Tuyết rơi bất thường ở Sapa
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ đêm ngày 14/12 tuyết rơi phủ đầy ở SaPa và một số khu vực vùng cao.
Tuyết rơi bất thường ở Sapa. |
Điều đặc biệt khác với mọi năm, không khí lạnh chỉ gây băng tuyết, năm nay tuyết bắt đầu rơi dày khắp đất trời Sa Pa. Nhiệt độ giảm mạnh tại nhiều khu vực như Thác Bạc hay đèo Ô Quý Hồ làm tuyết rơi ngày một dày đặc, tạo nên một khung cảnh rất “châu Âu”. Một số nơi có tuyết dày đến 10 cm, nhiệt độ xuống âm độ C. Mưa tuyết khiến giao thông đi lại khó khăn, gây tắc nghẽn giao thông, học sinh một số trường trong khu vực được nghỉ học. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này đã thu hút đông đảo giới trẻ đổ về Sapa để tận hưởng cảm giác lần đầu chứng kiến tuyết bao phủ và rơi đầy khắp nơi.
Tuy nhiên khi tuyết chưa tan, Lào Cai tiếp tục hứng chịu những đợt sương muối, khiến khu vực này thiệt hại nặng nề. Theo báo Lào Cai, tính đến chiều ngày 21/12, Lào Cai đã có 207 con gia súc bị chết rét, hơn 800 ha rau màu ở huyện Bát Xát bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính lên hơn 35 tỷ đồng.
Hiện tượng tuyết rơi kéo dài đến ngày 17/12, tuy nhiên phải mất hơn 1 tuần tuyết mới tan ở các khu vực. Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, hiện tượng không khí lạnh kèm theo mưa tuyết ở Sapa trong những ngày qua là hiện trượng kỳ lạ, hiếm gặp, sau 51 năm đến nay mới có một đợt tuyết rơi vào giữa tháng 12.
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: “Sau khi xem xét các số liệu từ các trạm quan trắc báo về, chúng tôi thấy vào giữa tháng 12 mà có không khí lạnh kèm theo mưa tuyết là điều hiếm gặp. Thông thường một năm có từ 1 đến 2 trận mưa tuyết. Nhưng các lần trước đều rơi vào khoảng tháng 2, tháng 3 chứ không phải sớm như năm nay”.
Ông Hải cho biết thêm, trận mưa tuyết ở Sa Pa ngày (15/12) là do biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng cực đoạn. Tức là hiện tượng nóng thì rất nóng, lạnh thì rất lạnh. Và tuyết rơi ở Việt Nam vào giữa tháng 12 là một hiện tượng như vậy.
Siêu bão Haiyan và cuộc di dân lịch sử
Được đánh giá là siêu bão với sức tàn phá hủy diệt và diễn biến bất thường, siêu bão Haiyan đã khiến gần 10.000 người dân thiệt mạng, hàng loạt nhà cửa, cơ sở vật chất bị phá hủy hoàn toàn tại Philipin. Ngày 8/11/2013, siêu bão Haiyan được dự báo sẽ tiến thẳng vào các tỉnh Trung Bộ Việt Nam.
Trước sức hủy diệt của siêu bão, các tỉnh Miền Trung cấp tốc chạy bão. Miền Trung tiến hành sơ tán hàng vạn người dân đến những nơi an toàn. Theo kế hoạch đã triển khai, sẽ sơ tán người già, trẻ em, phụ nữ trước 19h ngày 9/11, thanh niên phải sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm trước nửa đêm. Cụ thể Đà Nẵng đã sơ tán khoảng 20.000 hộ dân với trên 70.000 người, tỉnh Quảng Ngãi 54.050 hộ/216.000 khẩu, Thừa Thiên Huế di dời 113.000 người dân... Đặc biệt một số tỉnh thành ven biển, người dân ngoài chằng chống nhà cửa còn làm hầm tránh bão để đối phó với siêu bão Haiyan.
Tuy nhiên, siêu bão Haiyan không tiến thẳng vào miền Trung theo như dự báo ban đầu, mà chỉ quét qua vùng ven biển các tỉnh Quảng Ngãi- Quảng Trị, sáng ngày 10/11 người dân ở các tỉnh Trung Bộ đi di dân đã trở về nhà.
Siêu bão Haiyan tiếp tục chạy dọc lên khu vực Bắc Trung Bộ, ngay trong sáng ngày 10/11, người dân từ Quảng Bình trở ra Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa lại cuống cuồng chạy bão, hàng loạt các công điện hỏa tốc yêu cầu di dân.
Đến đầu giờ chiều ngày 10/11, siêu bão Haiyan lại tiếp tục đổi hướng, tâm bão sẽ đổ bộ vào Miền Bắc, cụ thể là các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Các tỉnh Bắc Trung Bộ lại dừng di dân, các tỉnh miền Bắc lại căng mình chống siêu bão.
Vào 5h sáng nay 11/11 siêu bão Haiyan đã đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9. Siêu bão Haiyan đã khiến 13 người thiệt mạng, 81 người bị thương...
Siêu bão Haiyan được nhận định là cuộc diễn tập xử lý trường hợp khẩn cấp trên diện rộng. Cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử, với sự tham gia của hàng triệu người dân, cùng với hệ thống chính trị, tất cả các ngành nghề, địa phương cùng dốc sức tham gia.
Áp thấp nhiệt đới gây lũ lớn, nhấn chìm miền Trung
Cơn áp thấp nhiệt đới hồi giữa tháng 11/2013 chưa kịp mạnh lên thành bão số 15 thì đã suy yếu nhưng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn, nước lũ lên nhanh, khiến các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lại chìm trong biển nước. Theo thống kê, lũ lụt đã làm ít nhất 25 người chết và mất tích, hơn 20.000 người phải sơ tán tránh nạn. Nhiều ngôi nhà, hoa màu bị lũ nhấn chìm.
