Dù muốn hay không thì đôi lúc chúng ta cũng phải đi vào đường làng. Đường thường chật hẹp, khi lái xe vào làng điều đầu tiên là cần hỏi xem xe cùng cỡ với mình đã có ai vào chưa? Có chỗ quay đầu không?
Hỏi kỹ đường sá xem xe ô tô có vào được hay không (Ảnh minh họa). |
Anh Nguyễn Văn Vinh (Lái xe lâu năm cho một cơ quan tại Hà Nội) cho biết: “Tưởng đơn giản nhưng lái xe về làng lại là cả vấn đề lớn. Có khách đi xe hơi về quê thì cả họ mừng, ai cũng muốn đỗ xe vào tận cổng nhà mình. Tôi đã cẩn thận hỏi trước là xe có vào được không và có quay đầu được không thì ai cũng bảo vào được. Vào được rồi thì tìm mãi không thấy chỗ quay đầu. Lúc về mất cả nửa tiếng mới ra được khỏi đường làng dài gần 2 cây số vì cứ phải lùi, phải căn chỉnh từng tí. Đúng là kỉ niệm nhớ đời”.
Cũng là một lái xe lâu năm, anh Hoạt cho hay: “Mình cũng đã gặp một vụ lái xe vào làng mà lúc ra đi khảo sát hết mà không thấy chỗ quay đầu. Nếu cứ thế lùi xe ra thì xa quá nên đành mua cả một vườn khoai lang trong xóm, phá rào để quay đầu. Khổ cái là lúc đầu ai cũng bảo có chỗ quay đầu, đến khi họ chỉ cho mình thì chỗ đó chỉ vừa một cái xe công nông 3 bánh”.
Do vậy, theo anh Vinh, lái xe vào làng, ngoài việc cần hỏi kĩ có chỗ quay đầu còn phải biết hỏi ai là chính xác nhất. Tốt nhất là nên hỏi lái xe địa phương trước khi đưa xe vào làng. Không phải người nông thôn không thật thà, đôi khi sự hãnh diện và sự nhiệt tình của họ lại làm khó cho mình.
Lưu ý khi lái xe qua những con đường phơi đầy rơm rạ (Ảnh minh họa). |
Nhiều xe vào đường làng mà không ra được (Ảnh minh họa)
Đó là chuyện chỉ chỗ quay đầu. Chuyện nhờ người làng xi-nhan thì cũng phải rất cẩn trọng. Anh Nguyễn Văn Tuân (Lái xe taxi hãng Mỹ Đình, quê ở Thanh Hoá) kể: “Có lần về quê, lùi xe ra nhờ ông anh họ xi-nhan. Tầm nhìn khuất, thấy ông anh hướng dẫn thế nào thì mình lùi theo thế. Kết quả là bánh sau rơi trọn xuống cống, phải huy động gần chục người khiêng xe lên. Có thế người xi-nhan không biết lái nên xi-nhan không chuẩn”.
Anh Tuân cho biết thêm, ở vùng quê văn minh thì không sao, nhiều chỗ hẻo lánh trẻ nhỏ thấy ôtô lạ mắt, tò mò có khi chạy ra sờ mó, lấy cành cây, viên gạnh vẽ lên cửa xe. Thậm chí trèo lên kính chắn gió chơi cầu trượt. Do đó, khi về quê, tốt nhất là nên để mắt đến xe, nếu có việc thì phải nhờ người trông để khỏi gặp những rắc rối không đáng có.
Một điều nữa là hãy cẩn thận với các nắp cống, nắp rãnh thoát nước. Ở quê "xi măng không cốt thép" phổ biến, mép ruộng cũng vậy. Nên tránh xa nếu không muốn cho xe bị sa lầy.
Lái xe về làng còn phải đối mặt với súc vật. Anh Tâm – một lái xe khác chia sẻ: "Với vật nuôi ở quê, “chó tránh đầu, trâu bò tránh đít" thì biết rồi, nhưng gặp đàn gà, ngan, vịt thì đỗ hẳn lại mà đuổi nó đi qua đã, kẻo vừa bị ăn mấy cái bạt tai vừa phải đền cả đàn...”
Nhiều bác tài có kinh nghiệm còn cho hay: “Đi về quê vào đúng mùa gặt cần hết sức chú ý đến rơm rạ phơi trên đường. Xe con thường là gầm thấp, cổ ống xả lại rất nóng, chỉ cần mắc rơm ở khu vực cổ ống xả là nguy cơ cháy rất cao. Không những thế, có những ụ rơm, nếu xe không qua được, chỉ cần cố ga tiến, lùi, một hai đỏ là đã có thể làm cháy rơm rồi”.
Chính vì vậy, khi gặp rơm cần cảnh giác, kể cả khi đã đi qua đoạn có rơm cũng nên đỗ lại để kiểm tra dưới gầm xem có mắc rơm không. Chỉ một chú ý đơn giản đó nhưng là không bao giờ thừa.