Tiếp thị karaoke bằng... tin nhắn!
Tại TP.HCM từng có nhiều quán karaoke mà nhắc đến, dân chơi thứ thiệt chỉ biết cười trừ khi vào trong đó không mỏi miệng mà chỉ… mỏi tay. Khởi thủy cho loại hình karaoke đầy nhan sắc phải kể đến quán: T.T (đường Trần Quang Khải, Q.1), N.L (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh), Đ.Đ (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận)…
Sau đó, nở rộ hàng loạt nhà hàng, quán nhậu kết hợp karaoke để “thượng đế” ngả tay, gác chân thoải mái, khỏi phải đi đâu xa để chủ nhà hàng “hốt trọn” tiền. Đó là một số quán trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Biểu (Q.5)... Tất nhiên những quán này đều có lượng “đào” dồi dào, chỉ cần tiếp tân gọi một cái là hàng chục em xinh đẹp chạy xe tay ga đến, có khi rủ thêm bạn bè càng trẻ đẹp càng tốt. Có nhà hàng thì nuôi luôn cả vài chục em làm tiếp viên, vừa phục vụ khách khi khách muốn lên lầu để “ca hát”. Những em này đều phục vụ “thượng đế” rất chu đáo và đổi lại, là tiền bo.
Tiếp viên “tu” bia, rượu càng nhiều càng tốt để moi tiền khách. |
Ngoài các quán karaoke, nhà hàng có phòng hát đi kèm, nhiều dân chơi lúc bấy giờ còn rỉ tai nhau ra tận khu Tên Lửa (Q.Bình Tân) vì có “hàng” nhiều, giá rẻ. Ở đây là khu vực ngoại thành, ít người dòm ngó, tiếp viên phục vụ “hết mình”, kể cả múa lửa và uốn éo những động tác kích dục, miễn khách vui vẻ là được. Khi khách có “nhu cầu” thì cứ lấy số để đi ra ngoài, tất nhiên là khách phải chơi đẹp với các tay quản lý. Có hôm, nửa đêm về sáng, khách ra vào thoải mái, không vui không về.
Dạt về phía cầu An Lộc (đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp) cũng có hàng loạt quán karaoke kiểu như vậy. Khách tới đây chủ yếu là mua vui nhưng ít tiền nên tranh thủ “hương đồng, gió nội” và chấp nhận nhan sắc theo dạng “bèo dạt mây trôi”.
Thời gian vừa qua, trước sự truy quét quyết liệt của chính quyền các địa phương, nhiều quán karaoke hay nhà hàng trá hình bị bắt quả tang, các tiếp viên phải leo rào hoặc cố thủ nhưng đều bị phát hiện. Một số quán karaoke bị rút giấy phép hoặc phải chuyển địa điểm khác để hoạt động.
Tất nhiên, các tay quản lý là nam giới luôn có chiêu để hút khách bằng cách nhắn tin cho khách nếu quán ế quá mà dẫu có bắt được, các bà vợ của khách khó mà luận được ra nội dung thật của nó: “Công ty vừa mở bán nhiều “miếng đất” đẹp tại Q.Gò Vấp (hoặc Q.Phú Nhuận, Q.2)… Mời quý khách đến chọn mẫu. Liên hệ Mr..., ĐT: 091...”. Đó là những vị khách từng bo “sộp”, ném tiền qua cửa sổ vô tội vạ, có thể là trong một cuộc tiếp khách nào đó và đã được các tay quản lý này lưu lại để trước khi đến, “thượng đế” chỉ cần “nhá” một cái là phòng ốc sẽ sẵn sàng và hàng chục em trẻ đẹp sẽ tranh thủ trang điểm gọn gàng, gắn lông mi giả, tô son trét phấn đợi khách VIP đến.
Bên trong “động thiên đường”
Tồn tại tại trung tâm thành phố suốt thời gian dài, quán 9... (đường M.Đ.C, Q.1) vốn là “cỗ máy chém” khi khách lạc lối ở các quán nhậu gần đó ghé sang. Dàn loa ở đây rất kém, chất lượng quá tồi nhưng được cài chỉnh làm sao mà “thượng đế” say xỉn, chân nọ đá chân kia, ngả nghiêng bên cái micro không có màng che chắn, gào thét theo quán tính mà lúc nào kết thúc bài hát cũng… 100 điểm. Mấy ông khách say tưởng mình hát hay nhưng hóa ra ai cũng vậy! Thế là các ông bèn không tiếc tiền rút hầu bao bo cho mấy người đẹp có công “bấm bài” còn các cô chỉ biết bịt miệng cười trước mấy gã “khờ khạo” công nghệ này.
