Trong lịch sử Trung Quốc, cung nữ có vị trí cao nhất là Lục Đại Cơ nhà Bắc Tề. Sau này khi gặp Hoàng Hoa, một cung nữ khác được hoàng đế sủng ái, Đại Cơ nhận Hoàng Hoa làm con nuôi và được tiến cử làm Hoằng Đức Phu nhân. Không lâu sau, Hoàng Hoa sinh được một người con trai khiến cho vị hoàng đế hiếm muộn bấy lâu có hoàng tử nối dõi.
Lục Đại Cơ vì muốn bảo toàn con đường quan lộc và gia tăng quyền thế của mình đã mưu mô tiến hành một canh bạc chính trị, dùng thuật pháp ép Hoàng hậu Hồ Thị truất ngôi, sau đó sắp xếp cho mẹ con Hoàng Hoa lên làm Hoàng hậu và Thái tử.
Ngoài ra, Thượng quan Uyển Nhi đời nhà Đường cũng là một cung nữ nổi tiếng có thế lực. Bà là người xinh đẹp, tài hoa, lại hiểu biết về chính trị nên được Đường Trung Tông ưu ái và trọng dụng. Thậm chí, rất nhiều việc bách quan trong triều tấu lên Hoàng đế đều do một tay bà xử lý, quyết định.
Còn lại, đa phần cung nữ đều là những người thân phận thấp hèn, không có quyền lực hay ảnh hưởng gì. Có thể nói, mặc dù cung nữ được phân làm nhiều bậc cấp khác nhau nhưng thực chất đó chỉ là hình thức, tất cả họ đều chỉ làm một công việc là hầu hạ và phục vụ, làm vật trang trí và thỏa mãn những vui thú của bậc quân vương.
Mong một lần được Đế vương để mắt, đa phần kết cục bi thương
Đa phần cung nữ được tuyển chọn trong dân thường, xuất thân từ những gia đình cơ bản. Ngoài ra, có một bộ phận được đưa vào cung do bản thân hoặc gia đình phạm tội, có địa vị thấp nhất, phải làm những công việc hạ đẳng. Một số người có tài nghệ thì làm công việc đàn hát, thêu thùa, may vá…
Như thời Đường, Hiếu Minh Hoàng hậu Trịnh Thị, trước khi bị kẻ tạo phản Lý Nạp lấy làm thiếp, khi Lý Nạp thất bại, qua đời, Trịnh Thị bị giáng làm nô tỳ. Kim Nguyên Phi Lý Sư Nhi vì gia tộc có tội, cha mẹ phải vào cung làm nô bộc, nên theo quy định, Lý Sư Nhi cũng bị giáng làm cung nữ.
Bên cạnh đó, còn có một số cung nữ do các quan địa phương hoặc các nước nhỏ hơn hiến tặng. Những cung nữ này thường xinh đẹp hoặc có tài nghệ đặc biệt, dễ thu hút sự chú ý của Hoàng đế mà trở thành phi tần.
Nghĩa vụ của cung nữ là phục vụ Hoàng đế, Hoàng hậu và các phi tần. Cung nữ chốn hậu cung nhiều không đếm xuể, Hoàng đế không thể để mắt đến từng người, nên thường các cung nữ chỉ được Hoàng đế lưu tâm trong những khoảnh khắc hết sức ngẫu nhiên.
Nếu Hoàng đế có nhu cầu hoan lạc và gần gũi với một cung nữ nào đó, thời gian sẽ do thái giám ghi chép lại. Triều Minh quy định, cung nữ được hưởng ân huệ của Hoàng thượng thì bắt buộc phải có tín vật do vua ban làm chứng. Thái giám sẽ lưu lại thời gian và vật chứng để sau này nếu cung nữ có thai thì tiện bề đối chiếu.
Cung nữ mới vào cung chịu sự dạy bảo, rèn giũa từ việc đi đứng, trang điểm, chải đầu, đến cả việc ăn, ngủ. Tất cả đều có quy định nghiêm khắc, chặt chẽ. Không chỉ hầu hạ các bậc vua chúa, cung nữ mới vào còn phải phục vụ và chịu sự quản lý của các cung nữ già có kinh nghiệm. Tất cả công việc cá nhân hàng ngày của cung nữ già, như rửa mặt, chải đầu, rửa chân, tắm táp…, đều do các cung nữ mới vào cáng đáng.
Chung thân dang dở, cuối đời hiu quạnh
Cung nữ đã vào cung thường không có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí không được rời cung. Nếu làm trái với quy định, sẽ khó thoát tội chém đầu hoặc đày ra biên ải. Do luật lệ hà khắc như vậy nên đa phần cung nữ đều cam phận trong cung, làm việc khổ cực hết ngày này qua ngày khác cho tới già.
Khi vào cung họ mới 16 tuổi, đến khi đã 60 tuổi, xuân sắc qua đi, hồng nhan phai nhạt, họ lại làm phận ni cô, bầu bạn với ngọn đèn vàng và những cuốn sách cổ trong am, miếu, sống những tháng ngày còn lại trong lạnh lẽo.
Cũng có một số cung nữ già bị điều tới lăng mộ của Tiên Hoàng để đèn nhang hàng ngày, kết thúc quãng đời đau khổ của mình. Khi chết đi, họ bị chôn chung ở phần mộ của các cung nữ có tên "Dã Cô Lạc" hoặc "Cung Nhân Tà". Thậm chí, nhiều người còn không có đất để chôn, xác của họ được đốt và vứt xuống giếng trong cung.
Một số triều đại có ngoại lệ, cho phép cung nữ xuất cung khi mãn hạn. Như triều Thanh quy định, cung nữ làm việc tròn 10 năm thì có thể được xuất cung, tự do cưới chồng. Ngoài ra, một vài triều đại còn có chính sách thả cung nữ sau khi Hoàng đế băng hà, như thời nhà Đường.
Được xuất cung, nhưng do sống tách biệt quá lâu với thế giới bên ngoài, nên hầu như họ không thể trở lại một cuộc sống bình thường. Một số người về quê phụng dưỡng bố mẹ già, một số người lại không còn nhà để về, đành lưu lạc tha hương, sống cuộc đời khổ cực, cô đơn, không nơi nương tựa cho đến tận cuối đời.