Tuy nhiên, những sử liệu mới nhất lại chứng minh rằng, cuộc ngoại tình huyền thoại này thực tế chỉ là sự bịa đặt của các nhà tiểu thuyết mà thôi…
Chuyện ngoại tình nổi tiếng
Phan Kim Liên và câu chuyện ngoại tình của dâm phụ nổi tiếng được người ta nhắc tới ngày nay, xuất hiện lần đầu tiên trong tiểu thuyết Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am, sống ở cuối đời nhà Nguyên, đầu đời nhà Minh, Trung Quốc. Các tác phẩm, câu chuyện lưu truyền về sau hầu hết đều là sự “phóng tác” từ nhân vật Phan Kim Liên trong Thủy Hử truyện, ngay cả một tác phẩm rất nổi tiếng khác là Kim Bình Mai.
Ôn Bích Hà trong vai Phan Kim Liên. |
Chuyện kể rằng, dâm phụ Phan Kim Liên là người hầu gái trong một gia đình giàu có ở huyện Thanh Hà. Mặc dù là thân hầu gái, nhưng Phan Kim Liên từ khi rất nhỏ đã xinh đẹp hơn người thành ra ông chủ giàu có nọ lại có ý nhòm ngó cô hầu gái trong nhà, nhiều lần trêu ghẹo.
Tuy nhiên, Phan Kim Liên không những không đồng ý mà ngược lại còn đem chuyện ông chủ trêu ghẹo mình mách với bà chủ khiến ông chủ bị một phen bẽ mặt. Nhưng cũng vì thế, ông chủ nọ bắt đầu thấy chướng mắt với cô hầu gái của mình. Chẳng bao lâu sau, lấy cớ Phan Kim Liên đã ngoài 20 tuổi, ông chủ mới đem gả Phan Kim Liên cho Võ Đại, một người đàn ông vừa lùn, vừa xấu lại yếu đuối và kém thông minh mà không lấy một đồng nào.
Sau khi về nhà Võ Đại Lang, những kẻ ăn chơi, phóng đãng ở huyện Thanh Hà thấy Phan Kim Liên xinh đẹp thì thường xuyên tới nhà Võ Đại Lang trêu ghẹo cô. Phan Kim Liên lại là người phụ nữ thích chuyện phong lưu, lãng mạn, nhưng vì Võ Đại Lang là một anh chàng bán bánh bao vừa lùn vừa xấu, chẳng có chút phong lưu tài tử nào, vì vậy họ Phan nhanh chóng thông gian với những tên đàn ông phóng đãng trong huyện.
Những kẻ này sau khi đã chiếm đoạt được Phan Kim Liên thì lại thường đến trước nhà Võ Đại Lang trêu ghẹo, nói rằng: “Thật là bông hòa nhài cắm vào bãi cứt trâu”. Võ Đại Lang cảm thấy xấu hổ vì những chuyện vợ làm, mới đem theo Phan Kim Liên chuyển nhà tới phố Tử Thạch huyện Dương Cốc, thuê phòng ở và tiếp tục hàng ngày đi bán bánh bao.
Hai vợ chồng Võ Đại Lang sống được một thời gian thanh bình ở Dương Cốc thì biết tin Võ Tòng được làm chức đầu mục ở huyện này. Sau khi hai anh em gặp nhau, Võ Tòng mới chuyển đến nhà sống cùng với Võ Đại Lang và chị dâu. Phan Kim Liên vốn tính dâm đãng, nay gặp người em chồng là Võ Tòng vừa cao lớn, tướng mạo phi phàm lại hào khí anh hùng ngất trời nên dục vọng nổi lên, nhiều lần tìm cách quyến rũ Võ Tòng.
Võ Tòng không những không bị sự lả lơi và vẻ xinh đẹp của Phan Kim Liên quyến rũ mà ngược lại, còn giáo huấn cho Phan Kim Liên một bài học, khiến cô ta ngượng chín mặt. Sau sự việc lần đó, mối quan hệ giữa Võ Tòng và Phan Kim Liên trở nên căng thẳng. Võ Tòng không muốn xảy ra chuyện phiền phức, vì vậy quyết định rời khỏi nhà Võ Đại Lang chuyển tới sống ở nha huyện.
