Khác với ngày thường tấp nập xe qua, 15 phố đi bộ xung quanh hồ Gươm dường như rộng thênh thang, thoáng đãng. Nhưng chỉ sau 3 ngày triển khai, người dân và du khách đã dễ dàng nhận ra điểm cộng và điểm trừ tại không gian đi bộ này.
Giới nghiêm khiến một số người dân quanh Hồ Gươm thấy bất tiện trong sinh hoạt.
|
Điểm cộng về văn hóa
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được trình diễn phân bổ hợp lý tại không gian đi bộ quanh Hồ Gươm.
Người dân và du khách có thể thoải mái chọn lựa thưởng thức những hoạt động nghệ thuật phù hợp với sở thích. Cụ thể, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nghệ thuật đường phố xiếc, ảo thuật; trang trí ánh sáng, hoa); Trung tâm văn hóa Hồ Gươm (hòa nhạc bán cổ điển, nghệ thuật múa đương đại, dân gian; các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, các tác phẩm nghệ thuật); Tượng đài Vua Lê (biểu diễn nghệ thuật hát xẩm, chầu văn, quan họ); Vỉa hè phố Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm (triển lãm tranh, ảnh nhân các sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước); Vườn hoa đồng hồ (biểu điễn âm nhạc đương đại: acoustic, đàn dây, nhạc nhẹ); Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu (biểu diễn âm nhạc truyền thống, trò chơi dân gian); Tượng đài Lý Thái Tổ (hoạt động văn hóa, thể thao), nhạc cụ dân tộc, nhạc kèn…
Ngoài thưởng thức các hoạt động nghệ thuật, người dân và du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian. Tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hàng trăm người già trẻ, gái trai cùng nhau chơi trò chơi ô ăn quan, nhảy dây, kéo co giữa lòng phố. Rất nhiều em nhỏ lần đầu tiên biết tới trò chơi ô ăn quan đã thích thú chơi tới nỗi bố mẹ giục cũng không về. Tiếng trống chiêng của đoàn múa lân, múa rồng khiến bầu không khí trở nên rộn rã tươi vui.
Bác Lê Duy Quang, 75 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) phấn khởi: “Được tham gia tận hưởng các hoạt động văn hóa, vui chơi các trò chơi dân gian tại phố đi bộ, tôi như trở về tuổi thơ của mình. Tôi đã hướng dẫn cháu nội chơi để cháu biết những trò chơi truyền thống dân tộc.
Cháu còn biết được các môn nghệ thuật dân tộc như xẩm, quan họ”. Anh Nicolas Huy Việt kiều Pháp hân hoan: “Gia đình tôi trở về Việt Nam là một trong những người đầu tiên đi phố đi bộ này, chúng tôi rất vui. Tôi từng nghe các loại hình âm nhạc truyền thống và xem các trò chơi dân gian trên ti vi, đây là lần đầu tiên tôi và gia đình tận mắt thưởng thức các hoạt động văn hóa này. Các con tôi nhiệt tình chơi kéo co và nhảy dây, mồ hôi ướt đẫm người. Thật tuyệt!”.
Múa lân, múa rộng tại không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. |
Điểm trừ cho ý thức
Đó chính là điểm cộng tại tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, tại đây vẫn có điểm trừ mà ngành chức năng cần xử lý quyết liệt thời gian tới. Đó là, các quán hàng rong “đổ bộ” tại các tuyến phố đi bộ. Người dân và du khách khó chịu khi người bán hàng rong đi theo chèo kéo mua hàng. Những người bán nước với thùng xốp ngồi dọc các phố quanh hồ Hoàn Kiếm. Thoắt “hiện” khi có khách, thoắt “ẩn” khi có đoàn chức năng tới kiểm tra. Các hàng ăn lưu động cũng không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. Họ đặt bếp rán xúc xích, bán rán, nướng thịt xiên giữa lòng phố, khói bay nghi ngút. Thấy công an, ngay lập tức họ ôm thùng xốp hoặc xe đẩy gắn bếp rán chạy thục mạng khiến không gian phố đi bộ trở nên bát nháo, hỗn độn, nhếch nhác.
Tại Tháp Bút, tượng đài Cảm tử quân, rất nhiều thanh niên và trẻ em ngang nhiên trèo leo nghịch ngợm, chụp ảnh phản cảm, thậm chí vẽ bậy lên di tích. Điều đáng nói, rất nhiều bậc cha mẹ tiếp tay cho các hành vi này... Tất cả hành vi gai mắt ấy không hề thấy cơ quan chức năng nhắc nhở.
Với công tác vệ sinh môi trường, cơ quan chức năng đã bố trí công nhân, chia làm 5 ca/ngày đêm, nhặt rác 24/24 trong khu vực các tuyến phố. Đồng thời, lắp đặt thêm 50 thùng rác đôi, loại 70 lít, xung quanh bờ Hồ để người đi bộ bỏ rác. Dù vậy, nhiều tuyến phố, rác thải bị vứt vung vãi từ vỉa hè, tới lòng đường. Những vị khách sau khi ăn uống tại các quán hàng rong đã bỏ rác lại. Dĩ nhiên, các hàng rong mải bán hàng, trốn chạy công an, ý thức kém chẳng dại gì dọn dẹp. Nhân viên môi trường dọn liên tay mà vẫn không xuể.
Việc giới nghiêm các phương tiện trên 15 tuyến phố kéo dài từ 7 giờ tối ngày thứ sáu đến 12 giờ đêm ngày chủ nhật hàng tuần khiến một số hộ kinh doanh sốt ruột. Chị Thu Hoa ở phố Lương Văn Can cho hay: “Nhiều khách ngại gửi xe đi bộ vào để mua hàng nên vài hôm nay, cửa hàng tôi và xung quanh rất thưa thớt khách”. Còn anh Lê Hoàn, người dân tại phố Tràng Tiền cho rằng: “Việc giới nghiêm này khiến gia đình và hàng xóm anh thấy bất tiện trong sinh hoạt. Mỗi lần đi đâu, gia đình anh lại phải dắt xe ra, dắt xe vào tại quãng đường cấm xe trong thời tiết nắng nóng, hay mưa bão”. Không ít người đề xuất, chỉ nên cấm các phương tiện vào các buổi tối cuối tuần.
Với những điểm trừ này, cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm để không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thực sự là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, thú vị, an toàn của mảnh đất ngàn năm.