Công an huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) mới đây đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Đình Hồng (SN 1985, ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) - lái xe khách xe Bảo Lâm BKS 29B-31233 chạy tuyến Sơn La - Hà Nội để điều tra, làm rõ về việc "cất giấu" hơn 720 triệu hành khách để quên trên xe.
Bước đầu, tài xế Nguyễn Đình Hồng khai nhận, khi đến khách sạn Trường Giang, thị trấn Nông trường Mộc Châu, xe dừng nghỉ ăn cơm. Lúc đóng cửa xe, nam tài xế phát hiện chỗ giường nằm tầng 1 sau ghế lái có một chiếc túi, mở ra xem thấy rất nhiều tiền nên nảy sinh ý định chiếm đoạt đã cất giấu.
Hiện trường vụ việc tài xế cất giấu hơn 700 triệu của khách. |
Trao đổi với PV Kiến Thức sáng 21/2, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bài học đầu tiên mà thế hệ học sinh Việt Nam thường học là “Nhặt được của rơi trả người đánh mất”.
Từ đó trở thành nét văn hóa, là chuẩn mực đạo đức xã hội. Bài học này là bài học đầu đời, dậy con người ta tính thật thà, trung thực, là một trong những đức tính cơ bản, cần có của một con người.
Thực tiễn trong đời sống xã hội thì rất nhiều trường hợp các em nhỏ nhặt được của rơi, trả người đánh mất, thậm chí còn có những bài hát thiếu nhi để giáo dục hành vi này của con người từ khi còn nhỏ...
Do vậy, việc người lớn, người trưởng thành nhặt được tài sản của người khác đem trả lại là chuyện hết sức bình thường, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, đây là một việc làm có ý nghĩa giáo dục đối với những người khác.
Tuy nhiên, nhiều người đã không vượt qua nổi lòng tham, không vượt qua được sự cám dỗ của vật chất khiến bản thân hoa mắt, không nhận thức được đâu là đạo lý nên đã nảy sinh nghĩ định chiếm đoạt tài sản bỏ rơi, bỏ quên của người khác.
Nhặt được của rơi, trả người đánh mất không chỉ là nét đẹp văn hoá, là đạo đức con người Việt Nam mà còn là trách nhiệm pháp lý, vấn đề này pháp luật quy định rất rõ ràng, cụ thể nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản cũng như quy định căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản trong một số trường hợp cụ thể: xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, chôn giấu, chìm đắm...
Đối với tài sản nhật được do người khác đánh rơi, bỏ quên, Điều 230 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, nếu phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Pháp luật cũng quy định, sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác lập quyền sở hữu cho người đã tìm thấy toàn bộ hoặc một phần theo quy định tại điều 230 Bộ luật dân sự năm 2015.
Còn đối với người nào nhặt được tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà nổi lòng tham không thông báo, không giao nộp cho chính quyền địa phương, nảy sinh ý định chiếm đoạt, cất giấu để chiếm đoạt số tiền đó thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào giá trị tài sản mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nếu giá trị tài sản bị chiếm giữ trái phép từ 10.000.000 đồng trở lên thì người chiếm giữ trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp tài sản giá trị dưới 10.000.000 đồng tiền người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong vụ việc tài xế xe khách Bảo Lâm BKS 29B-31233 chạy tuyến Sơn La - Hà Nội cất giấu tiền để quên của khách thì giá trị tài sản rất lớn đến 700.000.000 đồng nên nếu bị xử lý hình sự thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, để xử lý hình sự với đối tượng này, cơ quan điều tra cần có căn cứ chứng minh là người bỏ quên đã thông báo, tìm kiếm, đã yêu cầu trả lại số tiền đó nhưng đối tượng này cố tình không trả lại, cũng không chủ động giao nộp cho cơ quan chức năng.
Nếu chứng minh được lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mới đủ căn cứ xử lý hình sự đối với đối tượng này về tội danh chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại điều 176 bộ luật hình sự và mức hình phạt mà đối tượng này có thể đối mặt có thể lên đến 5 năm tù.
Đồng thời, buộc phải trả lại toàn bộ số tài sản trên, nếu gây thiệt hại thì còn phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Trường hợp nhập được tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên nhưng không biết là tài sản của ai, chưa kịp giao nộp cho cơ quan chức năng thì không bị xử lý. Tuy nhiên, nếu cố ý không thông báo, giao nộp cho cơ quan chức năng mà có ý định giấu diếm để chiếm đoạt tài sản trị giá từ 10 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ án này có thể sẽ là một bài học cho những ai tham lam tiền của, tài sản của người khác do lòng tham hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật. Việc hành khách bỏ quên, đánh rơi tài sản trên các phương tiện vận tải xảy ra thường xuyên, rất nhiều lái xe, phụ xe đã liên hệ để trả lại tài sản cho hành khách.
Tuy nhiên, thời gian gần đây một số lái xe, phụ xe không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tham lam, ích kỷ, muốn chiếm đoạt tài sản của người khác nên không ít người đã phải đối mặt với những chế tài của pháp luật. Vụ việc này có thể sẽ là bài học đắt giá cho những ai không đủ tiêu chuẩn đạo đức để làm nghề, làm người.
>>> Mời độc giả xem video Tạm giữ tài xế giấu hơn 700 triệu đồng của khách bỏ quên:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.