Theo kết luận ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân sập cầu treo là do đứt ốc neo nhưng người dân đã phát hiện ra một điểm đáng nghi khác liên quan đến chất lượng công trình.
Cụ thể, theo một số người dân xã Sơn Bình, sau sự cố sập cầu treo Chu Va 6, một số người đã đập cột dây neo và phát hiện cột dây neo không phải được đúc bằng bê tông nguyên khối, mà bên trong có độn gạch nung.
Theo anh Phương, một kỹ sư xây dựng làm việc cho một đơn vị tư vấn giám sát trong ngành xây dựng, thực ra cột dây neo không được đúc bằng bê tông nguyên khối, mà có độn gạch nung bên trong không ảnh hưởng gì tới việc sập cầu treo Chu Va 6. Việc này có sai phạm kỹ thuật hay không thì nó tùy vào bảng quy định kỹ thuật của từng cây cầu. “Tuy nhiên, thông thường cột dây neo của một cây cầu treo phải được đúc bằng bê tông trộn với đá dăm, mà phải là đá cấp 2 hoặc cấp 3 trở lên, chứ tôi ít thấy trường hợp nào cột dây neo của cầu treo lại độn gạch nung như thế này”, anh Phương nói.
Trước đó, tổ công tác kỹ thuật của Bộ GTVT đã bước đầu xác định nguyên nhân sập cầu treo Chu Va 6 là do đứt ốc neo tăng đơ tại đầu neo cáp đầu cầu hướng bản Chu Va 8. Vì ốc neo cáp không đạt chất lượng đã dẫn đến đứt gãy.
Anh Đỗ Thiện, một chuyên gia tư vấn khác trong ngành xây dựng cho hay, ốc neo cáp chính của cầu được thiết kế như một cấu kiện chia sẻ lực căng của cáp chủ do tất cả tải trọng tĩnh, tải trọng động và các tải trọng liên quan khác tác dụng lên cầu gây nên. “Xem qua ảnh có thể thấy, cầu sập không phải do đứt dây cáp mà là đứt tăng đơ. Do nhà thầu không hiểu bản chất của tăng đơ là chịu kéo nên đã dùng que hàn để thổi tạo lỗ. Quá trình hàn đã biến thép thành gang nên khả năng chịu kéo rất thấp”.
Vậy, để quy ra trách nhiệm thuộc về ai thì phải điều tra xem nhà thiết kế chọn phương thức này hay nhà thầu tự ý nghĩ ra cách dùng "ốc neo". Ốc neo phải là ốc thép nguyên chất, đạt tiêu chuẩn hay là con ốc tự chế? Rồi con ốc đạt chuẩn thì phải mua từ đâu, hay con ốc tự chế thì phải làm theo quy trình nào, kiểm định chất lượng và thử tải ra sao trước khi đưa vào sử dụng. Cũng phải biết rằng kiếm đâu ra cục thép đạt chuẩn để rồi cắt gai, thổi lỗ… hay là đúc đại cục gang rồi đem đi gia công ... Trách nhiệm của nhà thiết kế là phải nêu rõ vật liệu được sử dụng và tiến hành như thế nào. Còn nhà thầu phải chứng minh được mình có làm theo đúng yêu cầu của nhà thiết kế hay không…
Cột dây neo của cầu treo Chu Va 6 có độn gạch nung bên trong. |
Một thông tin liên quan khác vừa được công bố là Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam vừa xác nhận Đan Mạch tài trợ vốn xây cầu Chu Va 6 (Lai Châu) tới Bộ Tài chính, nhưng toàn bộ các khâu sau đó là do Việt Nam tự tiến hành.
Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cho hay: "Chúng tôi đã nhận được xác nhận rằng một phần tiền của Quỹ Danida đã được dùng cho dự án cầu treo ở Lai Châu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, số tiền mà chúng tôi tài trợ địa phương đó thực ra là từ quỹ chúng tôi tài trợ qua Bộ Tài chính của Việt Nam và họ đưa tới các kênh địa phương. Và toàn bộ việc xử lý và xây dựng các cây cầu hoàn toàn nằm trong tay chính quyền địa phương”.
Ông Nielsen cũng giải thích thêm, khi tiến hành tài trợ, phía Đan Mạch đã yêu cầu có những bản đánh giá và cam kết từ phía Việt Nam đối với việc dùng tiền vào mục đích xây cầu.
Cầu treo dân sinh Chu Va 6 được khởi công xây dựng tháng 8/2012 và được hoàn thành đưa vào khai thác tháng 12/2012. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu; Công ty TNHH tư vấn công nghiệp Lào Cai là Tư vấn thiết kế. Nhà thầu thi công: Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Ký Hoa. Tư vấn giám sát: Ban QLDA huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về GT - VT trên địa bàn là sở GT - VT tỉnh Lai Châu. Theo thiết kế cầu có chiều dài 54m, bề rộng mặt cầu 1,5m; cột cổng cao 5,4m; độ vồng cầu 1,1m; độ võng cầu 4,0m. Tải trọng thiết kế: 1,5 tấn đơn chiếc; hoạt tải tính chung 100 kg/m2 mặt cầu. Cổng cầu bằng bêtông cốt thép M200, khoảng cách tim hai cột cổng là 2m.