Không quá lo ngại “Sell in May”
Theo dự báo của ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, VN-Index sẽ chạm mốc 1,300 trong tháng 4. Đồng thời, vị chuyên gia duy trì dự báo tăng trưởng bền vững trong dài hạn với các tài sản tài chính của Việt Nam và có niềm tin rằng thị trường sẽ còn tăng mạnh hơn vào cuối năm. Nói riêng về quý 2, ông Matthew cho rằng thị trường sẽ có thể gặp áp lực điều chỉnh để trở lại xu hướng tăng trong quý 3.
Vị chuyên gia cho rằng “Sell in May” sẽ không ảnh hưởng tới các nhà đầu tư cá nhân VN. Có thể thấy, thị trường giai đoạn vừa qua vẫn đi lên mặc dù khối ngại đã bán ròng liên tục.
Theo ông Matthew, không có dấu hiệu nào cho thấy thanh khoản sẽ giảm trong quý 2. Làn sóng tài khoản mở mới gần đây dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong tháng 5. Song, ông Matthew cho rằng một đợt điều chỉnh trong tháng 5 và tháng 6 sẽ giúp thị trường đi lên bền vững hơn.
Về nhóm ngành tiềm năng, ông Matthew đánh giá cao nhóm ngân hàng đã kín room ngoại. Đồng thời, nhóm bất động sản công nghiệp cũng được khuyến nghị với kỳ vọng tăng trưởng về sản lượng công nghiệp tiếp tục và số lượng doanh nghiệp FDI sẽ củng cố tâm lý nhà đầu tư.
Khối ngoại vẫn sẽ bán ròng
Ông Matthew Smith |
Việt Nam chưa phải là thị trường mới nổi song nhiều quỹ đầu tư thị trường mới nổi đang rót vốn vào đây. Ông Matthew không kỳ vọng vòng quay tín dụng của Trung Quốc (tác động tới giá hàng hóa) sẽ chuyển sang chính sách nới lỏng trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể đạt đỉnh và lợi suất thực bắt đầu sụt giảm lần nữa. Nếu lợi suất thực trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ bình ổn hoặc tiếp tục đi xuống trong quý 2/2021, dòng vốn sẽ quay lại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ông Matthew dự báo tình trạng bán ròng vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
Trước diễn biến dư nợ margin tăng mạnh, vị chuyên gia nhận định tình trạng margin hiện tại không mang tính rủi ro hệ thống đối với toàn bộ nền tài chính bởi vì tỷ lệ chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ tín dụng, đồng thời các công ty chứng khoán Việt Nam cũng quản trị rất tốt rủi ro cho vay. Do đó, rủi ro hiện hữu của margin là đối với thị trường chứng khoán chứ không phải toàn hệ thống tài chính.
Cuối năm 2020, dư nợ margin/vốn hóa thị trường vào khoảng 1.7% trong khi dư nợ margin/vốn hóa hóa cổ phiếu lưu hành tự do ở mức 4.2%. Điểm thú vị là cả 2 tỷ lệ này đều khá gần với tỷ lệ ở thời điểm thị trường tạo đáy do Covid mặc dù dư nợ margin đã tăng 48% trong 9 tháng kể từ cuối quý 1/2020.
Năm 2015, dự nợ margin ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt đỉnh vào giữa năm. Tỷ lệ dư nợ margin trên vốn hóa cổ phiếu lưu hành tự do tăng từ mức tiệm cận 0% lên gần 10%. Thực chất tỷ lệ đòn bẩy lúc này còn cao hơn, có thể tới gần 20% vì còn các khoản vay ngoài ngân hàng. Tình trạng hiện tại của Việt Nam chưa đạt tới mức này cho thấy đòn bẩy ở thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức bền vững.
Ông Matthew đưa thêm dẫn chứng về tỷ lệ dư nợ margin so với thanh khoản theo phiên. Dựa theo tiêu chí này, có thể thấy tình hình còn tươi sáng hơn khi dư nợ margin so với thanh khoản thị trường đã liên tục giảm khi thanh khoản trường tăng mạnh vào nửa cuối năm 2020. Tổng dự nợ margin cuối quý 1/2020 bằng khoảng 10 ngày thanh khoản thị trường. Tới cuối năm 2020, tỷ lệ này giảm còn 6 ngày khi thanh khoản quý 4 tăng mạnh. Cho nên, tình trạng margin hiện tại không quá đáng lo.