Thành phố Huế bị ngập lụt nặng nhất. Chỉ sau vài giờ mưa lớn, nhiều tuyến đường cùng các khu di tích lịch sử của cố đô bị chìm trong gần một mét nước. Phố cổ Hội An cũng bị biển nước bủa vây. Hàng chục nghìn ngôi nhà thuộc địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị vào đến Ninh Thuận cũng đang ngập trong nước, giao thông tê liệt.
Mưa gây ra lũ đã làm cho hàng loạt các hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi đạt mức đỉnh, buộc phải xả lũ khiến tình trạng ngập lụt càng trở nên phức tạp. Chính quyền địa phương có lũ lụt đã phải tổ chức di dời hơn hai chục ngàn người dân ra khỏi vùng lụt.
Miền Trung chìm trong trận đại hồng thủy do bão Nari
Bão Nari (Bão số 11) là cơn áp thấp thứ 40, cơn bão nhiệt đới thứ 25 và cơn bão cuồng phong thứ 8 theo danh sách bão trong mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2013. Bão Nari là cơn bão đã đổ bộ vào Philippines làm chết 38 người, tàn phá cây cối, nhà cửa và gây ngập lụt. Vào đêm 14/10/2013, bão Nari đã đổ bộ Việt Nam và tàn phá dữ dội nhiều thành phố miền Trung.
Ngày 15/10/2013, hoàn lưu bão Nari kết hợp không khí lạnh gây ra trận đại hồng thủy, bủa vây các tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt; trong khi tại miền núi, nước ngập tới mái nhà, cô lập nhiều xã, huyện.
Trận lụt này mới diễn ra trong ngày đầu đã cướp đi sinh mạng, tài sản của nhiều người dân.
Tính đến thời điểm chiều 16/10, trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có ít nhất 6 người chết do lũ cuốn trôi, trong đó có 2 em học sinh, hàng trăm nhà dân ngập chìm trong biển nước. Có 4 người đang bị mắc kẹt trong vùng lũ, phải trèo lên ngọn cây.
Mưa lớn kèm lốc xoáy còn làm 2 người chết ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong khi đó ở đập Sói Mực, huyện Bố Trạch nước lũ dâng cao cuốn trôi 2 cô giáo đang trên đường đi dạy học.
Người dân miền Trung năm nay phải oằn mình chống chọi với không ít cơn bão lớn. |
Lũ lụt cũng khiến giao thông Bắc Nam ách tắc, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống dân cư địa phương. Trận lụt còn làm 350 ha lúa và 3.284 ha hoa màu bị ngập và cuốn trôi 104.000 mét khối đất từ khu vực thủy lợi và nhiều tuyến đường bê tông.
Bão Wutip gây trận lụt kinh hoàng nhất nhì thế kỷ
Ngày 30/9/2013, bão Wutip (bão số 10) hoành hành miền Trung, gây ra trận “đại hồng thủy” làm 9 người chết, 199 người bị thương, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Cơn bão này đã gây ra một cơn lũ kinh hoàng nhất sau gần nửa thế kỷ. Cơn lũ đi qua, nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Họ phải gắng gượng đứng dậy khắc phục hậu quả cùng sự chung tay của cộng đồng.
Theo thống kê của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Quảng Bình, tổng thiệt hại do bão Wutip và lũ lụt từ cơn bão này gây ra lên tới 11.000 tỷ đồng (tương đương 234 triệu USD). Trong đó, Quảng Bình, nơi tâm bão đi qua thiệt hại lớn nhất (8.000 tỷ). Nghệ An gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu do vỡ đập hồ chứa và xả lũ. Tại Thanh Hóa, Tĩnh Gia là vùng thiệt hại nặng nhất (ước tính 135 tỷ đồng) do đập Đồng Đáng và Thung Cối bị vỡ, nhấn chìm hàng nghìn ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản, hơn 1.000 ngôi nhà..., cuốn trôi nhiều tài sản của người dân. Tại Quảng Nam, xả lũ thủy điện đã làm 8 xã của huyện Bắc Trà My bị cô lập. Có 6 trên tổng số 21 hồ thủy điện lớn ở miền Trung - Tây Nguyên gần đầy và xả tràn ở mức cao, như Đắk Mi 4A (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên), Sê San 4 và Se San 4A (Gia Lai) ở mức 898 m3/s đến 4.200 m3/s.
Người dân mệt mỏi, ủ rũ sau mấy đêm trắng chạy lụt trở về nhà từ nơi di tản giờ lại vất vả để dọn dẹp lại đống đổ nát. Thi thoảng, từ trong những ngôi nhà ngấm bùn đất lại vọng ra tiếng kêu khóc não lòng: “Trôi hết rồi, còn chi nữa mô. Lấy chi mà ăn đây…”.
Ngập lụt chạm mốc lịch sử tại thủ đô Hà Nội
Trận mưa do ảnh hưởng của bão số 6 vào sáng và trưa ngày 8/8/2013 đã khiến nhiều tuyến đường tại thủ đô Hà Nội ngập úng. Đặc biệt nhiều tuyến đường bị ngập sâu, chạm mốc lịch sử năm 2008.
Đoạn ngập nặng nhất là đoạn đường Phạm Hùng, Lý Thường Kiệt, Thái Hà. Đoạn Keangnam có nơi nặng nhất đến 1m, đoạn qua vảnh đai 2 ngập lụt nặng, và gây ùn tắc kéo dài, nhiều xe chết máy.
Theo ghi nhận, tổng lượng mưa vào ngày 9/8 tại Hồ Tây là 290mm, Long Biên là 297mm, Vân Hồ 250mm.