Tôi vinh hạnh rảo bước cùng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Đức Chính trên con đường quê hương ông - thôn Kênh Bối, xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên để nghe ông kể về con đường binh nghiệp của ông.
Hệ thống ra đa đã phát hiện và khẳng định máy bay B-52. (Ảnh minh họa) |
Năm 1960, chàng thanh niên 20 tuổi Vũ Đức Chính tạm biệt vợ trẻ, con thơ, lên đường nhập ngũ. Ông tham gia lớp sơ cấp sửa chữa ra đa rồi được biên chế vào Trung đoàn 290, Binh chủng Ra đa, Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vùng trời từ Thanh Hóa đến TP. Đà Nẵng.
Từ một thợ sửa chữa trình độ sơ cấp, ông dần trở thành thợ sửa chữa bậc 5, có khả năng sửa chữa được nhiều loại máy ra đa khác nhau. Ông tự nghiên cứu, cải tiến nhiều bộ phận của ra đa và cách vận hành hệ thống ra đa. Trong đó, độc đáo và táo bạo nhất là sáng kiến tháo rời, đưa ra đa lên núi cao - một phương án gây tranh cãi nhưng sau đó được thống nhất áp dụng trong toàn Binh chủng Ra đa.
Anh hùng Vũ Đức Chính (đứng hàng sau, thứ 4 bên phải) cùng đồng đội tham gia các hoạt động địa phương. |
Mọi chuyện bắt đầu khi Trung đoàn 290 vào miền Trung, cụ thể là đất Quảng Bình. Khi đó, trận địa ra đa đóng ở đâu cũng bị máy địch phát hiện và đánh phá ác liệt, gây rất nhiều tổn thất. Trong hoàn cảnh đó, người thợ sửa ra đa Vũ Đức Chính quyết định tham mưu với cấp chỉ huy, đưa ra đa lên núi cao. “Việc đưa ra đa lên núi cao mang lại mục tiêu “kép”, vừa bắt được máy bay ở khoảng cách xa hơn và làm cho địch bất ngờ, tránh được sự phát hiện đánh phá”, ông Chính nói.
Hiệu quả là vậy nhưng việc đưa ra đa lên núi là việc rất gian nan, vì vừa phải xây dựng trận địa trên núi cao, vừa phải tháo toàn bộ các chi tiết của hệ thống ra đa, rồi dùng sức người vận chuyển lên núi. Ngoài ra, việc tháo rời các chi tiết ra đa, rồi vận chuyển qua đường rừng hiểm trở có thể ảnh hưởng đến thiết bị. Vì vậy, khi ông đề xuất đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, sự lưỡng lự của chỉ huy. Trước sự lưỡng lự của chỉ huy, ông lấy sinh mạng chính trị của mình để đảm bảo, để chịu trách nhiệm,
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Đức Chính. |
Chỉ huy Trung đoàn báo cáo Binh chủng Ra đa cho thực hiện. Trận địa ra đa đầu tiên được xây dựng trên núi U Bò (Bố Trạch, Quảng Bình). Ra đa được đưa lên núi và lắp ráp lại mất tròn một tháng. Nhưng thiết bị phát huy hiệu quả ngay lập tức; dễ dàng bắt các mục tiêu và trận địa được giữ bí mật. Ngay sau đó, Trung đoàn quyết định đưa toàn bộ các trận địa ra đa lên núi cao”, ông Chính kể.
Sáng kiến của anh hùng Vũ Đức Chính mà Trung đoàn Ra đa 290 triển khai đã giúp phát hiện hầu hết các đường bay của địch từ Thái Lan qua Lào và từ Hạm đội 7 ở Biển Đông vào nước ta. Sau khi phát hiện máy bay địch, đơn vị báo động, chuyển cấp chiến đấu kịp thời, góp phần làm nên chiến thắng Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào… Đặc biệt, sáng kiến này cũng góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Song song với sáng kiến đưa ra đa lên núi, ông Vũ Đức Chính nghiên cứu hiệu chỉnh các thiết bị đồng bộ của ra đa II-10 5135 và rút ra quy tắc thao tác ở một số máy ra đa để phát hiện máy bay B-52 từ cự ly hơn 250 đến 300km, thậm chí 400km. Kể về chiến công hào hùng ấy, ông Chính khiêm tốn nói: “Trong cái khó, ló ra cái khôn thôi, chứ không có gì là kỳ tích”.
