Giải thưởng Kết nối Toàn cầu Noam Chomsky được đặt theo tên của học giả vĩ đại người Mỹ Noam Chomsky. Noam Chomsky (sinh năm 1928) được coi là cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại và là một trong những tác giả được trích dẫn nhiều nhất còn sống. Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách về ngôn ngữ học, chính trị, chiến tranh, truyền thông đại chúng…
Giải thưởng Noam Chomsky danh giá (Nguồn: Star Scholars) |
Giải thưởng Noam Chomsky được công nhận bởi Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (Mỹ) vì những đóng góp đặc biệt cho nghiên cứu xuyên biên giới. Hàng năm, giải thưởng này vinh danh những cá nhân ở mọi lĩnh vực trên thế giới có ảnh hưởng sâu sắc đến việc nâng cao dịch chuyển xã hội và dịch chuyển toàn cầu.
Năm 2021, giải thưởng Noam Chomsky trao 1 Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu trọn đời, 1 giải thưởng Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu và 4 chứng nhận học giả Ngôi sao mới nổi.
Theo đó, tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa, Đại học Quốc gia Australia, một nhà nghiên cứu giáo dục, tiến sĩ người Việt là một trong bốn học giả được trao bằng chứng nhận Học giả mới nổi.
Tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa được trao chứng nhận Học giả mới nổi (Nguồn: Star Scholars) |
Chứng nhận này cũng được trao cho ba nhà khoa học khác là giáo sư trợ lý Joseph Levitan (Đại học McGill, Canada), nghiên cứu sinh Anson Au (Đại học Toronto, Canafa) và phó giáo sư Shaun Star (Đại học OP Jindal Global, Ấn Độ).
Hai chứng nhận cao nhất của giải thưởng Noam Chomsky 2021 được trao cho giáo sư Hans De Wit, giáo sư danh dự của Đại học Boston College, Hoa Kỳ (giải thành tựu trọn đời - huy chương Bắc đẩu) và phó giáo sư Catherine Gomes, Đại học RMIT, Australia (giải thành tựu nghiên cứu - Ngôi sao tỏa sáng.)
Tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa là người Việt thứ ba vinh dự nhận giải thưởng Noam Chomsky. Trước đó, năm 2020, hai người Việt cũng đã nhận giải thưởng này (hạng mục Ngôi sao tỏa sáng) là phó giáo sư Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội) và giáo sư Trần Thị Lý (Đại học Deakin - Úc).
Tiến sĩ Hữu Nghĩa từng là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ. Anh từng nhận học bổng Eramus Mundus để học thạc sĩ tại Viện Giáo dục, Anh Quốc; học bổng Endeavour để học tiến sĩ tại Đại học Melbourne, Australia. Đến nay, anh đã công bố khoảng 30 bài báo/sách được chỉ mục trên các danh mục của ISI, Scopus. Chủ đề nghiên cứu của tiến sĩ Hữu Nghĩa chủ yếu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp, học tập tích hợp đi làm, đào tạo giáo viên, giáo dục quốc tế và giảng dạy tiếng Anh.