“Má mì” ở đây tên N, nhỏ nhắn nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại là cả chục em toàn chân dài có mặt ngay để phục vụ khách. Khi khách trả tiền đều méo mặt vì bia K được tính 45 nghìn đồng một lon, mỗi em phải bo từ 300-500 nghìn đồng trở lên nếu không muốn bị “níu áo, kéo quần”.
Để giúp chủ quán sinh lời, các tiếp viên luôn bật nắp lon bia càng nhanh càng tốt, giả vờ cầm ly mời “ông xã” bên cạnh hoặc như có cô chụp vội khăn lạnh để đổ ra, rồi khéo léo đưa xuống nền nhà, tránh bị phát hiện. Nói chung là đủ trò để miễn sao hết càng nhiều bia càng tốt... Có cô tranh thủ lúc khách không để ý bèn chêm đầy đá lạnh vào ly, rót ít bia rồi ngọt ngon “hết 100% nha anh?”.
Khi đã chếch choáng, quý ông cứ thế “đẩy bay” cái ly bia đặc sánh màu vàng của mình. Khách càng say càng dễ tính điêu. Khi khách không còn hứng thú hát nữa mà thích “múa tay” thì các cô lại bấm bài thật nhanh để kéo dài thời gian ca hát, nhằm tính thêm giờ cho chủ quán “thân yêu”.
Gặp khách ăn mặc bảnh bao, các cô lại thỏ thẻ: “Thêm vài tô cháo hàu, đôi con khô mực, hai dĩa bò xào... anh nhé!”. Những lúc gặp lời ngọt như đường phèn này, với máu sĩ diện sẵn có, ông khách nào lại chẳng gật đầu lia lịa. Tiền phát sinh này có khi thêm cả triệu đồng cho một “gala” có hóa đơn dài dằng dặc. Khăn lạnh chỉ có năm nghìn đồng một cái nhưng được các cô đập “bốp, bốp”, mười phút lau mặt cho “thượng đế” một lần rồi kê lên trong hóa đơn 40-50 cái là bình thường.
“Khoản nho nhỏ này chẳng lẽ quý ông phát hiện và kêu thối lại tiền tính sai. Có ông say vào nhưng khi tính tiền thì… tỉnh ra vì tổng tiền quá nhiều! Nhưng cũng đành cho qua vì biết làm sao bây giờ?” - Trinh (22 tuổi, tiếp viên một quán karaoke) tâm sự. Theo Trinh, các cô chỉ có tiền bo, nhưng phải có nhiệm vụ “đốt tiền giúp” khách thì “má mì” mới thương, lần sau mới điều đến hoặc giới thiệu khi gặp khách lắm tiền. Nếu các cô không biết điều thì lần sau, chủ quán sẽ không bao giờ gọi nữa.
Tại quán M (đường N.Đ.C, Q.Phú Nhuận), trông thấy chúng tôi bước vào, tay quản lý tên T, khoảng 35 tuổi nở nụ cười thật tươi khi bắt gặp một người quen trong nhóm hay vào đây chơi. Anh này làm nhân viên cho một công ty tại Q.Tân Bình, biết chơi và chơi fairplay như T cho biết. Hai chục cô gái mới lớn, váy đủ màu đứng thành hình cánh cung để bốn vị khách “chọn hàng”.
Sau cái ngoắc tay của quản lý, bốn cô lần lượt vào chỗ ngồi bên các vị khách mới đến, các cô còn lại lẳng lặng bước ra ngoài, chờ lượt mới. Thấy bảo suốt đêm qua, có cô chưa có vị khách nào gọi đến ngồi bên cạnh. Điều này đồng nghĩa với việc từ ca chiều đến tối, các cô sẽ không có tiền bo, “đói” từ tối hôm qua đến giờ...
Bốn vị khách nhưng có tới hai thùng bia được mang vào nhanh nhẹn, khui sạch rốt rẻng dù khách đã xỉn từ bên ngoài. Khi cầm cái hóa đơn thanh toán, chúng tôi tá hỏa vì 48 lon đã được khui khi nào chẳng rõ, chẳng lẽ say rồi mà một người lại có khả năng… uống thêm 12 lon nữa? Tay quản lý tên T, “má mì”, đám gắp đá lạnh và mang trái cây lúc đầu biến mất vì chui sang các phòng bên cạnh thì giờ đã tề tựu đông đủ, ngửa tay để xin tiền khách.
Nếu vị khách nào giả say thì khó mà thoát vì “đội quân” này sẽ ra tận chỗ gửi xe máy. Nhưng thôi, cứ tính tiền rồi về. Đến bãi giữ xe máy, nhân viên bảo vệ còn ngửa cổ mà rằng: “Đại ca cho em xin tiền giữ xe, bao nhiêu cũng được!”. Có vị khách không còn tiền lẻ, say quá làm theo bản năng, rút ra tờ 100 nghìn đồng mới cáu mà không có dịp lấy lại tiền lẻ vì tay giữ xe láu đêm nay...
