SV giết người để gia nhập hội game: Sự thật gây sốc!

SV giết người để gia nhập hội game: Sự thật gây sốc!
Sinh viên ngoan hiền giết người để gia nhập hội game
Dư luận cả nước “sốc” khi biết tin, Phạm Văn Trọng (20 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, An Giang), hiện đang là sinh viên năm 2, Trường ĐH Cần Thơ vì muốn gia nhập hội game trên mạng đã nhẫn tâm lên kế hoạch giết 10 người, khi đang thực hiện giết người đầu tiên thì y bị bắt. 

Theo thông tin từ Công an huyện Phong Điền (Cần Thơ), tối 12/6 tại địa phận xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền), Phạm Văn Trọng đã rút dao đâm liên tiếp vào người và vùng cổ anh Nguyễn Thanh Tâm (39 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Anh Tâm chống trả quyết liệt lên kẻ thủ ác đã phải vứt dao bỏ chạy. Nhưng ngay sau đó, Trọng đã bị lực lượng chức năng tóm gọn khi chạy cách đó khoảng 1km.

Đối tượng Phạm Văn Trọng.
 Đối tượng Phạm Văn Trọng.

Tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Phong Điền, lời khai của Phạm Văn Trọng đã khiến nhiều cán bộ điều tra ngỡ ngàng. Trọng khai, trong quá trình chơi game online, vào khoảng tháng 12/2012 thì quen biết với một đối tượng tên Hùng trên mạng. Những lần "giao chiến", Trọng đề nghị người này cho gia nhập vào một "hội game online" trên mạng có tên là "Hội những người Việt Nam yêu nước" để làm được điều gì đó "thay đổi xã hội". Điều kiện “kẻ bí mật” đưa ra là Trọng phải giết đủ 10 người, mới được nhập hội. Do mê game nên Phạm Văn Trọng đã lên kế hoạch giết người.

Ngày 12/6, Trọng thực hiện kế hoạch bằng cách chuẩn bị một con dao rồi ra bắt xe ôm của một người tên Tâm, đến địa phận xã Nhơn Nghĩa thì yêu cầu dừng xe và rút dao đâm liên tiếp vào người nạn nhân đầu tiên, thấy anh Tâm chống trả nên Trọng bỏ chạy, sau đó bị bắt giữ.

Để tìm hiểu rõ hơn vụ việc, PV Kiến Thức đã tìm về nhà đối tượng Phạm Văn Trọng tại Ấp Bình Phú 1 (Bình Hòa, Châu Thành, An Giang). Khi nói về việc phạm tội của con mình, ông Phạm Thành Lăng (SN 1973) cho biết, ông vẫn bàng hoàng và không thể tin Trọng giết người để gia nhập hội game.

“Ngày 17/6, tôi nhận được tin báo Trọng bị bắt, tôi và cả nhà không tin đó là sự thực. Bởi từ trước đến khi đi học Đại học, Trọng luôn là niềm tự hào của gia đình tôi. Nó là đứa hiền lành, học giỏi. 12 năm học, Trọng đều có giấy khen và từng là học sinh giỏi cấp tỉnh. Vợ chồng nhà tôi nghèo, tôi thường xuyên đi làm thuê cũng không có tiền, hôm nó đi nhập học phải đi vay mượn được 2 triệu cho nó đi học, tháng nào cũng chỉ gửi cho nó được ít tiền lại chia làm mấy lần. Tưởng rằng, con lấy đó để gắng học, nào ngờ nó lại đổ đốn như thế”, ông Phạm Văn Lăng nước mắt lưng tròng khi nhắc đến đứa con vốn là niềm tự hào của cả gia đình.

Trò chơi kích động bạo lực nhan nhản trên mạng. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
 Trò chơi kích động bạo lực nhan nhản trên mạng. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Bạn học cùng cấp 2 với Trọng cho biết, từ thời học cấp 2 Trọng đã biết đến game online, hồi đó cứ tan học là Trọng lại vào quán game gần trường, đến tận khi học cấp 3, Trọng vẫn giữ niềm đam mê này. Nhưng việc Trọng giết người thì không ai hiểu nổi.

Liên quan đến việc nghiện game mà có những hành vi vi phạm pháp luật đã có nhiều vụ án đau lòng xảy ra mà thủ phạm đều là những người nghiện game. Điển hình như vụ việc một nam thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh chính mẹ ruột của mình giữa đường tại phường Cát Lái (quận 2, TP.HCM) vào sáng 6/1 khi Trần Nguyễn Thanh B (khi đó đang học lớp 12), ngụ khu dân cư Cát Lái trên địa bàn phường đang được mẹ chở trên đường Nguyễn Thị Định. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do em mê chơi game có tính bạo lực, xem phim đồi trụy và nghe nhạc bẩn…trên mạng internet. Mới đây, Tại tỉnh Bạc Liêu nghịch tử Lê Đức Toàn (21 tuổi) cũng đã điên cuồng đâm hàng chục nhát dao xuống người mẹ ruột của mình mà nguyên nhân cũng chỉ vì nghiện game bạo lực. 

Đến lúc phải mạnh tay với game online 
Chỉ vì nghiện game, muốn gia nhập hội game online mà một sinh viên hiền lành học giỏi như Phạm Văn Trọng đã lên kế hoạch ra tay giết người. Điều này khiến dư luận hết sức lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng, ảnh hưởng tiêu cực của game online ngày càng khiến nhiều thanh niên như Trọng vi phạm pháp luật, cũng như suy mòn đạo đức, lối sống. Nếu có một vài thanh niên như sinh viên năm 2 đại học này cũng có ý định giết 10 người để gia nhập hội game thì không biết sẽ có bao vụ án thương tâm sẽ xảy ra. Không ít ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải có giải pháp hữu hiệu để cấm game online.

Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, GS Văn Như Cương cho rằng, việc cấm game bạo lực là điều cần thiết.

“Khi biết được thông tin trên ngay bản thân tôi cũng sốc. Một sinh viên học hành tử tế, một gia đình tử tế, chỉ vì chơi game mà Trọng đã lạnh lùng lên kế hoạch và thực hiện hành vi giết người để gia nhập hội ấy. Các cơ quan chức năng phải làm rõ hội game mà Trọng gia nhập là hội nào? Có hội như thế hay không? Nếu có các thành viên trong hội đó liên lạc với nhau như thế nào? Nếu hội đó tồn tại thật, có người chưa biết mà lại gia nhập hội đó thì rất nguy hiểm cho xã hội. Bởi nếu nó hoạt động thì chắc chắn sẽ có anh này, anh khác. Phải triệt tận gốc hội đó, để xóa tan đi lo lắng của người dân”, GS Văn Như Cương nêu ý kiến.

Nói về việc những trò chơi game bạo lực mà người chơi chủ yếu là học sinh, sinh viên đang nhan nhản trên mạng, GS Cương cho biết,  game thu hút đông đảo sinh viên học sinh, từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy, nhiều sinh viên chơi cả ngày, bỏ bê học hành, không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn suy đồi đạo đức lối sống. Ví như vụ sinh viên năm 2 trường Đại học Cần Thơ giết người để nhập hội chơi game trên là điều không thể chấp nhận ở một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.

GS Văn Như Cương.
 GS Văn Như Cương.

GS Văn Như Cương cũng cho rằng: Muốn cấm được game online không chỉ ở cơ quan quản lý, mà rất cần sự giáo dục của nhà trường và gia đình học sinh. Nhà trường nên trao đổi với các em những mặt trái của các trò chơi trực tuyến, khuyên các em dành nhiều thời gian cho học tập, rèn luyện, giáo dục sao để các em nhận thức được, từ đó mà bản thân các em sẽ ý thức được những việc mình làm. Bên cạnh đó, gia đình phải quản lý được thời gian của con cái, con đang là học sinh mà đi chơi đến 12 giờ đêm mà không biết là không ổn.

"Mới đây, tôi có nghe đến việc quản lý dịch vụ trò chơi điện tử công cộng chỉ được hoạt động từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối. Tôi cho rằng, đây là việc làm cần thiết để hạn chế những tác hại của game online. Tuy nhiên, quy định đề xuất như thế nhưng có làm được không?", GS Cương băn khoăn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Đức Thịnh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng Phạm Văn Trọng là hành vi cố ý giết người, cụ thể đã chém người nhằm mục đích giết hại để gia nhập hội game nên có kế hoạch. Nếu chém người nhằm giết chết người bị chém thì phạm tội giết người quy định ở điều 93, Bộ luật Hình sự. Còn nếu chém người chỉ nhằm mục đích gây thương tích và thực tế người chém không bị chết thì phạm tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự.

"Ở trường hợp đối tượng Phạm Văn Trọng giết người để nhằm mục đích gia nhập hội game thì phải làm rõ người đứng đầu xúi bẩy đối tượng Trọng là ai để xử lý theo quy định của pháp luật”, LS Nguyễn Hoàng Tiến kiến nghị.


Độc giả muốn chia sẻ ý kiến về vụ việc trên, xin mời bấm vào mục Gửi bình luận phía dưới bài viết.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Đọc nhiều nhất

Cán bộ Kiểm sát hát karaoke “ôm”, lãnh đạo Thi hành án nghi vào nhà nghỉ... hiểu luật vi phạm, xử sao cho đáng?

Cán bộ Kiểm sát hát karaoke “ôm”, lãnh đạo Thi hành án nghi vào nhà nghỉ... hiểu luật vi phạm, xử sao cho đáng?

(Kiến Thức) - Hai vụ việc mới đây liên quan đến cán bộ Viện Kiểm sát huyện đi hát karaoke "ôm", và clip quan hệ trong nhà nghỉ nghi là lãnh đạo ngành Thi hành án Hậu Giang khiến dư luận lắc đầu ngán ngẩm khi những người làm luật lại vi phạm luật, quy định ngành và cả đạo đức.

Tin mới