Doanh nghiệp không tiếp nhận do không tin vào sự phục thiện
Sáng 3/6, Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Hải Dương). Ảnh: QH. |
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Hải Dương) cho rằng, về chính sách tạo việc làm cho phạm nhân sau khi ra trại giam nay gặp không ít khó khăn.
Tuy đã được học nghề trong trại giam nhưng khi chấp hành xong án phạt tù thì vấn đề tìm việc làm là một thách thức lớn đối với họ trong quá trình nỗ lực hoàn lương. Nhiều người sau khi mãn hạn tù rơi vào cảnh vô gia cư hoặc hoàn cảnh đặc biệt.
“Trong quá trình đi tìm việc làm họ vấp ngay phải tình trạng các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào sự phục thiện của họ nên không sẵn sàng tiếp nhận”, đại biểu Trân nói.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, việc áp dụng thí điểm lần này các cơ quan nên quan tâm hơn đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân không chỉ ngoài trại giam mà cả trong trại giam. Đồng thời, đề nghị bổ sung việc tổ chức thi và cấp bằng, chứng chỉ, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho phạm nhân để khi chấp hành xong án phạt tù họ có thể tìm kiếm được việc làm ổn định.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QH. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam giúp con đường trở về nhà của phạm nhân sẽ ngắn lại
Theo đại biểu Thủy, cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.
Theo thống kê thì trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67 % mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7 % không biết chữ 54 %, trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.
“Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn”, đại biểu Thúy nói.
Phạm nhân được học nghề phù hợp trình độ
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có vấn đề liên quan tới các ngành nghề, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: QH. |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, để phù hợp với trình độ của phạm nhân, ngành nghề được tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân được lựa chọn các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước.
Các ngành nghề tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các ngành, nghề có mức độ lao động độc hại, nguy hiểm theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc cấp giấy chứng chỉ nghề trong thời gian phạm nhân đang tham gia lao động, học tập, học nghề đã có quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự.
Theo đó, những người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh, thiếu niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 5 năm tù với chuẩn bị chấp hành án phạt tù sẽ được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề.
Mỗi phạm nhân chỉ được học một nghề. Đối với những người đi lao động tại các trung tâm lao động ngoài trại giam cũng sắp xếp 6 tháng trước khi hết hạn chấp hành án phạt tù, căn cứ vào yêu cầu lứa tuổi phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam sẽ được xem xét đưa trở lại trại giam để đào tạo trình độ nghề sơ cấp, tuân thủ các yêu cầu đào tạo, khi hoàn thành sẽ được cấp chứng chỉ dạy nghề theo quy định chung.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn Quốc hội, cơ quan có liên quan khác để hoàn thiện thể tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thông qua.