Theo quan niệm dân gian, người tuổi Mùi là những người khoáng đạt, mạnh mẽ, không thích sự bó buộc nhưng lại đa sầu, đa cảm và có nhược điểm là do dự, chần chừ…
Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, có một số vị vua tuổi Mùi, và điều lạ là hầu như tất cả họ đều có những điểm khá đặc biệt.
Cái nhất của Hùng Hoa Vương, vua đầu của đời thứ 4
Theo huyền sử có 18 đời vua Hùng, nhưng một số tài liệu cổ sử và thần tích, ngọc phả cho biết không phải là 18 đời vua mà là 18 ngành vua, chữ “đời” phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự có nghĩa là không phải một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”. Các bản Ngọc phả Hùng Vương, các sách như Tân đính Lĩnh Nam chích quái đều viết là 18 ngành vua Hùng. Như vậy là còn con số 18 đời Hùng Vương là nói tới 18 vua đầu của mỗi ngành, mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, khi hết một nhành mới đặt vương hiệu mới.
Trong bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua Hùng, theo đó vua đầu tiên ngành thứ tư có hiệu là Hùng Hoa Vương, vua tên húy là Bửu Lang, sinh giờ Mão, ngày mồng 6 tháng Giêng năm Tân Mùi; “Hùng Hoa Vương có 24 cung phi, sinh được 49 hoàng tử, 20 công chúa, hoàng tôn miêu duệ gồm 59 chi, cộng 1.591 cháu chắt. Bấy giờ vua cai trị thiên hạ, bách tính thần dân không phải nộp thuế, không cần phải động binh, chỉ lấy việc nông tang làm gốc, bốn phương giàu có, thiên hạ hùng cường”.
Tranh minh họa. Nguồn: Vanhoaviet. |
Bản Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời thánh vương triều Hùng, soạn vào tháng 3 năm Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông cũng có đoạn ca tụng về Hùng Hoa Vương như sau: “[Vua] nối thừa chính thống, ghi nhớ tiền công, lấy giáo hóa để khuyến khích tác phong kẻ sĩ, lấy nhân nghĩa để đào luyện phong tục của dân. Tu tạo miếu điện, xét phong thăng trật bách thần, giáo hóa khắp dưới gầm trời không đâu thiếu người tài giỏi. Trong bầu gió xuân hóa khí, từng ngày đều thấy vui vẻ. Cảnh tượng thái bình, tỏ rõ ở đời, thực so với đời trước cũng đạt đến sự thịnh trị vậy”.
Các triều đại sau này đã suy tôn đế hiệu cho Hùng Hoa Vương là Hùng Hoa Vương Bảo tôn Minh vương Hoàng đế. Xét theo các ngành vua Hùng được ghi chép trong các bản Ngọc phả thì ngành thứ 4 của Hùng Hoa Vương là ngành có nhiều đời vua nhất, tổng cộng có 8 đời vua nối nhau trị vì trong khoảng 300 năm.
Lý Nam Đế và những cái mở đầu
Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, lại có tên khác là Lý Phần, ông xuất thân trong một gia đình thế gia, “đời đời là hào hữu”. Theo dã sử, vua sinh vào giờ Thìn, ngày 12 tháng 9 năm Qúy Mùi (17/10/503), là thứ trong gia đình, cha là Lý Toản, tù trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (nay là Thanh Hóa).
Tháng 3 năm Nhâm Tuất (10/4/542) cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng và giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay sau khi giành độc lập cho đất nước, Lý Bí đã cho quân đánh bại liên tiếp 2 cuộc tấn công xâm lược ở phía Bắc của quân Lương vào tháng 12 năm Nhâm Tuất (542) và cuộc xâm lấn của quân Lâm Ấp ở phía Nam vào tháng 4 năm Qúy Hợi (543).
Khi tình hình đất nước đã ổn định, đến tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí mới chính thức làm lễ lên ngôi xưng là Nam Việt Đế, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nước, đặt niên hiệu là Thiên Đức (có sách chép là Đại Đức), đây cũng là niên hiệu đầu tiên trong lịch sử nước ta. Trong thời gian làm vua, Lý Bí đã thực hiện nhiều hoạt động mở đầu, như là vua đầu tiên dựng cung điện để làm nơi thiết triều, nghị bàn việc nước vào năm Giáp Tý (544) đặt tên là cung Vạn Thọ. Là vị vua đầu tiên phân chia quan chức theo hai ban văn, võ; cho đúc và lưu hành đồng tiền đầu tiên của nước ta mang niên hiệu của vua và được gọi là Thiên Đức thông bảo…
Bấy giờ, sau một thời gian dài chuẩn bị lực lượng, nhà Lương sai tướng Trần Bá Tiên đem đại quân sang đánh báo thù nhằm tái lập ách đô hộ của chún ở nước ta. Sau trận kịch chiến tại hồ Điển Triệt (một hồ lớn nay ở xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) vào cuối năm Bính Dần (546), Lý Nam Đế thua trận phải rút về động Khuất Lão (nay thuộc làng Đào Xá, huyện Tam Nông, Phú Thọ) rồi ủy thác việc chống giặc cho tướng quân Triệu Quang Phục. Gần hai năm sau, vua nhiễm mạo chướng, mất vào ngày 9 tháng 3 năm Mậu Thìn (02/04/548), thọ 45 tuổi, để lại sự nghiệp còn dang dở.
