Đó là mệnh lệnh từ trái tim của những phi công, thầy thuốc trên những chuyến bay trực thăng cấp cứu quân và dân Trường Sa…
“Không xa đâu Trường Sa”
“Có tín hiệu cấp cứu từ nơi đảo xa là chúng tôi lên đường để quân và dân Trường Sa dù xa xôi vẫn cảm thấy ấm lòng khi đất liền vẫn luôn bên cạnh…” - Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân trực thăng 917 (TĐKQ917), sư đoàn Không quân 370 chia sẻ.
Đưa bệnh nhân an toàn xuống máy bay. |
Đại tá Quang cho biết, đã là bay cấp cứu thì không được quyền “lựa chọn” thời tiết, bất kỳ lúc nào có sự cố là cất cánh. Bay trên biển hàng trăm, có khi đến cả ngàn cây số nếu bay từ Tân Sơn Nhất ra đảo Song Tử Tây. Thời gian bay xa trên biển cũng khiến cho phi công căng thẳng, nhất là trong điều kiện thời tiết phức tạp. Có cả chuyến bay cấp cứu trong cơn bão, bay đi và về mất 10 tiếng. Do đó, đòi hỏi phi công phải bản lĩnh, tập trung cao để bệnh nhân không bị ảnh hưởng trạng thái bay.
Đại tá Quang kể lại câu chuyện cấp cứu một bệnh nhân đặc biệt trong đợt cơn bão số 10 vừa qua do ông trực tiếp cầm lái. Chuyến bay ấy cấp cứu Đại đức Thích Thánh Thành, trụ trì chùa Song Tử Tây bị bệnh nặng. Nhận lệnh lúc nửa đêm, TĐKQ917 đã giao nhiệm vụ cho tổ bay Mi -171 số hiệu 8431 cất cánh từ Tân Sơn Nhất đi Song Tử Tây. Đến sân bay Phan Rang thì gặp thời tiết xấu do ảnh hưởng của cơn bão số 10.
Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân trực thăng 917 đang lái trực thăng. |
Bình thường bay từ Phan Rang ra Song Tử Tây chỉ mất có hơn 2 tiếng, nhưng hôm ấy các anh đã bay suốt 4,5 giờ mới hạ cánh. Khi bay về, dù bão đã tan nhưng gió giật mạnh, phải thay đổi độ cao thường xuyên, có khi bay sát mặt biển, lúc lại lên cao vài cây số để vòng tránh mây tích điện hoặc cơn dông. Có lúc phải bay trong cơn mưa nặng hạt đập vào cửa kính ràn rạt và tầm nhìn bằng không. Bay như vậy đều là những tình huống nguy hiểm có thể đe dọa an toàn chuyến bay.
Thường xuyên bay trong bão
BS Lê Hồng, Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn Không quân 370 cho biết, cấp cứu bệnh nhân ngoài Trường Sa bất kể giờ giấc. Thời gian chuẩn bị rất ngắn, các anh chỉ có vài tiếng vừa giữ liên lạc ra đảo để nắm bắt, duy trì tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, vừa chuẩn bị nhân sự, vật tư, thiết bị, thuốc men, cũng như các phương tiện cấp cứu…
Chiều ngày 15/10/2013, khi cơn bão số 11 còn đang hoành hành, đơn vị nhận tin báo ngư dân Bùi Tấn Việt bị tai nạn gây nhiễm trùng uốn ván, tính mạng nguy kịch. Ngay lập tức, tổ bay Mi 171 số hiệu 02 do Thượng tá Nguyễn Văn Khải làm cơ trưởng đã nhanh chóng khởi hành. Bay trong mưa lớn, gió giật cấp 6, cấp 7 và liên tục phải tránh những cơn dông trên biển và các đám mây tích điện trong điều kiện ngược gió, nhưng bằng kinh nghiệm và sự tinh thông nghiệp vụ, anh đã cùng tổ bay đã đưa được bệnh nhân về đến Bệnh viện 175 kịp thời.
Niềm hạnh phúc của các chiến sĩ khi đưa được bệnh nhân an toàn về đất liền. |
Có những lúc đơn vị đang huấn luyện, nhưng có sự cố cần cấp cứu ở đảo xa là đội bay lập tức chuyển hướng lên đường. Thiếu tá Vũ Văn Nghiên, Ban Chính trị TĐKQ917 kể, lúc 6h42’ ngày 21/08/2013, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ cơ động huấn luyện tại sân bay Cần Thơ, nhận lệnh, tổ bay Mi -171 số hiệu SAR 04 do cơ trưởng Lê Quang Vinh cầm lái đã lập tức cất cánh từ sân bay Cần Thơ đi Song Tử Tây, hạ cánh tại sân bay Phan Rang lúc 9h00, tiến hành làm công tác chuẩn bị kỹ thuật, bổ sung nhiên liệu và 30 phút sau, tổ bay tiếp tục lên đường. Mặc dù điều kiện thời tiết phức tạp, tổ bay đã hạ cánh tại đảo Song Tử Tây lúc 11h51 để đưa ngư dân Nguyễn Văn bị chấn thương rất nặng, liệt nửa người vào đất liền.
Thiếu tá y sĩ Lê Sỹ Thuận chia sẻ, hơn 20 năm làm công tác đi cứu nạn trên biển đảo nên đi trong thời tiết nào cũng quen. Dù vậy, có những hôm bay trong bão như hôm tháng 10 ra đảo Song Tử Tây, thật sự mình không dám nhìn ra bên ngoài, chỉ biết lo tập trung cho người bệnh quên đi lo lắng…
Hạnh phúc giản dị
Trung úy BS Trịnh Quốc Triệu, Bệnh xá Sư đoàn Không quân 370 chia sẻ, mặc dù mới tham gia công tác cấp cứu cứu Trường Sa được 3 năm nhưng với anh có nhiều kỷ niệm, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện. Đưa được bệnh nhân về an toàn đến đất liền là niềm hạnh phúc của cả tổ bay và y bác sĩ. Việc vận chuyển bệnh nhân trên trực thăng với quãng đường xa thì vấn để rung, sốc trên cao, tụt huyết áp, rối loạn chức năng gan, thận luôn là nỗi lo của thầy thuốc. Như bệnh nhân Bùi Tấn Việt bị uốn ván cần phải tránh tiếng ồn để giảm lên cơn co giật nên bác sĩ phải mượn tai nghe của phi công để đeo vào tai cho bệnh nhân vì tiếng ồn trên trực thăng rất lớn. “Bệnh nhân hầu như chẳng ai nhớ chúng tôi là ai, chỉ chúng tôi nhớ đến họ, vì mỗi ca cấp cứu là một bệnh lý, một tình huống khác nhau, chúng tôi hạnh phúc là sau đó họ được an toàn” - BS Triệu chia sẻ.
Cấp cứu Trường Sa rất căng thẳng
"Theo quy chuẩn quốc tế thì 1 ngày phi công không bay quá 7 tiếng nhưng với những chuyến bay cấp cứu cho Trường Sa phi công phải bay cả 10 tiếng đồng hồ. Trung đoàn trưởng Quang là phi công giỏi, giàu kinh nghiệm. Những chuyến bay “nghẹt thở” thì thường do các chỉ huy của trung đoàn phụ trách" - Đại tá Lê Văn Hạnh (Chính ủy Sư đoàn Không quân 370).