Sau khi hoàn thành thương vụ, Microsoft sẽ có thêm mảng điện thoại thông minh và máy tính bảng Lumia, phần cứng Xbox, Surface, điện thoại Nokia, các sản phẩm của Perceptive Pixel (PPI). Văn phòng đại diện của Nokia tại Việt Nam sẽ đổi thành Văn phòng đại diện Microsoft Mobile Oy. Một phần của thương vụ, Microsoft sẽ chào đón tất cả khách hàng bảo hành sản phẩm của Nokia hiện tại.
Logo Microsoft đã chính thức được cập nhật trên sản phẩm Nokia. |
Khi nhắc đến thương vụ này, nhiều người tỏ ra nuối tiếc và liên tưởng ngay đến những điện thoại phổ thông "nồi đồng cối đá" hay dòng máy thông minh đã "ghi điểm" trong lòng người dùng công nghệ trong suốt một thời gian dài của hãng điện thoại danh tiếng một thời Nokia.
Anh N.T (chủ cửa hàng điện thoại trên phố Bạch Mai – Hai Bà Trưng) cho biết: “Bán hàng nhiều năm thì quá quen với thương hiệu này rồi, giờ sang tên đổi chủ không tránh khỏi sự hụt hẫng. Tuy nhiên mình cũng mong chờ rằng khi có nhiều ứng dụng mới đưa ra thì người tiêu dùng sẽ có lợi hơn trước.”.
Khi nhìn nhận vấn đề này, anh M.A (Hoàng Mai) chia sẻ: "Mình tin Window phone sẽ còn phát triển hơn nữa, chỉ tiếc dòng chữ Nokia đã gắn bó, không thể một sớm một chiều mà quên ngay được, có lẽ phải giữ lại "cục gạch" 1110 làm kỷ niệm một thời mới được".
Hình ảnh chiếc Nokia Lumia quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. |
Đối với nhiều người, thương vụ này không có nghĩa là Nokia sẽ bị rơi vào quên lãng nhanh chóng và không mấy ảnh hưởng đến cách gọi thiết bị đang dùng của mình. Thanh Hà (sinh viên Đại học Tự Nhiên) chia sẻ: "Mình cảm thấy khá nuối tiếc khi có sự thay đổi này, chắc mình vẫn gọi điện thoại của mình là Nokia thôi, trước vẫn hay trêu là "Nó kìa", chứ cái tên mới dài quá, đọc không nổi".
Với cả Microsoft hay Nokia, chiến lược mới vừa mở ra cơ hội cũng như thách thức. Để tìm lại thời hoàng kim, Nokia tiếp tục đánh cược với tương lai, với Microsoft là cả chặng đường xây dựng thương hiệu vững chắc trong lòng người tiêu dùng và cải tiến công nghệ.