Quân tướng thương tiếc đã làm lễ an táng vua tại động Khuất Lão; tương truyền khi an táng xong thì trời đất bỗng nổi gió, tối tăm, mây đen kéo tới rồi mưa như trút nước liên tục trong 3 ngày 3 đêm. Sau khi mưa dứt, phần mộ của Lý Nam Đế, mối đã xông thành một gò đống cao.
Tranh thờ Lý Nam Đế tại miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình). |
Đánh giá về ông, sử sách ca ngợi Lý Nam Đế là người “tính rất thông minh, đủ tài văn võ, phía Bắc đánh đuổi Tiêu Tư, phía Nam dẹp được Lâm Ấp, dựng quốc hiệu, chính ngôi tôn, đặt trăm quan, định niên hiệu, có đại lược về quy hoạch của đế vương” (Việt giám thông khảo tổng luận). Sách Đại Việt sử ký tiền biên cũng bình rằng: “Vua chán ghét loạn lạc, thời nội thuộc dấy nghĩa binh đánh đuổi Tiêu Tư, phá tan Lâm Ấp, dựng nước đổi niên hiệu, đúng là bậc hào kiệt một thời”.
Tưởng nhớ và ghi công Lý Nam Đế, người anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự chủ cho đất nước, ở nhiều nơi nhân dân đã lập đền thờ phụng ông, hương khói không dứt. Chỉ tính riêng ở miền Bắc đã có hơn 200 đền miếu thờ Lý Nam Đế và các tướng của ông, thể sự tri ân, ngưỡng vọng sâu sắc:
Quốc hiệu Vạn Xuân, tích tại Long Biên, danh tại sử
Chí an thiên hạ, sinh vi Nam Đế, tử vi thần.
Nghĩa là:
Tên nước Vạn Xuân, dấu tích tại Long Biên, danh tiếng trong lịch sử
Dẹp yên thiên hạ, sống làm Đế nước Nam, thác được tôn làm thần.
Lê Trung Tông, vị hoàng đế ở ngôi ngắn nhất
Trong lịch sử nước ta, có hai người ở ngôi ngắn nhất là Lê Trung Tông, vị hoàng đế thứ 2 của nhà Tiền Lê và Dục Đức, vị vua thứ 5 của vương triều Nguyễn.
Về Lê Trung Tông, ông tên thật là Lê Long Việt, còn có tên khác là Lê Huyên, con trai thứ ba của Lê Đại Hành. Theo sử sách, Lê Trung Tông sinh năm Quý Mùi (983) tại kinh đô Hoa Lư, thân mẫu không rõ tên, sử chỉ gọi bà là Diệu Nữ, con gái một viên quan giữ chức Chi Hậu nội nhân tên là Diệu; sách Đại Việt sử lược chép bà là “sơ hầu di nữ” (con gái người hầu gái người Di) nên có thuyết nói bà là người phụ nữ gốc Chiêm Thành.
Không những ở ngôi trong thời gian ngắn nhất mà chuyện lên ngôi của Lê Trung Tông ngay từ đầu đã gặp trở ngại, không lâu sau ông lại có hậu vận bi thương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng hà, vua (Trung Tông) cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em cùng mẹ là Khai Minh vương tranh nhau lên ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ. Mùa đông, tháng 10, Đông Thành Vương (Long Ngân) thua chạy vào đất Cử Long. Vua đuổi bắt, lại chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Khi ấy, người nước cũng quy phụ Ngự Bắc Vương ở trại Phù Lan. Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết”.
Như vậy là vào tháng 10 năm Ất Tị (1005), sau 8 tháng tranh giành quyền lực với các anh em, Lê Long Việt lên ngôi được 3 ngày thì bị giết chết, thọ 23 tuổi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Vua Long Việt lên ngôi được 3 ngày; Long Đĩnh sai kẻ trộm trèo tường vào trong cung, giết chết, rồi cướp ngôi”.
