Vì thế anh ta tìm cách tạo dựng hiện trường giả để mong thoát tội nhưng không hiểu rằng hệ quả sẽ nặng hơn.
Bối rối, hoảng loạn, mất lý trí?
Nhiều người thắc mắc vì sao một người đàn ông có học thức ở vào cái tuổi đủ trải nghiệm cuộc đời rồi mà vẫn hành động một cách mù quáng và thiếu hiểu biết pháp luật như vậy? Việc làm chết người rồi mang xác nạn nhân vứt xuống sông là hành động trong lúc bối rối hay có sự toan tính?
Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi vất xác nạn nhân. |
Phân tích trên cơ sở tâm lý tội phạm, luật sư Trần Chí Thanh, văn phòng Luật sư Tâm Đức cho rằng:
Bất kỳ người nào khi ở vào những trường hợp làm chết người sẽ không tránh khỏi việc bị rơi vào trạng thái bối rối, hoảng loạn về tinh thần, nhất là khi rơi vào hoàn cảnh là cơ sở này không có giấy phép hành nghề như của Nguyễn Mạnh Tường ở Cơ sở thẩm mỹ viện Cát Tường mà dư luận đang lên án hiện nay.
Nếu một người đủ suy nghĩ và tỉnh táo thì sẽ đi trình báo cho dù việc xảy ra rồi. Nhưng với ông chủ thẩm mỹ viện này, xét về mặt tâm lý tội phạm, anh ta cõng hai nỗi lo: lo bị “sập tiệm” và lo về tội giết người. Vì thế anh ta tìm cách tạo dựng hiện trường giả để mong thoát tội và không hiểu rằng hệ quả sẽ nặng hơn.
Thường thì ai rơi vào hoàn cảnh như Nguyễn Mạnh Tường thì cũng bị hoảng loạn và bối rối về tinh thần. Nhưng sự hoảng loạn đó chỉ xẩy ra nhất thời trong thời gian mới xảy ra vụ việc. Sau đó họ sẽ bình tĩnh trở lại, suy nghĩ sẽ thay đổi và có cách xử lý khác đi.
Thế nhưng ở vụ này, từ khi xảy ra sự việc cho đến khi Tường mang xác nạn nhân đi vứt xuống sông là từ 4h chiều cho đến 11h đêm là 7 tiếng. Với thời gian dài như vậy là đủ để con người qua được thời khắc hoảng loạn, đã có thể bình tĩnh trở lại để hành động theo lý trí. Thực tế thì việc Tường chở xác nạn nhân đi vòng vèo trên đường chờ đến khi vắng người để vứt xác nạn nhân xuống sông là đã có sự toan tính trong đó.
Trên thực tế, nhiều tội phạm biết mà họ vẫn làm. Họ làm với hy vọng nếu thành công thì sẽ thoát tội. Nguyễn Mạnh Tường là ở trong trường hợp này.
Liên tục thực hiện chuỗi hành vi sai trái
Theo TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), tính chất nghiêm trọng của vụ việc này là ở chỗ, Nguyễn Mạnh Thường đã liên tục phạm phải một chuỗi các hành vi sai trái. Đó là lý do khiến cho dư luận xã hội lên án cả về y đức và đạo đức của vị bác sĩ này.
Đầu tiên là anh ta hoạt động nghề nghiệp vượt chuyên môn khi chưa hành nghề mà chưa có giấy phép của Sở y tế. Cơ sở thẩm mỹ Cát Tường mới chỉ cấp giấy phép kinh doanh chứ chưa được cấp phép hành nghề của Sở Y tế Hà Nội. Về nguyên tắc khi chưa đủ hai điều kiện này mà vẫn hoạt động thì là hành nghề trái pháp luật, nên ở góc độ này người chịu trách nhiệm cao nhất là Nguyễn Mạnh Tường.
Tiếp đó là hành vi cố tình không đưa nạn nhân đến bệnh viện. Theo các thông tin đã được báo chí đăng tải thì Nguyễn Mạnh Tường đã làm các động tác cứu chữa nhưng sau đó không chuyển đến bệnh viện, dẫn đến hậu quả chết người.
Nghiêm trọng hơn nữa là khi xảy ra cái chết, Nguyễn Mạnh Tường lại không trình báo mà lại tìm cách che giấu bằng cách vứt xác phi tang. Hành vi này chưa phải là hành vi man rợ như hành vi của Nguyễn Đức Nghĩa nhưng chắc chắn sẽ vẫn bị xét vào tình tiết tăng nặng theo khoản 1, điều 93/BLHS.
Nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo Luật sư Trần Chí Thanh, ngoài Nguyễn Mạnh Tường thì cơ quan điều tra sẽ xét đến “tội” của các nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường, ai là người trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân Huyền, nhân viên cơ sở thẩm mỹ này có chuyên môn hay không, hành động dẫn đến chết người là vô ý hay cố ý? Cơ quan điều tra sẽ xem xét đến hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm khi xẩy ra vấn đề chết người.
Từ vụ việc này xã hội cũng nên xem lại các cơ sở hành nghề thẩm mỹ, không nên để tình trạng hoạt động “chui” một cách tràn lan như hiện nay. Bởi, khách hàng thường không được biết và không có thẩm quyền để yêu cầu các chủ sơ sở thẩm mỹ trình giấy phép hành nghề khi họ có nhu cầu làm đẹp.