Ông cho biết, muốn phát hiện máy bay B-52 thì cần làm giảm cường độ nhiễu, tức là thay đổi sóng thu ra đa. Theo đó, một máy ra đa có 2 màn hình sóng, một màn hình hiện sóng 360 độ, một màn hình hiện sóng cự ly. Máy bay B-52 có hệ thống gây nhiễu cực mạnh, bay đến đâu chúng gây nhiễu đến đó, làm cho màn hình ra đa trắng xóa. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, ông lợi dụng trần bay ổn định của B-52 để thay đổi sóng thu chính của dải nhiễu do B52 tạo ra để chỉ ra chính xác đường bay, tọa độ, độ cao của chúng.
Ông Chính cho biết, khi học sửa chữa ra đa, ông nắm rất kỹ nguyên lý ra đa, tường tận quy luật bay của các loại máy bay, độ cao của các loại máy bay. Chẳng hạn, pháo đài bay B-52 thường bay ở độ cao 9 đến 11km, cường kích bay ở độ cao 5 đến 7km, còn máy bay trinh sát thường bay ở độ cao khoảng 4km. Căn cứ vào những dữ liệu đó, kết hợp với máy đo độ cao và điều chỉnh cánh sóng thu sẽ phát hiện được B-52.
“Khi tôi mày mò phát hiện được B-52, anh em trắc thủ, chỉ huy sướng lắm, bế tung tôi lên ăn mừng. Khi tìm ra quy tắc rồi, sau này “bắt” B52 là chuyện như cơm bữa. Khi “nó” cất cánh ở sân bay của Thái Lan và đạt độ cao, ra đa cảnh giới của Trung đoàn chúng tôi đều phát hiện ra”, ông Chính chia sẻ. Khi đã tỏ tường quy trình bay của B-52, chỉ huy Trung đoàn yêu cầu ông viết quy trình chống nhiễu để “bắt” B52, chuyển giao cho các trạm ra đa để đài trưởng, trắc thủ thực hiện phát hiện B-52, báo động kịp thời cho chỉ huy. Còn việc phát hiện B-52 ở cự ly 400km cần kết hợp với phương pháp đưa ra đa lên núi cao như tôi chia sẻ ban đầu”.
Trong binh nghiệp của mình, ông Chính có 12 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 7 lần đạt danh hiệu Chiến sỹ quyết thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Chiến công hạng 3. Năm 1978, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1983, ông trở về địa phương mang quân hàm Thiếu tá, tiếp tục tham gia các phong trào của địa phương.
Nhờ phát hiện sớm B-52 của Trung đoàn 290, góp phần để các lực lượng phòng không bắn rơi nhiều máy bay B-52. Điển hình của sử dụng biện pháp này Trung đoàn đã phát hiện báo động để Đại đội ra đa 45 dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng bắn bị hỏng B-52 ở phía Nam Quân khu 4 đêm 20/11/1971; phát hiện tới 3 tốp B-52 từ Thái Lan sang đánh Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Bắc Lào) tháng 12/1971 và Trung đoàn Tên lửa 263 bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 ở biên giới Lào, Thái Lan đêm 22/11/1972. Đặc biệt, đêm 18/12/1972, hệ thống ra đa phát hiện các tốp B-52, lập tức, Trung đoàn báo cáo về Binh chủng nhanh chóng thông báo mục tiêu. Quân chủng Phòng không - Không quân ra lệnh toàn Quân chủng vào cấp 1, sẵn sàng đánh B-52.
Trong Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12/1972, bộ đội ra đa, trong đó Trung đoàn 290 đã phát hiện, xác định B-52 từ xa, báo động sớm cho trận địa phòng không ở Thủ đô bảo vệ Hà Nội. Nhờ đó, cấp trên nắm chắc tình hình, hạ quyết tâm chiến đấu kịp thời, chuẩn xác và tạo điều kiện cho các đơn vị hỏa lực phòng không bắn rơi 8 máy bay địch, trong đó có 3 chiếc B-52. Trong các đêm còn lại của chiến dịch, bộ đội ra đa đã báo động sớm cho Hà Nội, để các lực lượng hỏa lực bắn rơi B-52 ngày càng nhiều hơn. Trận then chốt đêm 20/12, bắn rơi 7 máy bay B-52, có 5 chiếc rơi tại chỗ và 7 máy bay chiến thuật. Hay như đêm 26/12, ta bắn rơi 18 máy bay các loại, trong đó có 8 chiếc B-52.