Vụ nổ kho pháo hoa ở Xí nghiệp Z4 thuộc Nhà máy hóa chất Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng trên địa bàn hai xã Võ Lao và Khải Xuân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) vừa qua khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng khi gây ra những thương vong và thiệt hại quá lớn; song đến giờ vẫn chưa có thông báo chính thức về nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm thuộc về ai.
Liên quan đến vụ nổ này, gia đình những nạn nhân tử vong đã được các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tổng cộng khoảng 100 triệu đồng/người. Những nạn nhân bị thương được hỗ trợ 31 triệu đồng/người. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ trích ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 5 triệu đồng, người bị thương 2 triệu đồng và 10 triệu đồng đối với những hộ có nhà bị cháy, đổ.
Theo Luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TP HCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Đình Hoàng, việc bồi thường như trên không thể nói là thỏa đáng hay không, bởi người chết thì đã chết rồi, không thể nào làm người ta sống lại được. “Tôi chỉ nói, về nguyên tắc, việc bồi thường phải kịp thời, đầy đủ. Ngoài việc hỗ trợ ban đầu thì nhà máy phải lo nhiều khoản khác như chi phí khám chữa, điều trị thương vong. Với những người bị thương thì nhà máy phải xem thương tật của họ như thế nào, có phải lắp bộ phận giả nào hay không và nên chịu trách nhiệm lâu dài về việc đó… Với những người đã chết, ngoài việc bồi thường tiền, nhà máy còn phải lo các chi phí liên quan đến mai táng... Nếu người tử nạn là cán bộ công nhân viên của nhà máy thì nhà máy còn phải lo các chi phí ăn học cho con cái họ cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi…”.
Thực ra ở vụ việc trên, việc bồi thường của những đơn vị, bộ, ngành liên quan đối với các nạn nhân là kịp thời. Tuy nhiên, trong vụ nổ này, vấn đề cần bàn ở đây có lẽ không phải là việc bồi thường, mà là trách nhiệm thuộc về ai, vụ việc sẽ được khắc phục, sữa chữa như thế nào để sau này không bao giờ xảy ra những trường hợp thương tâm như thế này nữa; bởi đây là nhà máy duy nhất sản xuất pháo hoa cho cả nước và phía Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cũng đã thông báo sẽ sớm khôi phục lại nhà máy để tiếp tục sản xuất pháo hoa trên địa bàn.
"Nhà máy duy nhất sản xuất pháo hoa cho cả nước nhưng quy trình lưu kho sản phẩm có vẻ lỏng lẻo..." |
Đồng quan điểm với Luật sư Hoàng, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, cho rằng, trong vụ nổ kho pháo hoa ở nhà máy Z121 ở Phú Thọ, có nhiều vấn đề cần bàn ở đây chứ không chỉ riêng việc bồi thường. Đáng lẽ ngay sau khi vụ nổ xảy ra, phía tổng cục và nhà máy cần phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh để chốt lại số người thương vong là bao nhiêu. Lúc đầu mỗi báo đưa một con số, mỗi bên nói một kiểu khác nhau, khiến nhiều người không biết thực hư thế nào, dẫn đến nhiều tin đồn lan truyền trên mạng về con số thương vong và độ khủng khiếp của vụ nổ, khiến dân càng hoang mang.
Về việc có xử lý trách nhiệm hình sự đối với ban lãnh đạo của nhà máy Z121 hay không, các luật sư đều cho rằng điều này phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan công an. Theo Luật sư Ngô Đình Hoàng, việc xử lý trách nhiệm hình sự phải xem nhà máy có làm đúng theo quy trình an toàn lao động hay không. Nếu nhà máy làm đúng quy trình an toàn lao động mà vì một lý do bất khả kháng nào đó khiến vụ nổ xảy ra thì lãnh đạo nhà máy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn ngược lại thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ nổ nên các luật sư cũng không dám khẳng định điều gì. Tuy nhiên, theo ý kiến của một luật sư là thành viên của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, theo các giả thuyết về nguyên nhân sự việc mà phía Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đưa ra thì lãnh đạo nhà máy và những người liên quan có thể chịu trách nhiệm hình sự trong vụ nổ gây thương vong lớn này.
Cụ thể, nguyên nhân mà phía Tổng cục dự đoán là do pháo hoa ẩm, tự phân hủy, tự bốc cháy. Trận bão gần đây gây mưa nhiều, thời tiết ẩm, mái nhà kho có thể bị dột hoặc bị hắt nên nước rơi vào quả pháo hoa. Khi đó, pháo hoa bị ẩm, hỗn hợp Al-Mg phân hủy làm nhiệt âm ỉ nhiều ngày. Đến thời điểm nhất định, chúng tự bốc cháy gây cháy pháo hoa. Do lượng pháo hoa lớn, từ cháy đã dẫn tới nổ toàn bộ kho chứa. Khi nổ, pháo hoa bắn lên trời rơi vào các kho và khu vực sản xuất.
"Tại sao một nhà máy sản xuất những nguyên liệu, sản phẩm đặc thù như vậy lại để cho mái nhà kho nơi chứa pháo hoa bị dột, hoặc bị hắt nước? Một nhà máy duy nhất sản xuất pháo hoa cho cả nước mà quy trình lưu kho sản phẩm lại có vẻ lỏng lẻo, không chuyên nghiệp, khoa học như vậy thì khó chấp nhận được. Trong vụ việc gây ra thương vong lớn này, dư luận rất cần sự trung thực nhận lỗi và sự thành khẩn sửa chữa của những người có trách nhiệm", vị luật sư này bức xúc nói.