Nhạc sĩ Quốc Trung. |
Chân thật với chính mình ở giây phút chia sẻ.
- Cuộc tranh luận về nhạc “sến”, nhạc xưa năm 2013 của nhạc sĩ Quốc Trung từng khiến dư luận một phen nóng mặt. Nhưng 2014 anh “cầm trịch” một cuộc tranh luận lớn hơn giữa hai thế hệ trong “Giai điệu tự hào”. Anh cho rằng, những cuộc đối thoại sẽ mang đến cho công chúng điều gì?
Đến giờ, tôi không coi câu chuyện về nhạc sến là một cuộc tranh luận nữa, vì thông điệp của tôi ở đó đã bị bóp méo. Ý kiến của tôi đã bị truyền thông hướng dư luận theo một ý hoàn toàn khác để tạo ra scandal. Tôi là nhạc sĩ, nếu những cuộc tranh luận không mang tới điều gì cần thiết cho đời sống âm nhạc, nó sẽ chỉ là thứ mang tính mua vui.
Tôi vốn là người không ngại tranh luận, nhưng thỉnh thoảng cũng sai lầm khi để người khác “sử dụng” mình theo mục đích của họ.
Năm 2014 nhạc sĩ Quốc Trung rút lui khỏi hầu hết các chương trình Truyền hình thực tế đang làm mưa làm gió trong làng giải trí. Anh tiếp nhận vị trí Giám đốc âm nhạc chuỗi chương trình "Giai điệu tự hào" mới được Đài THVN mua lại format của Nga, phát sóng vào chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng trên kênh VTV1. "Giai điệu tự hào là chương trình tôn vinh các ca khúc đi cùng năm tháng nhưng lại vô cùng cởi mở khi tạo ra một diễn đàn để hai thế hệ có thể thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình về những tác phẩm đó.
- Chuyện trao nhầm niềm tin có thường xảy ra với anh?
Tôi có một quan điểm rõ ràng từ bé, khi chơi với bạn hay với bất cứ ai sẽ không bao giờ đặt sự nghi ngờ, bởi như thế bản thân sẽ làm mất niềm vui của chính mình. Đó là lý do tôi luôn đặt niềm tin cho đến khi không tin được nữa. Nhiều khi bản thân cũng đặt niềm tin sai chỗ, nhưng suy cho cùng, đó là chuyện thường tình. Điều quan trọng hơn là đừng bao giờ sợ khi trao gửi niềm tin. Nếu luôn sợ sai, luôn nghi ngờ, nghĩa là mình tự bó hẹp niềm vui, sự phong phú của đời sống.
Cổ nhân có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đồng nghĩa, cuộc sống không ai dại đi, dù thực ra nếu dại đi được sẽ vui hơn. Qua những va vấp, con người có thể dự đoán được mọi việc thông qua cảm quan và các giác quan. Khi bắt đầu trao gửi niềm tin, con người luôn nghĩ mình đã đúng và họ chẳng lo ngại gì cả. Như thế, sự trao đi thường mang đến niềm vui. Vì thế, tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên chân thật với chính mình ở giây phút chia sẻ.
- Anh ở hậu trường đủ lâu trước khi lộ diện ra công chúng với tần suất dày đặc như hiện tại. Khi xuất hiện nhiều, sự va chạm cũng nhiều hơn và chắc rằng sự tổn thương cũng nhiều hơn. Sau khi trải qua cả hai giai đoạn, anh thấy mình được nhiều hay mất nhiều?
Để bề nổi hướng ra công chúng, cái tôi được là các cơ hội làm việc. Nhưng tôi không nghĩ tất cả những phát biểu hay việc mình làm mang tính cơ hội. Bởi tôi có nhiều cơ hội để làm việc, chứ không cần nhất thiết phải lên tiếng.
Khi phát biểu điều gì đó tôi luôn bắt đầu bằng câu hỏi: Mình muốn hướng tới điều gì. Tôi đủ kinh nghiệm để biết sẽ đón nhận điều gì sau khi phát biểu, nhưng không vì thế mà dừng lại. Nếu không nói, không làm điều mình nghĩ, tức tôi đang phản bội lại chính quan điểm về âm nhạc và quan điểm sống của mình. Như vậy, rất lãng phí cuộc đời. Bạn thử nghĩ xem, nếu người ta xây tường chỉ để giữ sạch cho không gian riêng nhà mình nhưng lại mang rác ra vứt ngoài đường, môi trường bên ngoài đó, một ngày sẽ tác động ngược lại với căn nhà của bạn, bản thân bạn.
