh tế không cho phép, hay thậm chí là không mượn được thiết bị để con được đồng hành cũng bạn bè.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn V.T. Hằng (Tuyên Quang), có hai con học tiểu học cho biết: ”Gia đình tôi có hai cháu và điều kiện kinh tế cũng tạm ổn, tuy nhiên, để lo đủ cho hai cháu đều có máy tính, laptop cũng khá khó. Một trong hai bạn sẽ phải dùng đến điện thoại của bố mẹ để bạn còn lại được dùng máy tính. Còn đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nếu bố mẹ không có điện thoại thông minh nữa thì không biết các con sẽ học tập, thi cử thế nào”.
Học sinh lớp 2A8 trường Tiểu học Đăng Châu (Tuyên Quang) trong giờ thi Trạng Nguyên tiếng Việt |
Những năm gần đây, nhiều cuộc thi trực tuyến được các trường tổ chức có gắn “mác” quốc tế, nhưng bị phụ huynh phản ánh tổ chức yếu kém, có những thí sinh không vào được phòng thi do đường truyền mạng kém, thí sinh phải bỏ thi nhưng không được hoàn lại lệ phí. Anh Trần Minh Ngọc (Tuyên Quang) cho biết: “Trong phòng không có giáo viên coi thi nào, phụ huynh hoàn toàn có thể nhắc, thậm chí làm bài hộ con, thật sự rất cẩu thả ngay từ khâu tổ chức”.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Nhàn, giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại Trường Tiểu học Hòa Bình, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Việc thiếu trang thiết bị để các em có thể ôn luyện và làm quen với máy tính là một vấn đề rất khó khăn đối với nhà trường khi chỉ có một phòng máy và không thể cho các em một lịch trình ôn luyện riêng. Khi các em thi trực tuyến thì bắt buộc phải có phụ huynh bên cạnh để hướng dẫn thao tác và xử lý sự cố thiết bị vì chỉ có một giáo viên coi thi thì khó để đảm nhận hết được”.
Mặc dù rất nhiều cuộc thi trực tuyến dành cho học sinh tiểu học được tổ chức, nhất là các cuộc thi toán, song, nhiều giáo viên đánh giá, chỉ một số cuộc thi có uy tín, một số ít không thu phí ở tất cả vòng thi và hạn chế số lượng thí sinh tham gia. Còn lại đa số thu phí, dao động từ 200.000-500.000 đồng, thậm chí lên tới 1.000.000 đồng.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho những cuộc thi gắn mắc quốc tế này, nhưng lại không hiểu rõ liệu những cuộc thi ấy có mang lại kết quả gì cho con không, phần thưởng chứng nhận ra sao. Đăng ký cho con thi chỉ vì không muốn con mình thua kém bạn bè.
Theo TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) cho biết, số giờ học của học sinh nước ta rất nhiều. Các nghiên cứu cũng cho thấy so với GDP/người ở nước ta, số tiền phụ huynh chi cho giáo dục con cái không hề nhỏ. Việc dành quá nhiều thời gian học chỉ để đáp ứng các kỳ thi, đặc biệt là quá nhiều cuộc thi trực tuyến - thi quốc tế như hiện nay rất dễ gây ra sự mất cân bằng trong tiếp thu kiến thức và các hoạt động khác.
Việc tổ chức quá nhiều các cuộc thi là trách nhiệm của nhà quản lý, còn cho con tham gia các cuộc thi hay không là lựa chọn của phụ huynh. Vì vậy, mỗi phụ huynh cần sáng suốt khi quyết định cho con tham gia các cuộc thi trực tuyến. Đừng vì những danh hiệu chưa biết có thực chất hay không mà gây áp lực lên con, bắt trẻ tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói về việc cho phép đại diện Ban đại diện Cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa: