Ngay sau khi được đăng tải, hàng nghìn người đã tham gia bình luận về hiện tượng nam giới dùng que thử thai lên 2 vạch như một phát hiện hài hước. Tuy nhiên, có một bác sĩ cũng là thành viên mạng xã hội này đã bình luận rất nghiêm túc: “Nếu điều này là thật, có khả năng bạn đã bị ung thư tinh hoàn. Đây là chuyện nghiêm túc nhé! Bạn hãy search Google về nó đi”. Và kết quả đúng như vậy, anh chàng đã bị ung thư tinh hoàn phải.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên – bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì kết quả xét nghiệm trên có thể là đúng. Trên thực tế bạn hoàn toàn có thể nhận thấy đây không phải là chuyện đáng để cười chút nào vì đó là điều bất thường đối với một chàng trai.
Ảnh minh họa: internet |
Những ai có hóc môn HCG trong cơ thể
Đầu tiên, cần biết rằng que thử thai là một dụng cụ xét nghiệm định tính beta HGG - một hormon có trong máu và nước tiểu, được sản xuất bởi các tế bào hình thành nhau thai. Que sẽ cho kết quả "2 vạch" nếu như hormon HCG đủ cao, nghĩa là chỉ xuất hiện ở nữ giới sau khi trứng được thụ tinh.
HCG là chữ viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin, một loại hormon đặc biệt chỉ xuất hiện khi phụ nữ bắt đầu mang thai. Hormon này có chức năng nuôi dưỡng phôi thai sau khi trứng đã được thụ tinh và dính vào thành tử cung.
Ngoài ra hormon HCG còn được sản sinh bởi một loại khối u như: Ung thư buồng trứng, gan, phổi và tinh hoàn. Những người có bệnh ung thư liên quan đến tế bào biểu mô bị đột biến, hệ thống nội tiết, thần kinh cũng sản sinh ra HCG. Và những người bị suy thận cũng có nồng độ HCG rất cao.
“Như vậy có nghĩa là chỉ phụ nữ mang thai và người có bệnh lí làm tăng HCG mới làm cho que thử thai xuất hiện 2 vạch” – Bác sĩ Liên cho biết.
Yếu tố nào làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm HCG
Bác sĩ Liên cho biết, ngoài các nguyên nhân về bệnh lí đã nêu trên thì nếu người thực hiện xét nghiệm đang trong thời gian uống một vài loại thuốc thì khi dùng que thử thai sẽ cho kết quả không chính xác.
Một số loại thuốc lợi tiểu và promethazine (thuốc kháng histamin) cũng có thể gây ra kết quả nước tiểu âm tính giả do làm giảm nồng độ HCG
Các loại thuốc khác như chống co giật, thuốc lợi tiểu, thuốc chống parkinson, thuốc có thành phần paracetamon, thuốc ngủ và thuốc an thần có thể gây ra kết quả dương tính giả. Hoặc kết quả là dương tính giả nếu mẫu xét nghiệm có chứa protein, máu hoặc gonadotropin tuyến yên dư thừa.
Và đặc biệt là “dương tính thật” đối với những bệnh nhân nam sử dụng HCG để điều trị ẩn tinh hoàn trước và sau phẫu thuật. Do đó nếu có cháu bé (bệnh nhân ẩn tinh hoàn) nào nghịch dại “ mang que thử thai của mẹ” nhúng vào nước tiểu của cháu thì cũng sẽ xuất hiện “2 vạch”.
Vì vậy, tất cả các xét nghiệm định lượng HCG nước tiểu nếu có thể nên được thực hiện trên một mẫu nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng sớm. Nước tiểu sẽ trở nên loãng hơn sau khi uống chất lỏng (cà phê, nước trái cây, nước, vv…) và khi đó nồng độ HCG nước tiểu có thể trở nên quá thấp không thể phát hiện được
Nói chung, nếu kết quả xét nghiệm có vấn đề, bạn có thể thử lại 1 vài lần và thực hiện theo đúng hướng dẫn. Cần thiết hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nam giới thử que lên 2 vạch (dương tính với HCG) là bị ung thư?
Thực tế chỉ một thiểu số những người đàn ông ung thư tinh hoàn có nồng độ HCG đủ cao để có thể có thể bị phát hiện bởi một que thử thai.
Như vậy, nếu một người đàn ông test nhanh với que thử thai lên 2 vạch nghĩa là nồng độ HCG tăng cao, có thể bị ung thư tinh hoàn. Nhưng ngược lại không hoàn toàn đúng, không phải người đàn ông nào bị ung thư tinh hoàn cũng thử thai lên 2 vạch. Bởi có một số loại bệnh ung thư tinh hoàn không giải phóng hormon này.
Giáo sư Christopher Wood - Phó Khoa Tiết niệu tại Đại học Texas cho biết: “Các quý ông hoàn toàn có thể tự xác định được dấu hiệu bệnh của mình. Vì thế, chúng tôi luôn nhắc nhở các nam giới nên kiểm tra tinh hoàn mỗi tháng, trong lúc tắm để bảo đảm an toàn”.
Nếu nghi ngờ về tình trạng sức khỏe của mình, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện và có hướng điều trị kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo các bạn không nên tự khám, tự làm xét nghiệm tại nhà để tránh hoang mang khi có kết quả “ không tốt” hoặc chủ quan không đi khám bệnh nếu cho kết quả “ âm tính”.
>>> Mời quý độc giả xem video về bệnh ung thư (nguồn Youtube):