Rùng mình những loại rau củ sắp thối lại được “hồi sinh” bằng hóa chất

Những lô hàng bị héo, sắp hỏng do không kịp tiêu thụ, được người bán xử lý bằng hoá chất, giúp chúng tươi lại như mới thu hoạch.

Rau xanh là thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Nhưng hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều tiểu thương đã dùng hóa chất để "hồi sinh" các loại rau củ đã héo hoặc sắp thối đến nơi do không tiêu thụ hết để tiếp tục bán cho người tiêu dùng. Những loại rau củ đã bị tẩm hóa chất này khiến người dân khi ăn phải thì trường hợp nhẹ là bị ngộ độc thực phẩm, nặng hơn có thể ảnh hưởng đến hô hấp, gây đột biến và phát sinh ung thư.
Theo một nhân công đang làm công việc sơ chế củ cải, cà rốt hàng đêm cho một chủ hàng kinh doanh ở chợ đầu mối thì quy trình xử lý củ cải, cà rốt bằng hoá chất như sau: “Sau khi rửa sạch đất, củ nào có màu bạc, không đạt chất lượng, hoặc bị khô héo do quá trình vận chuyển (bị hầm hơi), do chưa tiêu thụ kịp từ những ngày trước đó... sẽ được ngâm vào dung dịch có pha chất bột màu trắng có tên gọi là chất tẩy đường, được mua ở chợ. Củ cải trắng sau khi ngâm sẽ căng mọng, trắng tinh, còn cà rốt thì đỏ đều màu, tươi đẹp như mới".
Theo đó, rau củ nhờ có chất này mà bảo quản được cả tuần, không bị úng, hư. Công thức chung là 1kg bột pha loãng với khoảng 100 lít nước và xử lý được 400 – 500kg củ cải hoặc cà rốt. Để hiệu quả, phải ngâm trong vòng 30 phút.
Trên thị trường còn rất nhiều loại rau của Trung Quốc trái mùa, như hoa lơ, rau bắp cải xanh cuốn khá chặt. Người bán hàng bảo đó là rau Đà Lạt, nhưng thực chất đó là của Trung Quốc để đến cả tuần vẫn xanh, tươi.
Hoặc khoai tây của Trung Quốc đã được các thương lái nhập thẳng về Đà Lạt, dùng đất đỏ bao thành một lớp áo bên ngoài củ rồi đặt tên cho nó là khoai tây Đà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng và bán được lãi nhiều hơn. Đặc biệt, loại khoai tây này để vài tháng trời trong kho cũng không hỏng, điều này đồng nghĩa với việc khoai tây có hóa chất.
Nếu mọi người ăn phải các loại rau xanh như trên với dư lượng thuốc trừ sâu đọng lại quá nhiều thì rất dễ bị ngộ độc với các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt, đau đầu và đi ngoài.
Hiện tại, để mua được rau không có hóa chất tại các chợ quả là khó, nên nhiều gia đình đã phải ngâm rau trong nước muối, hoặc thuốc tím rồi rửa kỹ để giảm bớt hóa chất trong rau. Nhưng theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, khi rau, củ quả đã ngấm hóa chất thì việc sử dụng nước rửa rau quả, hay ngâm muối… chỉ loại bớt được một phần nào đó chất độc hại.
Dưới đây là một số loại rau củ thường bị tẩm hóa chất để giữ tươi lâu nhất và một vài mẹo nhận biết giúp người tiêu dùng tránh mua phải loại rau độc hại này:
Rau muống
Thân rau muống to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen do bị dùng nhiều đạm hoặc phân bón. Khi luộc rau, bạn sẽ thấy nước luộc lúc nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn đen kết tủa. Những loại rau này khi ăn xong bạn sẽ thấy có vị chát.
 
Rau muống ngon nhất vào khoảng tháng 4, 5, 6. Những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng nhưng ăn lại rất giòn, ngon và an toàn hơn hẳn. Nếu ngắt cuống sẽ có vệt nhựa loãng
Mướp đắng
 
Khi mua, tốt nhất bạn nên tìm những quả mướp đắng nhỏ, dài, trên thân có nhiều sớ gân nhỏ li ti. Quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt, thân phình nhưng sớ gân bóng loáng là những quả lạm dụng hóa chất làm tươi.
Đậu đũa
 
Đậu đũa là loại bị lạm dụng hóa chất nhiều nhất, vì vậy, mọi người cần quan sát kĩ bên ngoài. Nếu là đậu đã được phun một lượng thuốc sâu lớn thì đậu sẽ rất dài, bề ngoài nhẵn bóng, không có lông tơ và thường không có một vết sâu nào cắn. Còn đậu đũa ít bị phun thuốc sâu sẽ xuất hiện lông tơ trên bề mặt thân đậu, chiều dài của đậu khoảng 1 gang tay, xuất hiện vài vết sâu cắn.
Khi chế biến, đậu có hóa chất sẽ tiết ra nước rất nhiều và thường không có vị ngọt đậm như đậu chuẩn. Đặc biệt, khi luộc đậu, nếu đậu chuẩn nước luộc sẽ rất trong kể cả khi để nguội, ngược lại, đậu có thuốc sâu, hóa chất nước sẽ chuyển sang màu xanh sẫm.
Vì vậy, mọi người nên chọn đậu có cuống màu xanh tươi, thân mềm, hạt vừa phải, không quá lớn hay quá nhỏ.
Giá đỗ
 
Nếu giá đỗ ủ bằng phương pháp truyền thống thường không mập, thân dài, rễ dài, thân rễ có rễ phụ mọc ra.
Trái lại nếu cọng giá tròn lẳn, thân trắng phau, ít rễ chị em hạn chế mua về sử dụng vì chúng được sản xuất từ một công nghệ vô cùng kinh dị. Khi hạt đỗ nảy mầm, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu có pha loãng, tưới lên mầm giá rồi ủ kín lại. Loại thuốc này giúp giá đỗ nảy mầm, phát triển nhanh và tươi lâu. Khi xào, giá sẽ tiết ra thứ nước đục ngầu.

Tin mới