Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga thâu tóm “đất vàng” Hapro

UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt nhà đầu tư chiến lược của Hapro là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, đơn vị trực thuộc Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga. 

Với mức giá khởi điểm trong phiên đấu giá công khai là 12.800 đồng/cổ phần, dự tính Tập đoàn BRG sẽ chi ít nhất 1.830 tỷ đồng.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa công bố phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này nhằm phục vụ cho đợt bán đấu giá công khai 76 triệu cổ phần vào ngày 30.3 sắp tới. Theo phương án cổ phần hóa, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam là đơn vị được chọn làm nhà đầu tư chiến lược của Hapro.
Cụ thể, ngày 11.12.2017, Hapro đã phát hành Thư mời các nhà đầu tư tham gia làm đối tác chiến lược. Sau khi đánh giá và xét duyệt theo đúng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã được phê duyệt, tổng công ty này đã xác định Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đề ra để được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược.
Hapro sau đó đã có văn bản số 1094/CV-BĐMPTDN ngày 25.12.2017 trình Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng Công ty về việc xin thẩm định kết quả lựa chọn cổ đông chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa và trình lên các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Ngày 26.1.2018, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 502/QĐ-UBND phê duyệt việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Hapro là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam.
Hapro sở hữu nhiều đất vàng đắc địa và tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga tính chi tiền để thâu tóm (Ảnh: IT)
 Hapro sở hữu nhiều đất vàng đắc địa và tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga tính chi tiền để thâu tóm (Ảnh: IT)
Được biết, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam là đơn vị trực thuộc Tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, chuyên kinh doanh ô tô nhãn hiệu Honda.
Theo phương án cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua 143 triệu cổ phần Hapro, tương đương tỷ lệ sở hữu 65%. Giá mua sẽ không thấp hơn mức giá trúng giá tại phiên đấu giá công khai ngày 30.3 sắp tới.
Như vậy, với mức giá khởi điểm trong phiên đấu giá công khai là 12.800 đồng/cổ phần, ít nhất, Tập đoàn BRG sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.830 tỷ đồng.
Vốn là một công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ nhưng lợi thế lớn nhất, hấp dẫn nhất nhà đầu tư của Hapro lại nằm ở lượng “đất vàng” khổng lồ mà tổng công ty này đang nắm giữ.
Theo thống kê, sau cổ phần hóa, Hapro sẽ tiếp tục quản lý và sử dụng cơ sở nhà, đất tại 96 địa điểm ở Hà Nội, 18 địa điểm ngoài Hà Nội và 6 địa điểm khác đang nằm trong quy hoạch bàn giao. Đáng chú ý như Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng, Hà Nội hợp tác với Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI có diện tích đất 1.624 m2.
Tại Hà Nội, Hapro còn có dự án "Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh". Dự án này có quy mô 15 tầng và 2 tầng hầm gồm có 5 tầng làm TTTM, 10 tầng làm văn phòng cho thuê.
Tòa nhà số 362 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng 7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2.
Cùng với đó là các dự án mới xây dựng Trung tâm Thương mại Hapro số 38-40 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm với diện tích hơn 571 m2; dự án mới xây Trung tâm Thương mại Hapro tại 160 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân có diện tích 860,7 m2; Trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình, quận Thanh Xuân với diện tích hơn 3.100 m2; Trung tâm Thương mại Dịch vụ Sóc Sơn, huyện Đông Anh với diện tích 6.169 m2.
Khu đất D2 Giảng Võ, quận Ba Đình với diện tích 1.230 m2; Khu đất số 135 Lương Đình Của, quận Đống Đa với diện tích hơn 1.000 m2; khu đất số 11-13 Thành Công, quận Ba Đình với tổng diện tích hơn 700 m2; khu đất C12 Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân với diện tích lên tới 1.780 m2; khu đất số 6 Cầu Bươu, huyện Thanh Trì với diện tích trên 4.100 m2.
Đặc biệt, khu đất tại Xuân Nộn, huyện Đông Anh có diện tích lên đến hơn 19.000 m2, Trung tâm kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai với diện tích “khủng” 37.716 m2; Khu công nghiệp Thực phẩm Hapro, huyện Gia Lâm với diện tích hơn 326.000 m2; Trung tâm kinh doanh Chợ đầu mối Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh với diện tích 72.700 m2.
Dự án Điểm đỗ xe Hải Bối, huyện Đông Anh có diện dích trên 14.000 m2; Khu nhà ở và khu phụ trợ - cụm công nghiệp Hapro, huyện Gia Lâm có diện tích trên 352.000 m2.
Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.
Bên cạnh đó, một số công ty thành viên, công ty con mà Hapro đang nắm giữ cũng đang quả lý và sử dụng nhiều BĐS ở các tỉnh, thành phố lớn.

Sở GDCK Hà Nội ra thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) Tổng công ty thương mại Hà Nội – Hapro. Theo đó, Hapro sẽ chào bán 75,93 triệu cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ công ty với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cp. Nếu thực hiện thành công, Hapro sẽ thu về tối thiểu 971 tỷ đồng từ đợt IPO này. Thời gian tổ chức phiên IPO dự kiến diễn ra lúc 8h30 ngày 30/3/2018 tại Sở GDCK Hà Nội.

Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Hapro có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phần lưu hành là 200 triệu. Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ.

Trong năm 2017, doanh thu thuần của Hapro giảm 17% còn 1.927 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế của tổng công ty chỉ bằng 1/6 năm 2016 đạt 11 tỷ đồng.

Đọc nhiều nhất

Tin mới