Chi cục Thuế TP Quy Nhơn - tỉnh Bình Định, vừa công bố danh sách các đối tượng nợ thuế và các khoản phải nộp khác thuộc ngân sách Nhà nước tính đến ngày 10/10/2024.
Đáng chú ý khi trong danh sách này có sự xuất hiện của ông lớn bất động sản là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) với khoản nợ thuế là 86,3 tỷ đồng. Được biết đây là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản liên quan đến đất. Đáng chú ý khi số nợ này đã quá hạn trên 90 ngày.
Tại Bình Định, Phát Đạt đang triển khai các dự án có quy mô lớn như Dự án khu đô thị Bắc Hà Thanh, dự án Cadia Quy Nhơn, dự án Nhơn Hội New City (phân khu 4)...
Ngoài số nợ thuế hơn 86 tỷ đồng bị Chi cục Thuế TP Quy Nhơn điểm tên nói trên, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 của PDR còn thể hiện, tại ngày 30/9/2024, doanh nghiệp này còn 95 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp nhà nước, trong đó có đến 88,6 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, hơn 5 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân.
Trích Danh sách nợ thuế mà Cục thuế tỉnh Bình Định công bố. |
Dòng tiền âm nặng, khan hiếm tiền mặt, tài sản treo tại tồn kho
Theo BCTC của Phát Đạt công bố,tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản PDR đạt 22.663 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt còn 40 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng còn 238 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với hồi đầu năm (523 tỷ đồng).
Tổng số tiền và tiền gửi công ty có là 238 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 1% tổng tài sản PDR. Phần lớn tài sản PDR đang bị “chôn chân” ở hàng tồn kho với 12.853 tỷ đồng (chiếm 56%) và nằm ngoài công ty khi các khoản phải thu được ghi nhận đến 7.083 tỷ đồng (chiếm 31%).
Hàng tồn kho công ty bao gồm hàng hóa với 383 triệu đồng, còn lại là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản đang triển khai.
Đáng nói, có nhiều dự án ghi nhận giá trị hàng tồn kho hàng nghìn tỷ đồng, thế nhưng sau nhiều năm vẫn không có nhiều biến đổi. Đơn cử, danh mục hàng tồn kho năm 2020 của PDR ghi nhận giá trị hàng tồn kho tại Dự án EverRich2 là 3.603 tỷ đồng, Dự án Tropicana Bến Thành Long Hải là 1.911 tỷ đồng, Dự án EverRich3 hơn 876 tỷ đồng…
Trong bối cảnh đó, áp lực tài chính của PDR được tăng lên đáng kể. Theo đó, nợ vay tài chính công ty có xu hướng tăng nhanh từ 3.104 tỷ đồng hồi đầu năm lên 4.414 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 3/2024, tương ứng tăng thêm hơn 1.300 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng. Với số lãi vay khổng lồ này, 3 quý vừa qua PDR đã phải dùng 213 tỷ đồng để trả chi phí lãy vay (tính trung bình ngày trả hơn 780 triệu đồng).
Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh PDR trong quý 3/2024 vừa qua âm đến 1.189 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dòng tiền kinh doanh công ty dương 405 tỷ đồng. Hàng tồn kho cùng với các khoản phải thu tăng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền công ty âm nặng.
Ảnh Internet. |
Hoạt động chính không có doanh thu, có lãi nhờ bán công ty liên kết
Còn về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần quý 3/2024 của PDR chỉ vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng, lao dốc 99% so mức 355 tỷ của cùng kỳ 2023. Lợi nhuận gộp teo tóp còn 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ tới 311 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu hoạt động tài chính đột biến lên 194 tỷ đồng, so mức hơn 600 triệu đồng của cùng kỳ. Kỳ này, PDR còn gánh lỗ từ liên doanh liên kết tới 17,2 tỷ đồng, nặng hơn mức âm 6,8 tỷ của cùng kỳ.
Nhưng bù lại lợi nhuận khác mang về 23,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2,6 tỷ đồng. Dù vậy, sau cùng PDR vẫn chỉ lãi ròng 51,2 tỷ đồng, sụt giảm 50% so cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của PDR cũng giảm 69% về còn 173 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng lao dốc 62% về mức 153,6 tỷ đồng, chỉ đạt 17% kế hoạch cả năm.
Giải trình cho kết quả kinh doanh quý 3/2024 của công ty, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc PDR thông tin, lợi nhuận giảm sâu do tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chưa được thuận lợi.