Nguyễn Phạm Tuân là một nhân vật quan trọng của phong trào Cần vương. Khi Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn quyết định sang Trung Quốc cầu viện, đã trao toàn bộ quân đội và nội chính cho Nguyễn Phạm Tuân với chức Thượng tướng cùng Đề đốc Lê Trực và hai con trai Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chống thực dân Pháp.
Làm quan cứu đói
Nguyễn Phạm Tuân tự là Tử Trai, sau đổi là Dưỡng Tăng, hiệu là Minh Phong. Ông sinh năm Nhâm Dần (1842) mất năm Đinh Hợi (1887), quê ở làng Kiên Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh (nay là thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Ông sinh ra trong một gia đình Nho học, nhiều đời cha con cùng thi đỗ đồng khoa, nhiều đời là công thần nhà Lê - Trịnh.
Theo một số tư liệu, Nguyễn Phạm Tuân vốn xưa là họ Phạm, chính quê ở thôn Văn Thượng, xã Lực Canh, tổng Xuân Canh, huyện Đông Anh, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) vì phạm tội phải chạy trốn vào vùng Thuận Hóa đổi ra họ Nguyễn để khỏi bị truy lùng, nhập tịch ở làng Kiên Bính. Gia phả họ Nguyễn Phạm ở phường Đông Sơn, TP Đồng Hới còn ghi, từ khi ông cụ cao tổ là Nguyễn Doãn Thanh đổi ra họ Nguyễn thì lấy chữ lót là Doãn Đức. Nhưng đến đời thân sinh của ông Nguyễn Phạm Tuân mới dùng chữ Phạm làm tên lót cho con cháu để ghi nhớ gốc tích của dòng họ gốc của mình.
Ảnh minh họa. |
Cha mất sớm nên Nguyễn Phạm Tuân bước vào nghiệp khoa cử khá muộn. Năm Quý Dậu (1873) Nguyễn Phạm Tuân đỗ cử nhân đứng thứ 19. Năm Đinh Sửu (1877), trong kỳ thi Hội, bài làm của ông được chọn vào phúc hạch nhưng không đỗ tiến sĩ. Năm Mậu Dần (1878) Nguyễn Phạm Tuân được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ. Trong năm 1878, trong nước nhiều nơi bị đói kém, ông được triều đình giao phụ trách công việc cứu đói. Với tấm lòng thương dân, ông đã cho thực hiện nhiều biện pháp chống đói hiệu quả, ông được triều đình ban khen và thăng hàm Biên tu, được cử làm Huấn đạo huyện Bố Trạch, rồi Tri huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Năm Giáp Thân (1884), Nguyễn Phạm Tuân được thăng lên chức Tri huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Bỏ ấn từ quan
Tuy chỉ giữ một chức quan nhỏ ở địa phương, nhưng Nguyễn Phạm Tuân luôn quan tâm đến tình hình trong nước. Với tấm lòng yêu nước thương dân, ông đau buồn trước cảnh triều đình nhà Nguyễn ngày càng rối ren, để thực dân Pháp lợi dụng cơ hội đánh chiếm gần hết Bắc kỳ và chiếm cả Thuận An. Triều đình hết nhượng bộ thực dân Pháp đến cầu cứu Mãn Thanh. Giữa năm 1885, nghe tin kinh đô Huế lọt vào tay giặc, Nguyễn Phạm Tuân quyết định bỏ ấn từ quan, đưa gia đình về quê hương Đồng Hới, rồi quyết định quyên sinh, may được người nhà giải cứu và khuyên ngăn. Từ đấy ông cùng nhân dân, với các tầng lớp sĩ phu đứng ra chiêu mộ nghĩa quan, tập hợp binh lính lên vùng Tuyên Hóa tìm vua Hàm Nghi, xin đi theo đánh thực dân Pháp.
Tháng 10 năm Ất Dậu (1885), Nguyễn Phạm Tuân gặp vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, được nhà vua phong chức Tán tương quân vụ quân thứ Quảng Bình. Ông chọn xóm Thác Đài, làng Cổ Liêm, huyện Tuyên Hóa làm sở chỉ huy, trung tâm lãnh đạo phong trào Cần Vương. Từ đây, phong trào Cần Vương ở Quảng Bình được nhen nhóm và phát triển khá mạnh dưới sự lãnh đạo của ông cùng các văn thân, sĩ phu yêu nước khác. Đứng trước tình hình này, triều đình Đồng Khánh được thực dân Pháp dựng lên đẩy mạnh các hoạt động đàn áp, khủng bố những người yêu nước kháng chiến nhằm dập tắt phong trào Cần Vương vừa mới hình thành.