Gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, hiện hầu hết tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã hoàn thành việc công bố các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, lương bổng năm 2014, trong đó có thông tin về khoản tiền thưởng Tết 2015 cho các cán bộ công nhân viên.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nơi có gần 4 vạn lao động cũng đã lên phương án thưởng Tết Ất Mùi. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, nói thưởng Tết, nhưng thực chất đây là khoản lương chưa nhận đủ trong năm của cán bộ công nhân viên.
Mức thưởng Tết năm nay trung bình trên 10 triệu đồng tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không hiếm. |
“Do tính đặc thù của vận tải biến động thường xuyên, trong năm, tổng công ty chi trả khoảng 85-95% mức thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Đến cuối năm, tổng hợp tình hình kết quả kinh doanh, tổng công ty sẽ trả nốt vào dịp Tết. Do đơn vị còn khó khăn nên đang áp dụng biện pháp tiết kiệm chi tiêu”, ông Hoạch nói.
Ngoài phần lương dôi dư trên, một phần lợi nhuận trong kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (năm 2014, lợi nhuận 180 tỷ đồng) sẽ được trích để thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên. Theo ông Hoạch, mức thưởng trên 10 triệu đồng không hiếm. Tổng công ty đang cố gắng thoát ra khỏi hình ảnh trì trệ khi lương trung bình của cán bộ công nhân viên năm qua tăng 7,5 % so với năm 2013 (6,606 triệu đồng/người/tháng).
Hồi giữa tháng 1/2015, đại diện Tổng công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện chưa có phương án thưởng Tết. Tuy nhiên, Cienco 4 sẽ quyết tâm để mức thưởng Tết bằng với năm ngoái (thưởng 2 tháng thu nhập trung bình của năm).
“Theo báo cáo tổng kết năm 2014, thu nhập bình quân của Cienco 4 là 10,08 triệu đồng/tháng. Như vậy, trung bình, mỗi người sẽ được thưởng Tết hơn 20 triệu đồng”, vị đại diện Cienco 4 nói.
Vị này còn cho biết thêm, sau cổ phần hóa, lương thưởng cho cán bộ công nhân viên vẫn tăng. Riêng dịp Tết dương lịch vừa qua, Cienco 4 đã thưởng 1 tháng lương cho người lao động. Bên cạnh đó, như hầu hết các tổng công ty lớn trong ngành, trong quá trình cổ phần hóa, lãnh đạo Cienco 4 còn tạo điều kiện để tất cả cán bộ công nhân viên được mua cổ phần.
Ngày 27/1/2015, tại hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn ngành GTVT năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT cho biết, năm 2014, gần 99% người lao động trong ngành có việc làm. Thu nhập bình quân toàn ngành đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,8% so với năm 2013.
Tại các tổng công ty cổ phần hóa, thu nhập của cán bộ công nhân viên tăng cao hơn. Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho hay, tại 10 tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014, lợi nhuận trước thuế tăng 43,29%, thu nhập người lao động tăng 13,21%.
“Nhiều đơn vị thưởng trên 10 triệu đồng/người, thậm chí trên 20 triệu đồng/người. Không ít doanh nghiệp còn có kế hoạch hỗ trợ tiền tàu xe, vé máy bay cho cán bộ công nhân về quê ăn Tết”, ông Việt cho biết.
Cũng tại Hội nghị này, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết, dự kiến, mức thưởng trung bình (tại cơ quan tổng công ty) 14,5 triệu đồng/người. Còn Tổng công ty Thăng Long thưởng 3 tháng lương.
Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trao đổi với báo chí trước đó, lãnh đạo tập đoàn cho biết, về cơ bản, tiền thưởng Tết của tập đoàn các năm thường bằng một tháng thu nhập.
Riêng thưởng Tết năm nay, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, mức thưởng Tết thấp nhất của các công ty thuộc tập đoàn là 1,5 tháng lương, còn các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả như Tổng Công ty Việt Tiến, Công ty Việt Thắng mức thưởng tết từ 2-3 tháng lương (khoảng 20 triệu đồng/người).
Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn của Vinatex cũng tiến hành tặng quà, thăm hỏi công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền tàu xe cho người lao động về quê ăn Tết, trợ cấp cho 673 công nhân lao động và công nhân khuyết tật với tổng số tiền hơn 206 triệu đồng.
Trong khi đó, một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, truyền thống của ngành xưa nay không thưởng nhiều cho người lao động. “Vì truyền thống rồi nên cũng chỉ được đôi ba triệu gọi là hỗ trợ anh em ăn Tết thôi”, vị này cho biết.
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Phó Tổng giám đốc Lê Minh Hồng cho biết, mức thưởng Tết năm nay dự kiến sẽ vào khoảng 1,5 tháng lương (tương đương mức bình quân khoảng 22 triệu đồng/người). Năm 2014, doanh thu PVN đạt 745,5 nghìn tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch năm và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 46.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, dự kiến ngày 15/2, mới có báo cáo tài chính chưa kiểm toán về tình hình sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, so với kế hoạch đã được Đại hội cổ đông thông qua thì chắc chắn tỷ lệ lợi nhuận sẽ đạt rất thấp, riêng về kinh doanh xăng dầu thì chắc chắn là lỗ. “Đã lỗ thì làm gì có thưởng”, ông Năm nói.
Với trường hợp của Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines), năm 2014 dù lỗ “khủng” khoảng 1.625 tỷ đồng (theo tỉ lệ vốn góp của Vinalines tại các doanh nghiệp) nhưng tập đoàn này vẫn có mức thưởng Tết khá cao cho các cán bộ công nhân viên.
Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines, cho biết: “Năm 2014 doanh nghiệp vẫn trả đủ lương cho cán bộ, nhân viên. Mức thưởng Tết âm lịch tới đây trong toàn tổng công ty đạt mức trung bình 10 triệu đồng mỗi người. Trước đó, khoản thưởng này với Tết dương lịch là 5 triệu đồng/người”.