Đồng hồ chỉ quá nửa đêm, cậu bạn làm doanh nghiệp trong nhóm của chúng tôi thấy cô gái ngồi bên cạnh rất “bén và bắt mắt”, sau khi dúi tờ 500 mới cáu cho tay quản lý rồi thì dắt cô gái này đi về phía khách sạn. Giá một lần đi “tàu nhanh” như vậy là một triệu đồng, tiền khách sạn thì khách lo. Thông thường, sau khi “mây mưa” xong, các cô đi xe ôm về hay có cô ở nhà trọ thì có thể được khách tốt bụng đưa về giữa màn đêm tối om...
Những chiêu moi tiền kinh điển
Anh Nguyễn Tấn V (ngụ tai quận Bình Thạnh), một “cao thủ” trong nghề uống… bia ôm chia sẻ, biết khách đã là đà say nên các quán karaoke trá hình luôn có đủ chiêu để moi tiền mà nhiều khi vì mất cảnh giác, khách cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Chẳng hạn, họ nói nhân viên mang ra một thùng bia K nhưng bên trong vỏ lon đã là một nửa, chỉ cần vài lượt khui giữa khách và tiếp viên thì sạch một thùng. Cứ thế, khách say vào “chơi nổi” gọi thêm một, hai thùng khác là chuyện bình thường.
Tương tự, các đĩa mồi cũng được gọi vô tội vạ, thậm chí quán còn tính khống. Khi say rồi, vợ gọi con réo nên quý ông chỉ nhìn dòng cuối của hóa đơn rồi móc tiền ra trả. Ai cũng muốn về nhà sớm nên chủ quán tiếp tục dùng chiêu này để sử dụng cho những vị khách “nộp mạng” tiếp theo...
Tuyệt nhiên, khách đến đây không ai ta thán vì “đóng tiền ngu” cho vài tiếng hiếm hoi vui vẻ bên người đẹp. Chỉ chờ lấy được tiền thì các em dong thẳng, trốn sang phòng bên cạnh để tiếp khách khác. Nhiều ông khách thấy mấy em xinh quá, xin số điện thoại, bo thật nhiều tiền nhưng hôm sau gọi lại thì số máy đó đã “ò…í…e”. Mấy ông già rửng mỡ này hay đám thanh niên choai choai nhiều tiền lỡ bo cả triệu bạc chỉ biết ngậm đắng nuốt cay mà không dám kể cho ai nghe vì xấu hổ.
“Song ca” cùng tiếp viên. |
Anh V kể rằng, vào các quán này mà gặp khách khó tính, muốn tính từng vỏ lon thì chủ quán kể như… ăn cám vì không tính tiền lừa đảo được. Có hôm V cùng bạn bè vào quán chỉ gọi hai đĩa trái cây với lí do “nhậu và ăn no rồi” thì các cô tiếp viên đành nhìn nhau, tỏ rõ thái độ ngao ngán!
Thanh (25 tuổi, tiếp viên một quán karaoke ôm ở ngoại thành) kể khổ: Gái karaoke chủ yếu từ miền Tây lên TP.HCM, đầu tiên là phụ quán cà phê, sau đó ít tiền nên đi làm tiếp viên. Có cô không giữ nổi mình thì kiêm luôn việc… bán nhan sắc. Số tiền kiếm được qua từng đêm trác táng ấy có khi gửi về cho gia đình ở quê nhà để lợp lại mái tôn, xây mới tường nhà, cho em đi học, nhưng cũng có khi các cô nướng vào lô đề, bài bạc, hút xách. Đến khi không còn tuổi trẻ thì có người đành phải cay đắng ra đứng đường để làm nghề “buôn hương, bán phấn”. Để rồi có ngày lại mang căn bệnh thế kỷ vào người, xem như tàn phai một đời con gái.
Cô gái trẻ này tâm sự mặn đắng, kể rất thực những nỗi khổ của nghề tiếp viên karaoke mà ít ai tỏ tường. Đó là các cô không có lương cố định, tiền bo của khách nhiều khi phải chia cho quản lý hay “má mì”. Gặp những gã chủ quán, quản lý sở khanh, muốn xin vào làm các cô đành phải chấp nhận, ngậm đắng nuốt cay “qua đêm” với chúng, lắm trường hợp còn bị đe dọa rạch mặt bởi các bà vợ hung tợn của “bầy quỷ dữ”.
Thế nhưng, vòng xoay cuộc đời vẫn có lối thoát. Có cô làm tiếp viên vài năm dành dụm ít tiền để hướng thiện, đổi nghề, về lại quê nhà để lấy chồng sinh con, rồi thì cũng là một cái kết có hậu. Chỉ có điều, ước mơ tuy nhỏ nhoi đó, song cũng hiếm cô làm được!