Vì ở ngôi trong thời gian rất ngắn nên Lê Trung Tông hầu như chưa kịp làm một việc gì trong cương vị một hoàng đế, thậm chí cả niên hiệu của mình cũng chưa kịp đặt. Sử gọi ông theo thụy hiệu là Trung Tông hoàng đế.
Đánh giá, bình luận về Lê Trung Tông, các sách Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tiền biên viết rằng: “Vua không biết phòng giữ cẩn mật đến nỗi bị nạn, có tính nhân hậu mà không biết làm vua, đáng tiếc thay!”. Trong Việt giám thông khảo tổng luận, một sử thần triều Hậu Lê là Lê Tung viết: “Trung Tông vâng di chiếu của Lê Đại Hành, vào nối ngôi vua, tha tội cướp ngôi giết vua cho em cùng mẹ, mà chính lệnh quá phần nhu nhược”.
Điều thú vị là mặc dù trên thực tế ở ngôi có 3 ngày nhưng theo cách tính của sử gia phong kiến lại cho rằng: “Lê Trung Tông lên ngôi được 3 ngày thì bị giết, nhưng các vương tranh nhau làm vua đến 8 tháng, những tháng ấy ở vào trong năm Trung Tông nối ngôi, cho nên chép Trung Tông là vua, để định tội của Ngọa Triều cướp ngôi giết anh, mà tính kể là Trung Tông nối ngôi được 1 năm” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trần Hiến Tông, vua đầu tiên chưa kịp lên ngôi Thái thượng hoàng
Trần Hiến Tông là hoàng đế thứ 6 của nhà Trần, ông tên thật là Trần Vượng, sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1319). Vua là con thứ của Trần Minh Tông, thân mẫu là Minh Từ hoàng phi họ Lê (không rõ tên), bà là người ở đất Đại Lại, Ái châu (Thanh Hóa ngày nay).
Năm Kỷ Tị (1329), ngày mồng 7 tháng 2 Trần Minh Tông xuống chiếu phong hoàng tử Trần Vượng làm Hoàng Thái tử, đến ngày 15 cùng tháng đó thì nhường ngôi cho. Thái tử lên ngôi (tức Trần Hiến Tông) được quần thần dâng tôn hiệu là Thể nguyên ngự cực duệ thánh chí hiếu hoàng đế.
Trần Hiến Tông (1329 – 1341). |
Trong thời gian 12 năm ở ngôi báu, Trần Hiến Tông chỉ đặt một niên hiệu là Khai Hựu (1329 - 1341). Sử chép rằng, mùa hạ ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341) Trần Hiến Tông băng hà, thọ 22 tuổi. Thi hài được quàn tạm ở cung Kiến Xương, đến ngày 16 tháng 8 năm Giáp Thân (1344) được đưa về táng tại An Lăng ở phủ Kiến Xương (nay thuộc Kiến Xương, Thái Bình), về sau được dời về An Sinh (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) gọi là lăng Ngải Sơn. Như vậy gần 4 năm sau ngày mất, thi hài vua mới được an táng. Trong sách Đại Việt sử ký tục biên có lời bàn rằng: “Thiên tử băng 7 tháng mới mai táng; xưa kia Chu Hoàn Vương 7 năm mới mai táng là vì nhà Chu có loạn Tử Nghi, Hắc Kiến đấy!. Hiến Tông đến khi ấy mới mai táng, là để được 4 năm rồi, chưa nghe nói vì cớ gì. Có lẽ thượng hoàng còn, nên phải theo mệnh lệnh của Thượng hoàng đấy chăng?”.
Theo lệ nhà Trần, các vua ở ngôi một thời gian nhất định rồi chọn lấy người có tài đức mà nhường ngôi, còn mình lên làm Thái thượng hoàng để kèm cặp, bồi dưỡng cho vua mới. Tuy nhiên vì mất sớm nên Trần Hiến Tông là vị vua đầu tiên của triều Trần chưa kịp nhường ngôi cho con để lên làm thượng hoàng, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua tư chất tinh anh sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng ở ngôi không lâu, chưa thấy thi thố việc gì, đáng tiếc thay!”.
Trong Đại Việt sử ký tiền biên có lời bình rằng: “Vua tuy có thiên tư tốt, nhưng vì tuổi trẻ nối ngôi, chính sự trong nước đều ở Thượng hoàng, hầu như vua chưa làm đến chính sự. Đúng như câu nói: “Cha còn sống con không được chuyên quyền”. Còn biết bàn vào đâu được…Nếu như trời cho nhà vua thêm tuổi, để đợi đến khi tự mình nắm quyền thì sự thi thố, sắp đặt ắt có điều khả quan. Tiếc là hưởng nước không được lâu”.