Cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 93,9 nghìn tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6%.
Trong tháng 4, cả nước có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 93,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72 nghìn lao động, giảm 35,7% về số doanh nghiệp, giảm 28,6% về vốn đăng ký và giảm 16,4% về số lao động so với tháng 3/2020.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng, cả nước còn có 3.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019, đây là tín hiệu cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đang tái khởi động để chuẩn bị đón cơ hội kinh doanh mới khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
4.121 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68,1% và tăng 65,2%; 2.166 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 22,2% và tăng 13,8%; 980 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 25,5% và giảm 17,6%; 2.864 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 51,6% và tăng 42,8%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 315,7 nghìn lao động, giảm 13,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,9% về vốn đăng ký và giảm 29,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 680,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 11,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.126,1 nghìn tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 17,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,1% so với 4 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng lên 55,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 13,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 4 tháng đầu năm có 558 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước; có 10,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 10,7%; có 26,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 14,3%.
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động có duy nhất ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 527 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 12.717 doanh nghiệp, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 5.011 doanh nghiệp, giảm 13,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo 4.821 doanh nghiệp, giảm 12,1%.
Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 3.473 doanh nghiệp, giảm 4%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 2.055 doanh nghiệp, giảm 18,7%.
Số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh. |
Kinh doanh bất động sản 1.742 doanh nghiệp, giảm 29,1%; vận tải, kho bãi 1.615 doanh nghiệp, giảm 14,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.540 doanh nghiệp, giảm 23,3%; thông tin truyền thông 1.177 doanh nghiệp, giảm 3,7%; giáo dục và đào tạo 968 doanh nghiệp, giảm 24,8%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 388 doanh nghiệp, giảm 13,4%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 261 doanh nghiệp, giảm 38,4%.
Trong 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2%, trong đó có 2.903 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Cũng trong 4 tháng đầu năm có 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 4,6 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4,5%; 75 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 8,7%.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,9 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 599 doanh nghiệp; xây dựng có 425 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 312 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 302 doanh nghiệp.
Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác và kinh doanh bất động sản đều có 279 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi và giáo dục, đào tạo đều có 202 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 190 doanh nghiệp. Trong 4 tháng, trên cả nước còn có 14,3 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.