CTCP BOT Cầu Thái Hà (BOT) công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với doanh thu thuần vỏn vẹn hơn 7 tỷ đồng, cũng gần gấp đôi mức 4 tỷ của cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, Công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 17 tỷ của cùng kỳ dù giá vốn vẫn không đổi. Chi phí lãi vay tiếp tục là gánh nặng của BOT khi chiếm gần 27 tỷ đồng.
Do đó, sau cùng BOT lỗ ròng gần 41 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 43,5 tỷ của cùng kỳ. Chính khoản lỗ này nâng lỗ luỹ kế của BOT lên con số 210 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2020, BOT vay ngắn hạn gần 54 tỷ đồng nhưng dài hạn tới hơn 1.018 tỷ đồng, chếm chủ yếu trong tổng nguồn vốn (1.383 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1,7 tỷ đồng.
Được biết, BOT Cầu Thái Hà chính thức thu phí từ năm 2019 và dự kiến thua lỗ trong 4 năm đầu hoạt động do ảnh hưởng của khấu hao và chi phí lãi vay. Năm 2019, BOT Cầu Thái Hà lỗ gần 170 tỷ đồng.
Dự án BOT Cầu Thái Hà |
Gần đây, theo báo Đầu tư, sau hơn 1 năm được phép thu phí hoàn vốn nhưng doanh thu mỗi ngày chỉ đạt khoảng 15% phương án tài chính, nhà đầu tư Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà buộc phải tiếp tục cầu viện các cơ quan chức năng.
Theo đó, BOT Cầu Thái Hà đề nghị Bộ GTVT cho phép bổ sung trạm thu phí trên phạm vi dự án để thu phí các phương tiện sử dụng Dự án BOT cầu Thái Hà đi qua cầu Hưng Hà. Lý do là hiện các phương tiện đi qua cầu Hưng Hà đang sử dụng 1,6 km đường của Dự án mà không trả phí dịch vụ.
Công ty cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét hỗ trợ bằng nguồn vốn nhà nước với phần doanh thu bị hụt so với phương án tài chính của hợp đồng và các khoản chi phí phát sinh do Dự án BOT cầu Thái Hà không đảm bảo doanh thu thu phí theo phương án tài chính như: chi phí lãi vay, chi phí quản lý, chi phí bảo trì, chi phí vận hành...