Sau “sự cố” với Võ Tòng, Phan Kim Liên tiếp tục sống một thời gian với Võ Đại Lang trong bình lặng. Cho tới một hôm dâm phụ họ Phan gặp được một tên nhà giàu và nổi tiếng ăn chơi phóng đãng là Tây Môn Khánh. Đó là vào một buổi chiều, Phan Kim Liên ra cửa kéo rèm lên, không ngờ cây gậy kéo rèm của Phan Kim Liên rơi ngay trúng đầu Tây Môn Khánh đang đi ngang qua phía dưới. Tây Môn Khánh nhìn lên tìm kiếm xem kẻ nào dám đánh rơi cây gậy kéo rèm vào đầu mình thì thấy ngay Phan Kim Liên. Tất nhiên, vẻ xinh đẹp mỹ miều của Phan Kim Liên không thể thoát khỏi con mắt phóng đãng của Tây Môn Khánh.
Sau đó, để chiếm đoạt được Phan Kim Liên, Tây Môn Khánh đã nhờ Vương bà, mụ hàng xóm của Phan Kim Liên làm mai mối. Phan Kim Liên vốn khao khát tình dục, điều mà anh chồng cù lần Võ Đại Lang suốt ngày đi bán bánh bao không đáp ứng được. Thấy Tây Môn Khánh vừa giàu có, vừa đẹp trai, đa tình thì cũng mê mẩn, chẳng vờ vịt gì nhiều. Hai bên thông dâm với nhau, ngày càng trắng trợn.
Một lần, một người bán lê tên là Vận Ca tình cờ bắt gặp cảnh Phan Kim Liên và Tây Môn khánh thông dâm nên đem chuyện nói với Võ Đại Lang. Võ Đại Lang rình bắt đôi gian phu dâm phụ không được, ngược lại, còn bị Tây Môn Khánh cậy quyền cậy thế đạp một cái vào ngực, nằm liệt giường suốt nửa tháng trời.
Trong suốt thời gian Võ Đại Lang bị bệnh, Phan Kim Liên không những không chăm sóc Võ Đại Lang mà còn đay nghiến, dằn vặt. Sách Kim Bình Mai có viết, Võ Đại mắc bệnh nằm suốt 5 ngày không trở dậy thế nhưng Phan Kim Liên không hề quan tâm, không những thuốc thang không có, đêm một ngụm nước cũng không. Chỉ thấy Phan Kim Liên vẫn ngày ngày trang điểm, quần là áo lượt ra đi.
Võ Đại Lang không còn cách nào khác, đành đem người em của mình là Võ Tòng ra để dọa Phan Kim Liên. Phan Kim Liên thấy Võ Đại Lang nhắc tới Võ Tòng thì đâm ra sợ hãi. Cuối cùng đã hợp mưu cùng với Vương bà và Tây Môn Khánh bỏ thuốc độc hại chết Võ Đại Lang.
Võ Tòng trở về, biết cái chết của anh có nhiều uẩn khúc bèn báo quan, nhưng không được xem xét vì Tây Môn Khánh là kẻ rất giàu có, đến bọn quan huyện cũng phải sợ thế lực của y. Võ Tòng bèn tự điều tra, và khi biết sự thật, đã đến tận nhà Tây Môn Khánh giết chết y.
Sau đó, Võ Tòng về nhà nhờ chị dâu sửa tiệc rượu mời Vương bà sang, một là cúng anh, hai là cảm tạ bà ta giúp đỡ những lúc khó khăn. Rồi trước sự chứng kiến của hai người, Võ Tòng kể tội trạng Phan Kim Liên và Vương Bà, trình ra chứng cứ để kết tội hai người mưu sát Võ Đại. Hai người đàn bà sợ hãi van xin nhưng vẫn bị Võ Tòng giết để tế anh trai.
Phan Kim Liên (đứng giữa) trong "Mối hận Kim Bình". |
Câu chuyện trong sách được các nhà tiểu thuyết ghi chép như vậy. Tuy nhiên, những tư liệu lịch sử mới được phát hiện lại khẳng định rằng, mặc dù Phan Kim Liên, Võ Đại Lang cho tới Tây Môn Khánh đều là nhân vật xây dựng trên các nguyên mẫu có thực, song câu chuyện ngoại tình lưu truyền từ xưa tới nay thì hoàn toàn lại là chuyện bịa đặt.