- Giữ được niềm tin trong trẻo ấy để sống trong một thế giới ít ưa những lời nói thật là showbiz, khó khăn anh gặp phải nhiều đến cỡ nào?
Cũng khó. Bởi vì để đón nhận những thứ trái ngược nhau trong đời sống dù luôn giữ sự bình thản nhưng cũng không hẳn là không tổn thương hay chán nản. Nhưng ngược lại mình cũng phải biết tìm niềm vui trong những điều mình hướng tới. Tôi vui vì những điều mình hướng tới luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều người bạn, người đồng hành. Nhưng điều quan trọng nhất tôi tìm thấy niềm vui trong chính bản thân mình.
Vì vậy, tôi luôn cảm thấy mình được nhiều hơn. Tôi thấy mình may mắn vì tôi được sống và làm việc bằng âm nhạc. Sự may mắn đó khiến tôi nghĩ mình phải có một trách nhiệm nào đó với đời sống mà mình được hưởng thụ.
Năm 2013, Quốc Trung gây bão với phát ngôn nhạc sến và nhiều phát biểu thẳng thắn trên ghế nóng The Voice. |
- Một vài câu hỏi riêng tư: Anh thích lửa hay nước?
Tôi thích nước.
- Anh thích mặt trời hay mặt trăng?
Mặt trăng.
- Tôi đọc về đặc tính loài ngựa có đoạn viết thế này: “Tốc độ của ngựa được ví với sự di chuyển của mặt trời và là biểu trưng cho yếu tố lửa”. Anh tuổi ngựa, vậy anh có biết sở thích của mình trái ngược hoàn toàn với biểu tượng của loài ngựa và người tuổi ngựa?
Tôi lại nghĩ ngựa sợ lửa hơn sợ nước chứ (cười) vì ngựa biết bơi mà.
Tôi đã nói đùa với rất nhiều bạn bè mình là người đàn ông nhiều tính nữ. Tôi biết nấu ăn, khâu vá, phụ trách việc đi chợ nấu cơm từ bé. Tôi tự làm được hầu hết các công việc nhà khác như giặt giũ quần áo, sửa điện, sửa xe. Tôi bắt đầu làm những công việc đó vì hoàn cảnh bắt buộc của mình. Tôi là con một nhưng bố mẹ không nuông chiều. Nhưng tôi nghĩ trong người đàn ông luôn có tính nữ. Tính nữ đó với sự mềm mại sẽ giúp người nam tự tin và điềm tĩnh hơn trong cuộc sống.
- Có khi nào anh lý giải, vì sao mình thích nước?
"Nếu không nói, không làm điều mình nghĩ, tức tôi đang phản bội lại chính quan điểm về âm nhạc và quan điểm sống của mình. Như vậy rất lãng phí cuộc đời"
Tôi thích lạnh hơn nóng, rất thích mùa đông và cực sợ mùa hè. Khi hè đến tôi luôn ao ước đi biển, được nhảy nhót trên mặt nước, chơi những trò trên nước. Khi đắm mình trong nước, con người ta luôn thấy mọi thứ nhẹ nhõm hơn, cơ thể cũng nhẹ nhàng hơn.
- Xu hướng con người thường thích những thứ họ bị thiếu. Nước là biểu tượng của tính nữ, của mẹ. Anh có bao giờ nghĩ trong ấu thơ, mình đã thiếu sự chăm sóc của những người phụ nữ?
Tôi không thiếu. Nhưng ngày bé vì là con một nên tôi luôn ước ao sẽ có một em gái. Rồi tôi cũng ước ao sống trong một căn nhà có tất cả các anh chị em họ hàng. Khi bố mẹ đi vắng sẽ được các anh chị lớn chăm sóc.
- Người tuổi ngựa cũng thích tiệc tùng, thích sự bề nổi, nhưng điều đó hình như không đúng với anh?
Tôi không thích ồn ào. Tôi thích tiệc nhưng là với những người bạn của mình, chứ không phải những bữa tiệc để hò dô. Thỉnh thoảng tôi tự nấu và tổ chức những bữa tiệc tại nhà mời bạn bè tới thưởng thức. Bạn tôi thường thích thú khi phát hiện ra Quốc Trung nấu ăn cũng khéo (cười).
Nhắc tới ngựa, người ta hay nói tới ngựa hoang, ngựa thồ. Nhưng con người không ai giống ai, cho dù giữa người này người kia có sự trùng lặp một vài tính cách nào đó. Trong đời sống con người ta hay nhất ở chỗ không ai giống ai cả.
