Trong cuộc họp báo vào trưa ngày 23/5 với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Obama đã chính thức ra tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Tuyên bố của ông Obama đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang hết sức hoan nghênh.
Việc Mỹ chính thức gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam đã mở ra cho chúng ta cơ hội lớn tiếp cận những công nghệ quân sự tiên tiến bậc nhất thế giới, trong đó có máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye.
Máy bay cảnh báo sớm E-2C. |
Có một số ý kiến cho rằng Việt nam chưa cần thiết phải có máy bay cảnh báo sớm trên không vì một số lý do sau: máy bay cảnh báo sớm có giá thành đắt đỏ (một chiếc E-2C Hawkeye có giá không dưới 170 triệu USD, E-3A thậm chí còn đắt hơn, tới gần 300triệu USD); Việt nam có không phận dài và hẹp; máy bay cảnh báo sớm vốn nặng nề, không cơ động và dễ bị tiêu diệt; hệ thống radar cảnh báo sớm, dẫn đường và chỉ huy mặt đất đã có thể đảm đương tốt nhiệm vụ. Ta còn phải mua sắm các loại vũ khí khác quan trọng hơn để trang bị cho hải, lục, không quân…
Đó là một quan niệm hêt sức sai lầm.
Nhìn lại lịch sử không chiến thế giới mà một trong những trận chiến tiêu biểu là trận MOLE CRICKET 19 ngày 9/6/1982 giữa Không quân Israel và lực lượng phòng không không quân Syria. Đây là một trong những trận không chiến lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong chiến dịch này Israel được trang bị các máy bay cảnh báo sớm và tác chiến điện tử hiện đại, đã giành được chiến thắng quyết định.
Trong trận đánh chỉ kéo dài ít giờ này, Không quân lsrael với sự chỉ huy hiệu quả của các máy bay tác chiến điện tử E-2C Hawkeye và Boeing707 ECM đã đè bẹp theo đúng nghĩa đen lực lượng Không quân Syria vốn phụ thuộc vào các trạm chỉ huy và hướng dẫn đánh chặn mặt đất.
Máy bay cảnh báo sớm E-2C đã góp công không nhỏ trong sự thành công của chiến dịch MOLE CRICKET. |
Các máy bay tiêm kích của Syria lệ thuộc vào vào sóng radio VHF để duy trì liên lạc, nhưng đã bị kỹ thuật tác chiến nhiễu sóng của Israel phá sóng cắt đứt liên lạc. Việc này khiến hệ thống chỉ huy mặt đất của Syria không thể chỉ huy đánh chặn được nữa và máy bay Syria trở thành miếng mồi ngon cho Không quân Israel.
Chỉ trong ít giờ đồng hồ, Israel đã bắn hạ 82 máy bay chiến đấu của Syria mà không mất bất cứ một máy bay nào. Đó là chưa kể các hệ thống phòng không mặt đất của Syria bị phá hủy.
Một năm sau khi chiến tranh kết thúc, tướng Mỹ Jonh Chain - phó tham mưu đặc trách về kế hoạch và chiến dịch đã dẫn đầu một uỷ ban tới Israel để “học hỏi” trận đánh.
Một vị tướng của Tiệp khắc cho rằng trận đánh này là một phôi thai cho cải tổ và sự sụp đổ của Liên Xô.
Đó là một minh chứng rõ ràng nhất cho ưu thế của máy bay tác chiến điện tử và cảnh báo sớm đối với cục diện của cuộc chiến.
Một bài học nữa từ chiến tranh Iraq, trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”, chỉ một ngày đầu tiên Mỹ đã bắn 500 quả tên lửa HARM. Và trong vòng một tuần đã chế áp hoàn toàn trận địa tên lửa của Iraq, các đơn vị pháo cao xạ bị mù do hệ thống radar đã bị tiêu diệt, Mỹ hoàn toàn khống chế không phận Iraq. Kịch bản tương tự cũng diễn ra trong chiến tranh Kosovo, Nam tư khi hệ thống chỉ huy, dẫn đường và radar bị tê liệt, không quân Nam tư đã lép vế và đánh mất lợi thế trên chính không phận của mình.
Chúng ta rút ra được điều gì từ những bài học này?
Chiến thuật SEAD (suppression of enemy air defence - chiến thuật áp chế phòng không đối phương) được khai sinh từ các phi vụ Chồn hoang (Wild Weasel) trong chiến tranh việt nam.
Ngày nay được các cường quốc không quân đặc biệt coi trọng trong tác chiến đường không, sự thất bại của các hệ thống phòng không không quân có nhiều nét tương đồng với ta như Iraq, Nam tư là những kinh nghiệm vô cùng quý giá để chúng ta tìm ra cách khắc phục những nhược điểm trong chiến lược, chiến thuật và những hạn chế của hệ thống vũ khí mà ta đang có. Trong đó việc chủ động mua sắm một số máy bay cảnh báo sớm và tác chiến điện tử nhằm nâng cao năng lực không quân là vấn đề có tính sống còn khi xảy ra tình huống xung đột với kẻ địch.
Tuy đắt nhưng E-2C thực sự là vũ khí hữu ích. |
Máy bay cảnh báo sớm E-2C
Một trong số các máy bay cảnh báo sớm phổ biến nhất trên thế giới là loại E-2C hawkeye đã chứng minh được năng lực của mình trong chiến dịch Mole Cricket.
E-2C là máy bay cảnh báo sớm chủ lực của Hải quân Mỹ, dùng để kiểm soát không gian trong phạm vi rộng. Nó có thể phát hiện máy bay ném bom tầm cao từ khoảng cách 741km, tàu chiến từ khoảng cách 360km, tên lửa hành trình từ 269km và máy bay chiến đấu từ 408km.
Nó được trang bị radar khẩu độ tổng hợp AN/APS-138,mỗi chiếc có thể đồng thời theo dõi 600 mục tiêu và kiểm soát hơn 40 nhiệm vụ đánh chặn trên không.
“Radar bay” E-2C là máy bay hai động cơ, thân được làm từ hợp kim nhôm, có phi hành đoàn 5 người. Nó được trang bị động cơ hai động cơ tuốc bin cánh quạt cho vận tốc tối đa 598km/h, trần bay thực tế 12.000m, cự ly họat động 320km, thời gian bay 6h6phút,…
Máy bay E-2C hiện được sử dụng trong Không quân Mỹ, Israel, Nhật bản, Hy lạp, Đài loan và Pháp. Ở Đông Nam Á có Không quân Singapore cũng sử dụng loại máy bay này.
Ngoài E-2C, phiên bản mới E-2D Advanced Hawkeye đang được quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật bản sử dụng cũng rất đáng để chúng ta xem xét.