Vụ việc nữ trung tá công an tỉnh Thái Bình bị tố “quỵt” 2 triệu đồng tiền cước taxi đang được Thanh tra công an tỉnh này xác minh làm rõ sau khi nhận được đơn của tài xế. Tuy nhiên, cách ứng xử của nữ trung tá công an khiến dư luận không chỉ ngạc nhiên mà còn vô cùng bức xúc.
Sự việc xuất phát từ việc tài xế Bùi Đức Hân (SN 1991, trú thôn Đông An, xã Tự Tân, Vũ Thư, Thái Bình) chở xe dịch vụ cho khách hàng là nữ trung tá V.T.L. công tác tại phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06), Công an tỉnh Thái Bình từ Thái Bình sang Nam Định và đi Hà Nội với chi phí 2 triệu đồng nhưng sau hơn 20 ngày, nữ trung tá công an này không thanh toán.
Dù liên tục nhắn tin, gọi điện yêu cầu nữ trung tá công an trả tiền nhưng chỉ nhận lại sự thách thức và thái độ không muốn trả tiền, tài xế đã viết đơn trình báo gửi Công an tỉnh Thái Bình và đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
Nội dung tố cáo kèm tin nhắn của anh Hân về việc bị nữ trung tá công an Vũ Thùy L. cố tình "quỵt" số tiền cước taxi 2 triệu đồng. |
Theo lời nữ Trung tá công an, bà không cố tình quỵt tiền taxi và đã trả 1 triệu đồng cho tài xế. Còn lý do không trả số tiền 2 triệu đồng như thỏa thuận xuất phát từ thái độ thách thức của tài xế. Đồng thời nói rằng, tài xế liên tục gọi điện, dọa dẫm nếu không trả tiền sẽ nộp đơn tố cáo lên công an tỉnh.
Sự việc trên không lớn nhưng chính cách ứng xử của nữ trung tá công an khiến dư luận bức xúc. Tài xế đòi tiền theo thỏa thuận là chính đáng và dư luận cần một lý do thuyết phục từ trung tá này về nguyên nhân không trả tiền.
Tuy nhiên, để biện minh cho việc “quỵt tiền”, nữ trung tá lại thể hiện thái độ của không đúng mực của người cán bộ công an nhân dân khi ứng xử trước dư luận.
Qua những dòng tin nhắn được cả nữ trung tá công an và tài xế đăng tải lên mạng xã hội cho thấy, việc xưng hô giao tiếp của nữ trung tá công an không bình thường khi tài xế xưng hô lịch sự và mong muốn đòi lại tiền dịch vụ xe nhưng nữ trung tá lại xưng hô mày tao, thách thức vào trụ sở công an tỉnh để đòi tiền, thậm chí còn nói rằng: “Mày vào trụ sở công an tỉnh đi. Có đứa nó đưa cho mày. Phó giám đốc tao đưa cho mày nhé”.
Chưa dừng lại ở đó, nữ trung tá còn đăng tải dòng trạng thái trên trang cá nhân gọi tài xế bằng “thằng”, thậm chí cho rằng lái xe “láo nháo” và kêu gọi hội lái xe tẩy tray tài xế.
Khi được người khác khuyên ngăn nên trả tiền cho tài xế, nữ trung tá này còn sẵn sàng đối đáp bất cứ người nào khuyên nên trả tiền cho tài xế với ngôn ngữ nặng nề vốn không nên có từ một cán bộ công an đã được qua đào tạo bài bản về nghiệp vụ lẫn đạo đức, am hiểu quy tắc ứng xử của ngành công an và đang giữ hàm trung tá.
Cách hành xử của nữ trung tá công an tỉnh Thái Bình bị tố quỵt tiền taxi khiến dư luận liên tưởng đến vụ việc mới đây xảy ra tại ngành công an khi cựu đại úy Lê Thị Hiền, cựu cán bộ Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đại náo sân bay Tân Sơn Nhất, chửi bới nhân viên hàng không hay như sự việc ông Nguyễn Xô Việt, cựu cán bộ công an thị xã Phổ Yên, có hành vi ném xúc xích, tát nhân viên tại trạm nghỉ ở thị xã Phổ Yên ngày 10/11. Đó đều là những hành vi vi phạm quy tắc ứng xử của lực lượng công an nhân dân và kết cục họ bị giáng cấp bậc cho ra khỏi ngành.
Theo quy tắc ứng xử của Công an nhân dân được quy định tại Thông tư số 27/2017 của Bộ Công an, cán bộ chiến sĩ công an phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tôn trọng bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc và truyền thống Công an nhân dân…
Trong các quy tắc ứng xử chung, đáng chú ý, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân phải nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh Công an nhân dân.
Đoạn tin nhắn giữa nữ trung tá với tài xế. |
Đồng thời quy định khi ứng xử với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép với Nhân dân; gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân.
Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.
Không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân.
Khi ứng xử nơi công cộng phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng. Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
So sánh những quy định trên có thể thấy cách ứng xử của nữ trung tá công an tỉnh Thái Bình đã có dấu hiệu vi phạm quy tắc ứng xử của ngành công an và dư luận đề nghị Công an tỉnh Thái Bình cần xác minh làm rõ nếu có vi phạm cần xử lý theo quy định của ngành.
Trong trường hợp như lời vị cán bộ Phòng thanh tra Công an tỉnh Thái Bình khi trao đổi với báo chí cho biết, nữ trung tá L. bị tố quỵt tiền có dấu hiệu tái phát bệnh hoang tưởng, một dạng bệnh tâm thần phân liệt thì Công an tỉnh Thái Bình cần tạo điều kiện cho nữ trung tá đi điều trị bệnh, không nên để một cán bộ có dấu hiệu phát bệnh hoang ứng xử trước cộng đồng như vậy làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng công an nhân dân.
Mời độc giả xem thêm video Khai trừ khỏi Đảng nữ đại úy "đại náo" sân bay:
Nguồn VTC Now.