Người xưa từng bảo "Dạy con từ thủa còn thơ", người quê xưa đưa con đến nhà thầy đồ cũng chỉ "xin mấy chữ cho cháu nên người". Sách mở lòng Tam tự kinh ví trẻ như hòn ngọc còn thô ráp phải được mài giũa mới thành ngọc đẹp... Thế mà nhiều khi người lớn vô tình dạy trẻ những điều xấu lại cho là hay.
Ảnh minh họa. |
Bà nựng cháu, chửi đùa "cha bố con chó con này", đứa trẻ hồn nhiên bắt chước bà "cha bố bà chó con này" cả nhà cười hể hả, tán thưởng cháu giỏi.
Nhiều lần cháu chơi chạy rồi ngã đau, bà ôm cháu rồi vờ đập đập xuống đất mắng "cái đất này làm ngã cháu bà, bà phải đánh chết mày". Cháu chẳng nghĩ lỗi tại mình mà đổ tại lỗi người khác.
Cứ thế, thói xấu chống đối thấm dần vào cháu bé thành một nếp khó sửa.
Từ những việc dạy trẻ không đúng cách của người lớn, dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc hình thành nhân cách ở trẻ. Ở trường, thấy bác lao công mở rộng cổng trường cho học sinh đi lại dễ dàng, đáng lẽ phải nói lời cảm ơn thì lại bị nhìn bằng con mắt coi thường. Bạn bè trong lớp, trong trường hội họp từng nhóm cá biệt lên kế hoạch đánh nhau chỉ vì không ưa nhau, ngứa mắt, gây ra nhiều vụ bạo lực trường học, gia đình, đường phố làm nhức nhối xã hội.
Theo tôi, ông bà, cha mẹ phải là người tiên phong trong việc định hướng nhân cách sống cho con cháu. Khi trẻ nói bậy, làm sai người lớn nên đặt ra các quy tắc cùng trẻ thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc đó. Trẻ học bằng cách quan sát người xung quanh, vì thế, khi người lớn mắc lỗi, cần cho trẻ thấy tinh thần sửa sai sau đó.
Mỗi độ tuổi khác nhau, lời giải thích và tinh thần trách nhiệm mà ông bà, bố mẹ đặt ra với trẻ cũng cần đa dạng, nên loại bỏ hoàn toàn cách giáo dục ấu trĩ là đổ lỗi cho các vật vô tri.