Và sự thực về dâm phụ Phan Kim Liên
Theo khảo cứu của các chuyên gia, dựa trên bia mộ khai quật được vào năm 1946 thì Võ Đại Lang tên thật là Võ Trực, là con nhà họ Võ ở huyện Thanh Hà, Sơn Đông, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Võ Trực khi nhỏ gọi là Đại Lang, tuy xuất thân nghèo khổ, song lại thông minh dĩnh ngộ hơn người, văn võ song toàn, vì vậy lớn lên thi đỗ tới tiến sỹ rồi được bổ làm huyện lệnh ở huyện Dương Cốc.
Còn Phan Kim Liên thì vốn tên là Phan Thục Viên và không phải là một đầy tớ mà là một thiên kim tiểu thư của Phan Tri châu, sống ở Hoàng Kim Trang cách làng của nhà họ Võ chừng 1,5 dặm. Theo ghi chép của tấm bia mộ này thì Võ Trực và Phan Kim Liên sau khi lấy nhau sống rất hạnh phúc, có với nhau tới 4 đứa con. Đồng thời, Võ Đại Lang là một ông quan tốt, tạo phúc cho nhân dân trong vùng, vì vậy, nhân dân vùng này mới tưởng nhớ ông mà lập bia mộ.
Theo những gì ghi chép từ tấm bia mộ này cùng với sự suy luận của các sử gia, thì Võ Đại Lang ở ngoài đời cao tới 1.78 mét trở lên chứ không phải là người thấp lùn xấu xí như trong tiểu thuyết của Thi Nại Am. Hơn nữa, từ hiện trường khai thác bia mộ này có thể thấy, quy mô ngôi mộ của Võ Đại Lang khá lớn, loại gỗ làm quan tài lại là loại gỗ rất quý. Do vậy, càng có thể khẳng định, những điều ghi trên bia mộ về Võ Đại Lang là sự thực.
Vậy nguyên nhân vì đâu câu chuyện Võ Đại Lang và Phan Kim Liên lại trở thành một câu chuyện ngoại tình trớ trêu và bi thảm như vậy? Theo như lời kể của hậu duệ đời thứ 24 của Võ Trực là Võ Song Phúc thì có nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ một người họ Vương, vốn là một người bạn thân của Võ Đại Lang.
Võ Song Phúc kể rằng, vào thời kỳ Võ Đại Lang còn nghèo khó thì người bạn họ Vương này giúp đỡ về tiền bạc. Đến khi Võ Đại Lang làm quan thì gia đình họ Vương phá sản, trở nên nghèo khổ. Vì vậy họ Vương mới tìm đến nhà Võ Đại Lang để xin giúp đỡ, mong Võ Đại Lang cho mình một chức quan.
Tuy nhiên, họ Vương ở nhà Võ Đại Lang suốt nửa năm trời mà vẫn không thấy Võ Đại Lang chịu đề bạt, tiến cử mình. Tức giận, họ Vương lẳng lặng bỏ đi nhưng cũng từ đó đem lòng hận Võ Đại Lang. Vì vậy, trên đường về quê, họ Vương bịa đặt những câu chuyện xấu xa về Võ Đại Lang và Phan Kim Liên nói với những người quen của mình. Tiếng dữ đồn xa, những câu chuyện do họ Vương bịa đặt ngày một lan truyền.
Thế rồi tam sao thất bản, câu chuyện vốn đã xa sự thật ngày càng xa hơn. Mãi tới khi về tới nhà, họ Vương mới biết rằng, Võ Đại Lang vì thanh liêm chính trực không cậy quyền thế tiến cử mình làm quan, nhưng đã cho người xây dựng nhà cửa, chu cấp tiền bạc để Vương có thể sống sung túc cả đời. Họ Vương biết vậy, ân hận vô cùng, rồi sau đó giống như một kẻ điên lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm, dán các tờ giấy thanh minh những gì mình đã kể. Tuy nhiên, lời đã nói ra làm sao thu lại được?
Câu chuyện của Võ Song Phúc được nhiều sử gia tin là có thực. Bởi lẽ, theo truyền thống sáng tác tiểu thuyết thời Minh – Thanh, hầu hết các tác phẩm đều được các tác giả xây dựng dựa trên những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, cộng thêm sự gia công của chính bản thân mình.
Câu chuyện ngoại tình của Phan Kim Liên được tác giả Thi Nại Am xây dựng trong “Thủy Hử truyện” đương nhiên cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng vì tạo nên sự thành công cho tác phẩm của mình, Thi Nại Am đã vô tình tạo nên tiếng xấu ngàn đời cho một người phụ nữ.