- Có bố đảm đang, con gái Thiện Thanh của anh có “di truyền” được ít nào?
Con gái tôi không đảm đang lắm. Con bé không phải là cô gái thích làm việc nhà, cháu thích ra đường hơn. (cười). Cũng có thể do sự khác biệt thế hệ, cũng có thể do ở với ông bà được chiều chuộng hơn. Đó là lý do tôi ra ở riêng để các cháu có thể tự làm các việc riêng, tập dần những kỹ năng sống độc lập.
- Có thể dễ dàng nhận thấy tuổi tác, thời đại làm nên sự khác biệt: Anh khác bố mình, các con anh khác anh. Nhưng theo anh, trong mỗi gia đình, điều gì bắt buộc phải giữ lại, phải truyền được qua các thế hệ, mặc các yếu tố sở thích hay thời đại?
Tôi nghĩ điểm quan trọng nhất trong đời là trang bị cho lớp trẻ những kiến thức để các bạn tự lựa chọn cách sống họ mong muốn. Tôi không chủ trương áp đặt vì tôi cho rằng sự lựa chọn của mỗi người là thứ quan trọng nhất giúp người đó có thể sống vui vẻ và hạnh phúc. Tôi thích nấu ăn không đồng nghĩa con gái cũng phải thích nấu ăn. Bởi với mình bữa ăn là quan trọng nhưng con mình, có thể chỉ ăn snack cũng đủ rồi. Nhưng tôi dạy con phải xác định được điều gì quan trọng với mình trong cuộc sống, sau đó con phải có đủ sự hiểu biết để chấp nhận những mặt trái của sự lựa chọn ấy và quan trọng hơn, phải biết công bằng với bản thân. Nếu không thích nấu ăn con phải chấp nhận những bữa ăn không được như ý.
Nhạc sĩ Quốc Trung và con gái Thiện Thanh. |
Gia đình tôi có tới bốn thế hệ, ngoài ông bà, bố mẹ, con cái còn có cụ (NSND Thái Liên là mẹ của NSND Thu Hà - vợ 2 của NSND Trung Kiên). Nhưng có điều lạ là, Thiện Thanh, Đăng Quang và cụ Thái Liên lại có vẻ quấn quýt nhau hơn. Một phần có thể “một già một trẻ như nhau”, nhưng tôi nghĩ phần quan trọng đặc biệt gắn kết giữa con người là sợi dây tình cảm. Khi yêu thương nhau đến một mức độ nào đó, con người ta dễ dàng bỏ qua cho nhau mọi khiếm khuyết, biết chấp nhận nhau một cách dễ dàng.
Tôi nghĩ các con mình hạnh phúc khi được sống trong gia đình có nhiều tình yêu thương. Đối với người lớn, chúng tôi cố gắng không áp đặt lên các con. Tôi cũng nhận ra các con học được nhiều giá trị sống trong một gia đình đoàn tụ như thế.
- Vậy một cách rộng hơn, anh nghĩ, để có được sự đối thoại công bằng giữa các thế hệ về một vấn đề nào đó, trước hết con người ta cần gì?
Các bạn trẻ hay nghĩ người già lỗi thời. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng, những thứ phải trả giá bằng thời gian, sự được mất qua tháng năm giá trị của nó vô cùng đáng quý. Chỉ có điều con người ta có đủ bình tĩnh, sáng suốt và trí huệ để tiếp nhận những kinh nghiệm quý giá đó một cách linh hoạt, có lợi trong cuộc sống hôm nay không.
Tôi và bố khác thế hệ, dòng nhạc tôi theo đuổi khác ông, nhưng tiếng nói của ông luôn vang lên khi tôi cần. Ông luôn là người cố vấn cho tôi ở những vấn đề mà ông thông suốt. Tôi không nhất thiết phải giữ nguyên nó, tôi chỉ cần vận dụng linh hoạt. Tôi tin sự thành công của mình, sự may mắn của mình có rất nhiều từ nền tảng gia đình, có rất nhiều từ bố.
Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Quốc Trung trong cuộc đối thoại này.
Bên cạnh vai trò giám đốc sản xuất Giai điệu tự hào, nhạc sĩ Quốc Trung sẽ tập trung cho dự án âm nhạc anh cho là lớn nhất của mình từ trước đến nay là Festival âm nhạc Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức sẽ diễn ra tầm tháng 10/2014, bên cạnh chương trình thường niên Cầm tay mùa hè.