Chăm gà như chăm... con mọn
Vào những ngày này, anh Nguyễn Thanh Sơn - chủ trại gà Đông Tảo ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) lại vào guồng tất bật chăm sóc đàn gà "tiến vua" của gia đình. "Loại gà quý này ít lông, thịt nhiều nên mỗi khi trời rét xuống dưới 15 độ C, chúng tôi phải chăm sóc, che chắn và rải trấu trên nền chuồng, thắp điện để ủ ấm cho đàn gà cẩn thận. Việc cho ăn cũng cần thường xuyên hơn ngày thường thì mới đảm bảo sức khỏe cho gà được" - anh Sơn nói.
Anh Nguyễn Thanh Sơn ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chăm sóc đàn gà Đông Tảo. Ảnh: Trần Quang |
"Thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường, rét đậm, rét hại kết hợp mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, gây hại cho gà Đông Tảo. Vì vậy, người nuôi phải giữ ấm cho đàn gà, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng. Ngoài ra, cần chú ý tăng khẩu phần ăn từ 10 - 15% so với mùa hè...”.
Đi dọc các ô chuồng đổ cám cho gà ăn, anh Sơn vừa chăm chú để ý từng con gà, hễ thấy con nào ăn ít hay bỏ ăn là anh lại bắt ra kiểm tra. "Vào ngày rét này, chăm gà còn hơn chăm con mọn, sểnh ra là mất tiền triệu như chơi" - anh Sơn chia sẻ.
Năm nay để có hàng cung cấp cho khách, vợ chồng anh Sơn đã chủ động thửa gà giống và vào đàn sớm từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Theo anh Sơn, so với các giống gà, gà Đông Tảo khó nuôi, khó nhân giống nên việc tăng đàn gặp nhiều khó khăn. Để có được gà chuẩn, mẫu mã đẹp, các chủ trang trại ở đây luôn phải giữ bí quyết và giống để tránh mất khách.
"Năm nay gia đình tôi thửa được hàng chục con gà đẹp để cung cấp cho khách, trong đó có nhiều con trị giá hàng chục triệu đồng" - anh Sơn tiết lộ. Cũng theo anh Sơn, Tết năm nay lượng gà cũng như các năm trước nhưng không có hàng giá đột biến như mọi năm, con gà nào đắt đỏ nhất cũng chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng.
Ông Phan Văn Hiếu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu cho hay: Hiện nay toàn huyện có tổng đàn gà 820.000 con, trong đó gà thuần Đông Tảo trên 50.000 con và trên 500.000 con gà lai Đông Tảo, được nuôi tập trung ở các xã: Đông Tảo, Dạ Trạch, Bình Minh, Tân Dân, Bình Kiều... Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, nông dân trong huyện sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 - 5.000 con gà Đông Tảo làm quà biếu và hàng trăm tấn gà Đông Tảo thịt thương phẩm.
Gà 9 cựa sắp "cháy hàng"
Bên cạnh gà Đông Tảo, gà Hồ ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng được xếp vào hàng đặc sản cao cấp được nhiều đại gia ưa chuộng mua ăn, biếu vào dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ tịch Câu lạc bộ gà Hồ cho biết, nắm bắt được nhu cầu thị trường rất cao nhưng do không có mặt bằng chăn nuôi thuận lợi nên mỗi năm bà con địa phương cũng chỉ có khoảng trên dưới 1.000 gà để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán.
"Trong làng, nhà nhiều cũng chỉ nuôi được khoảng 200 con, nhà ít thì vài chục con nên khách không đặt sớm cũng khó mua được hàng ăn, biếu tết" - ông Chung nói.
Ông Chung cho biết thêm, dù là gà quý, số lượng có hạn nhưng bà con ở Lạc Thổ vẫn cố giữ giá gà ổn định khoảng từ trên dưới 1 triệu đến 3 triệu đồng/con gà Hồ thuần chủng khoảng trên 4kg, tùy trọng lượng, mẫu mã.
Cùng nằm trong dòng gà cao cấp, vào dịp này gà 9 cựa cũng đang được săn lùng rất nhiều. Theo nhiều dân buôn, một con gà trống trưởng thành ở Xuân Sơn (Phú Thọ) đủ 9 – 10 cựa có giá bán lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên trong thực tế rất hiếm tìm được con gà đủ số lượng cựa như trên, nên dù có tiền cũng chưa chắc đã mua được.
Anh Nguyễn Đắc Tùng - chủ trang trại gà 9 cựa ở bản Dù, xã Xuân Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, gà 9 cựa thực chất chỉ là tên mà người dân hay dùng để chỉ giống gà nhiều cựa. Loại gà này có nguồn gốc là gà rừng, trước đây đã được người dân tộc Dao và Mường Phú Thọ bắt về nuôi từ lâu nhưng phải đến những năm 2003, khi Vườn quốc gia Xuân Sơn được thành lập, đường sá được mở mang thì nhiều người mới biết đến giống gà quý này.
“Gọi là gà 9 cựa nhưng phổ biến nhất chỉ có gà 7-8 cựa. Trước đây, giống gà này được bà con dân tộc nuôi nhiều, lại chủ yếu tiêu thụ tại chỗ nên có giá rẻ, tuy nhiên vài năm nay sản vật này bỗng nhiên được nhiều người ưa chuộng, trở nên khan hiếm và có giá đắt đỏ” - anh Tùng nói.
Anh Tùng cho hay, thời điểm này trang trại của anh có khoảng trên dưới 100 con, trong số đó phần lớn đã có khách đặt. "Để có được hàng chuẩn, gà nhiều cựa, khách thậm chí phải đặt hàng trước cả năm mới có. Thời điểm này không chỉ trang trại của tôi mà nhiều trang trại khác ở địa phương cũng đang bán gà rất nhiều, có thể đến cận ngày sẽ khó còn hàng để bán" - anh Tùng khẳng định.