Tại phiên họp ngày 26/2, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí xem xét sự cần thiết đầu tư sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, để có cơ sở trình Quốc hội và thuyết phục Quốc hội đồng ý chủ trương này, bà Ngân cho rằng Chính phủ cần làm rõ thêm một số vấn đề vẫn còn chưa “sáng rõ”.
Trước hết, bà Ngân cho rằng cần làm rõ thêm sự cần thiết, vai trò trung chuyển của cảng hàng không Long Thành khi đi vào hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Có ý kiến cho rằng, các chuyên gia đặt vai trò của Long Thành trung chuyển cho 3 nước Indonesia, Philippines, Australia. Tuy nhiên, thực tế có khả năng sẽ chỉ trung chuyển được Australia vì hai nước kia quá gần.
Vậy vai trò trung chuyển của sân bay này ở đâu? Nội địa chỉ chiếm 20%, vậy khi hoàn thành 3 giai đoạn liệu có đạt được 100 triệu lượt hành khách, bà Ngân nhấn mạnh câu hỏi này cần làm rõ.
Vấn đề thứ hai, theo bà Ngân, đó là diện tích đất sử dụng cho dự án. Trong giải trình bổ sung lần này của Chính phủ đã vạch ra được quỹ đất dành riêng cho hàng không là 2750ha.
“Tuy nhiên, Chính phủ cần phải tính toán lại quỹ đất cho quốc phòng để có cơ chế thu hồi đất một lần. Bên cạnh một sân bay lớn nhất thiết phải có quỹ đất dành riêng cho quốc phòng”, bà Ngân nói.
Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, bà Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo phải trả lời được câu hỏi tại sao trình Quốc hội cho ý kiến có một lần đã giảm được số tiền lớn, vậy nếu rà soát tiếp liệu có thể giảm được nữa hay không.
“Đề nghị phải làm rõ thêm đã giảm được ở những nội dung nào, đồng thời rà soát cả 3 giai đoạn xem mức đầu tư là bao nhiêu để tránh phát sinh chi phí khi bắt tay thực hiện dự án”, bà Ngân yêu cầu.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đã đề nghị cần phải làm rõ thêm về cơ chế tài chính cho dự án. Xác định rõ ngân sách tham gia tổng thể là bao nhiêu, nếu huy động được thì sẽ giảm ra sao và tác động nợ công ra sao…
Theo bà Ngân, khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ có khẳng định đầu tư cho dự án này thì nợ công vẫn chưa vượt trần, vậy bây giờ giảm mức đầu tư thì tác động đến nợ công ra sao cũng cần phải đánh giá.
Ngoài ra, các vấn đề như tính toán hiệu quả về kinh tế xã hội, tác động môi trường, chính sách tái định cư và sinh kế cho người dân sau khi thu hồi như thế nào... cũng được Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ hơn khi báo cáo trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trong phiên họp ngày 26/2, Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án sân bay quốc tế Long Thành sáng nay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết vốn đầu tư sẽ giảm khoảng 2,9 tỷ USD, từ 18,7 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD.
Con số giảm là do rà soát và tính toán chi tiết hơn, điều chỉnh giảm quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư, giảm các hạng mục do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh trong giai đoạn I, không đưa vào dự án các hạng mục triển khai theo phương án xã hội hóa...
Dự án này vẫn sẽ có 3 giai đoạn. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc xây dựng là cần thiết vì sản lượng hàng không từ nay đến năm 2030 cả về hành khách, hàng hóa và số chuyến đều tăng trên dưới 6%.