Mưa lũ ở Quảng Ninh đã để lại những thiệt hại nặng nề, 17 người chết do sạt lở đất đá, 6 người mất tích, 104 ngôi nhà bị đổ hoàn toàn, 8.934 nhà bị ngập lụt, tổng thiệt hại đã tăng lên 2.200 tỷ đồng. Trong những ngày qua, cùng với việc khắc phục mưa lũ tại nơi đây, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đưa ra những ý kiến lý giải nguyên nhân dẫn đến những hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra. Một số ý kiến cho rằng, mưa lũ lớn liên tục trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả nặng nề chưa từng thấy nhưng cũng có ý kiến cho rằng do đặc điểm địa hình, địa mạo cũng như sự chủ quan của con người cũng là lý do gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại đây.
Mưa lũ đã gây ra những thiệt hại kinh hoàng tại Quảng Ninh. |
Tiến sĩ Lê Huy Y, Nguyên giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam vừa gửi đến báo điện tử Kiến Thức bài phân tích nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất và gây thiệt hại lớn tại Quảng Ninh. Theo nhận định của Tiến sĩ Lê Huy Y, có thể tránh được những thảm họa do sạt lở đất nếu chú ý đến nhiều yếu tố liên quan đến địa chất khu vực này.
Kiến Thức xin giới thiệu bài viết này đến độc giả.
Do mưa lâu và người đào các vách quá dốc
Hiện tượng sạt lở là do mưa lâu, động đất và người đào các vách quá dốc. Nếu đất đá liền khối và rắn chắc thì hiện tượng sạt lở khó xảy ra.
Phân tích trên cơ sở khoa học có thể thấy, nguyên nhân sâu xa của sạt lở đất đá là do quá trình vận động nâng lên tạo núi của các vùng của vỏ trái đât. Động lực của sự nâng lên tạo núi này, theo tôi, là các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ các đây vài chục triệu năm. Sự nâng lên tạo núi này đã sinh ra các đứt gãy kiến tạo và hoạt động phun trào núi lửa. Các đứt gãy kiến tạo làm nảy sinh các mặt trượt, khe nứt lớn, đới dập vỡ đất đá, để ngày nay nước mưa có thể dễ dàng làm sập lở xuống đường, nhà dân. Đặc biệt, tại nơi giao điểm của các đứt gãy, hình thành các họng núi lửa, qua đó các mạch đá macma phun trào lên mặt đất. Thành phần của đá phun trào này là dăm, cuội, dung nham núi lửa. Khi bị phong hóa trong điều kiện nhiều nước, dung nham núi lửa biến thanh sét – kaolin rất trơn, làm cho các tảng đá, mảng đất, đá rất dễ trôi xuống theo dòng nước, thậm trí trôi theo trọng lực khi chịu một lực tác dụng như động đất, nổ mìn...
Bản đồ địa chất vùng Quảng Ninh. |
Nhìn lại ở Việt Nam, các đứt gãy đang được nhìn nhận, ghi vẽ trên các bản đồ địa chất ở mọi tỷ lệ rất thiếu về số lượng, thường lệch về hướng chạy và hướng cắm (Do hình thành bởi nội lực của các khối xâm nhập nông bên dưới nên các đứt gãy buộc phải có phương thẳng đứng, chứ không nghiêng như thường thấy trong các bản vẽ của địa chất).
Ví dụ: Vùng Mông Dương, theo các bản đồ địa chất tỷ lệ 1/5.000 đã vẽ, chỉ có dưới chục đứt gãy chạy ngoằn ngoèo trên vùng mỏ và cắm không dốc lắm sai với thực địa. Chúng tôi, theo một Hợp đồng kinh tế với mỏ, đã tìm ra không dưới 100 đứt gãy kiến tạo. Các đứt gãy này cắm thẳng đứng, chạy dài và thẳng suốt vùng mỏ. Chúng gồm 4 hệ thống theo 4 phương: Tây Bắc – Đông Nam, Đông Bắc – Tây Nam, Bắc Nam và Á Vĩ tuyến. Những đứt gãy này đã chia cắt vùng Mông Dương thành các khối có bờ dốc đứng và những rãnh sâu. Vách của những bờ dốc là đất đá của tầng chứa than bị cà nát do đó đã bị nước cuốn trôi tạo thành các khe, suối, thung lũng. Những tảng đá, mảng đất đá còn sót lại vẫn là những quả bom nổ chậm gây sạt lở ngày nay và những năm sau.
Phân tích tài liệu từ hàng không cho thấy vùng Quảng Ninh có 2 dải dị thường liên quan với các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ thành phần bazơ ở dưới sâu:
Các khối macma này gây biến chất than, mang lại cho than có nhiều pyrit (FeS2, sulfua sắt) làm phát sinh nhiều đứt gãy kiến tạo và tạo ra những vùng vật liệu núi lửa từ Mông Dương tới Đầm Hà, bị phong hóa tại chỗ thành sét, cát, cuội kết màu đỏ và được các nhà địa chất xếp vào thành tạo tuổi Jura. Điều này cũng giải thích tại sao vùng Quảng Ninh vẫn thỉnh thoang xảy ra động đất mà không nên giải thích là dư chấn từ nơi xa đến.
Như vậy, vùng than Quảng Ninh đã bị phức tạp hóa bởi các thành tạo phun trào và những và những đứt gãy địa chất cần đánh giá chính xác lại.
Những vùng khác ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tây Bắc... cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, với những vùng đá vôi, lẽ ra là những vùng này an toàn, không gây sạt lở, nhưng do họat động của các đứt gãy và các núi lửa kéo theo đã tạo ra những tảng bom núi lửa, những vùng dung nham và những mạch dung nham xuyên vào kẽ đá vôi, khi gặp nước sẽ biến thành sét-kaolin rất trơn, tạo ra những mảng sụt lớn hoặc những tảng đá như từ trên trời rơi xuống.
Các núi lửa kéo theo này cũng tạo thành các hang động karst (nổi và ngầm) và trong điều kiện thuận lợi, các hang ngầm bị sụt xuống tạo thành các hố tử thần như ở Cẩm Phả và Hạ Long trong những năm vửa qua.
Có thể phòng tránh sạt lở khi mưa lũ
Có thể nói, do đặc điểm của mọi miền núi, hầu hết các con đường, các thung lũng cư dân đều đè lên hoặc nằm ven rìa các đứt gãy địa chất. Như vậy cách khắc phục chỉ có thể là:
1. Xác định đúng tâm các đứt gãy để không làm nhà, đường, nhà máy... đè lên các đứt gãy.
Tiến sĩ Lê Huy Y. |
2. Phải khảo sát và xử lý tốt đới cà nát, dọn dẹp các tảng đá mồ côi, các tảng đá dễ sạt lở. Không được ăn bớt bằng cách tăng độ dốc tali đường; Không được làm nhà ở sát chân núi. Trên thực tế tìm các đứt gẫy không khó nếu có quan niệm đúng.