Có thể nộp cùng lúc 3 giấy chứng nhận kết quả
Liên quan đến quy định về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, trao đổi trên báo Thanh Niên mới đây, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết, để tạo thuận lợi cho thí sinh (TS), khác với những năm trước đây, năm nay, mỗi TS sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của 1 trường.
Trong đó, một giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, TS được phép rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác. Đồng thời, cứ 3 ngày một lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách TS theo điểm từ cao xuống thấp, để TS theo dõi và lựa chọn. “Đây là một thay đổi có lợi cho TS mặc dù khó khăn hơn nhiều cho các trường vì các năm trước, TS không được quyền thay đổi nguyện vọng đã đăng ký”, ông Trinh cho hay. Ngoài ra, TS đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.
Thí sinh có thể nộp cùng lúc 3 giấy chứng nhận kết quả. |
3 giấy chứng nhận kết quả còn lại TS sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. “Trong mỗi đợt từ đợt 2 trở đi, các em có thể sử dụng cả 3 giấy chứng nhận kết quả này. Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước”, ông Trinh khẳng định.
Cũng do quy định này nên lãnh đạo Cục Khảo thí lưu ý, TS phải cân nhắc để lựa chọn tối đa 4 ngành của trường đó để đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4, tuyệt đối không nên chọn ngành mà mình không muốn học, vì nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ không được quyền đăng ký nguyện vọng bổ sung.
Theo ông Trinh, việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung giống hoàn toàn năm 2014 nhưng sẽ có nhiều cơ hội hơn, vì tối đa TS có 12 nguyện vọng (3 giấy xác nhận kết quả thi, mỗi giấy có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng).
Không làm tròn điểm thi từng môn và tổng điểm
Trao đổi với báo chí hồi cuối tháng 2/2015, ông Mai Văn Trinh, lưu ý TS một điểm thay đổi quan trọng nữa về điểm thi trong mùa tuyển sinh năm 2015 này. Đó là, trước đây, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ quy định điểm từng bài thi không làm tròn nhưng sau khi cộng tổng điểm 3 môn sẽ được làm tròn đến điểm lẻ là 0,5 điểm. Nhưng theo quy định của kỳ thi THPT quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển thì không làm tròn điểm thi của từng môn và tổng điểm thi của các tổ hợp môn cũng vậy.
Thí sinh không nên quá chú trọng vào cấu trúc đề thi
Trao đổi với PV Dân trí ngày 1/3, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí & kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, để góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã không ban hành cấu trúc đề thi mà ban hành hướng dẫn ôn tập. Với xu hướng ra đề thi tăng cường đánh giá năng lực, do vậy các em không nên quá chú trọng vào cấu trúc đề thi như trước đây.
Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, về lâu dài đề thi sẽ theo hướng kiểm tra năng lực của thí sinh phù hợp với mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học. Những kinh nghiệm tốt trong công tác đề thi những năm gần đây sẽ tiếp tục được phát huy. Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước nên thí sinh có thể tham khảo các đề thi này.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ).
Được biết đề thi những năm gần đây, nhất là đề thi các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của mình vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...); khắc phục tình trạng học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc.