Nguyễn Phi Lê được nhiều người biết đến là nữ tiến sĩ xuất sắc của Việt Nam. Cô đã từ chối cơ hội trở thành giảng viên chính thức của một đại học lớn ở Osaka, Nhật Bản để trở về Việt Nam. Cô muốn về nước thực hiện khát vọng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết những bài toán cấp thiết tại quê hương. Hiện tiến sĩ Nguyễn Phi Lê là giảng viên tại trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội BK.AI.
Thành tích học tập ấn tượng
Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê có thành tích học tập ấn tượng. Vào năm 2000, cô trở thành sinh viên năm thứ nhất lớp kỹ sư tài năng của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau 1 năm học, cô trở thành một trong 50 sinh viên ở Việt Nam tham gia thi lấy học bổng của chính phủ Nhật Bản nhờ điểm tổng kết học kỳ 1 lọt top 8 sinh viên xuất sắc nhất Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Với thành tích ấn tượng khi vượt qua các vòng tuyển chọn khắt khe của Đại sứ quán Nhật Bản, Nguyễn Phi Lê giành được học bổng và sang Nhật du học.
Khi theo học tại Đại học Tokyo, Nguyễn Phi Lê đứng thứ 5 trong số 200 sinh viên có thành tích học tập tốt nhất của Khoa Điện - Điện tử và Công nghệ thông. Vì vậy, cô được tuyển thẳng vào hệ thạc sỹ.
Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê. |
Trở về quê hương gây dựng sự nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phi Lê cùng chồng quyết định trở về nước. Hai vợ chồng cô đều là cựu sinh viên Bách Khoa nhận học bổng du học Nhật Bản. Khi về nước, cô vào làm cho Tập đoàn Viettel rồi sau đó trở thành giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Vào năm 2016, Nguyễn Phi Lê học lên tiến sĩ ở Nhật Bản và giành được nhiều danh hiệu, giải thưởng ấn tượng bao gồm: sinh viên xuất sắc nhất viện Tin học Nhật Bản năm học 2018; Giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo ý tưởng cho mạng SINET Nhật Bản năm 2018; Bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị ISSINP 2015; Bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị SoICT 2015; Bài báo sinh viên xuất sắc nhất tại hội nghị ICT-DM 2018.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, Nguyễn Phi Lê về nước sau khi từ chối cơ hội trở thành giảng viên của một đại học lớn ở Osaka. Kể từ khi về nước, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê thực hiện các dự án có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng.
Trung tâm BK.AI do tiến sĩ Nguyễn Phi Lê dẫn đầu có 8 nhóm nghiên cứu, tập trung vào tám lĩnh vực trọng điểm của AI bao gồm: học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, tin y sinh, công nghệ mạng thông minh, tối ưu hóa, công nghệ phần mềm thông minh, và hệ phân tán.
Bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê cùng các đồng nghiệp tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng AI để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng lớn tới cộng đồng.
Năm 2021, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê và các cộng sự nhận được tài trợ của quỹ VinIF của tập đoàn VinGroup để làm dự án Hệ quan trắc môi trường thông minh cho Việt Nam - chế tạo thiết bị quan trắc môi trường đặt trên các phương tiện giao thông để thu thập thông tin về chất lượng không khí và sử dụng trí tuệ nhân tạo xử lý dữ liệu.
Sang năm 2022, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê nhận được tài trợ của quỹ VinIF để làm dự án Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe cho người Việt. Đây là một dự án dài hơi, sẽ là một ứng dụng lâu dài của người Việt.
Với dự án này, tiến sĩ Nguyễn Phi Lê và các cộng sự tạo ra một ứng dụng trên smartphone giúp người dùng có thể thu thập dữ liệu liên quan sức khỏe của mình. Ví dụ như khi đi khám bệnh, người dùng có thể dùng ứng dụng để chụp ảnh kết quả thăm khám. Ứng dụng này sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động đọc các thông tin và lưu vào hồ sơ sức khỏe.
Mời độc giả xem video: Du học sinh Việt Nam quyết tâm ở lại Mỹ mùa dịch. Nguồn: VTV24.