Một trong các quy trình quan trọng nhất diễn ra trong lễ nhậm chức là chuyển giao vali hạt nhân từ Tổng thống Joe Biden cho người kế nhiệm.
Vali hạt nhân hay còn gọi là Quả bóng hạt nhân (Nuclear Football) bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống John Kennedy sau khi sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Đây là thiết bị được chế tạo nhằm đảm bảo tổng thống Mỹ có thể ra lệnh phát động đòn tấn công hạt nhân mọi lúc mọi nơi.
Một sĩ quan Mỹ mang theo vali hạt nhân luôn đi cạnh Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, vali còn có các thủ tục để kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp EAS, nhờ đó tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc tổng thống đang ở đâu.
Bên trong có một điện thoại, tấm thẻ có biệt danh "bánh quy" chứa các mã số cho phép phát động cuộc tấn công hạt nhân và danh sách những mục tiêu được lựa chọn từ trước.
Thông thường, trước lễ nhậm chức, tổng thống đắc cử Mỹ phải tham dự cuộc họp kín để nghe hướng dẫn cách thức ra lệnh phát động tấn công hạt nhân. Đây cũng được cho là thời điểm tổng thống đắc cử nhận thẻ "bánh quy", dù các mã số trên thẻ sẽ không có hiệu lực cho đến khi tổng thống Mỹ hiện tại mãn nhiệm.
Trong quá khứ, một số tổng thống đắc cử Mỹ từng được hướng dẫn cách dùng mã vũ khí hạt nhân tại nhà khách tổng thống Blair House trên đại lộ Pennsylvania gần Nhà Trắng, chỉ vài giờ trước khi nhậm chức.
"Đó là thời khắc rất quan trọng, giúp bạn nhận ra nghĩa vụ to lớn mà mình sẽ phải gánh vác", Andrew Card, chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, cho biết.
Không rõ Tổng thống đắc cử Trump có phải tham dự cuộc họp kín hay cần được hướng dẫn sử dụng vali hạt nhân hay không, do ông từng làm điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Vào sáng 20/1, khi Tổng thống Biden cùng ông Trump di chuyển từ Nhà Trắng tới Đồi Capitol để dự lễ nhậm chức, một trợ lý quân sự cấp cao mang vali hạt nhân đi cùng ông.
Vào thời điểm ông Trump đọc xong lời tuyên thệ nhậm chức bên trong nhà mái vòm Rotunda của Điện Capitol, quan chức này lặng lẽ chuyển vali hạt nhân cho trợ lý quân sự của tân Tổng thống, trước khi người này di chuyển đến bên cạnh ông Trump.
Khoảnh khắc ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Quy trình này giúp quá trình chuyển giao quyền kiểm soát kho vũ khí nguyên tử của Mỹ diễn ra liền mạch và "không có khoảng trống", đảm bảo các đối thủ tiềm tàng của Washington khó lợi dụng bất cứ thời điểm nhạy cảm nào để phát động tấn công hạt nhân.
Để đảm bảo chính phủ Mỹ vẫn có khả năng ra quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp Tổng thống mất năng lực hành động, luôn có ít nhất 3-4 vali hạt nhân được sử dụng vào cùng một thời điểm.
"Một chiếc cho Tổng thống, một chiếc cho Phó tổng thống và một chiếc dành riêng cho người sống sót được chỉ định tại các sự kiện như lễ nhậm chức và phát biểu Thông điệp Liên bang", Stephen Schwartz, nhà nghiên cứu tại Trang tin Các nhà khoa học Nguyên tử (BAS) có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Phó Tổng thống mãn nhiệm Kamala Harris cũng phải bàn giao lại vali hạt nhân cho người kế nhiệm J.D Vance tại lễ nhậm chức. Cả ông Trump và ông Vance đều được hướng dẫn cách sử dụng vali hạt nhân. Tuy nhiên, ông Trump có thể không cần nhiều chỉ dẫn vì ông từng nắm quyền kiểm soát vali quyền lực này trong nhiệm kỳ đầu.
Tình huống đặc biệt từng xảy ra trong lễ nhậm chức của ông Biden hồi năm 2021, khi ông Trump không tham dự sự kiện này mà trở về bang Florida. Điều đó khiến quy trình chuyển giao "quả bóng hạt nhân" trở nên phức tạp hơn, do vali phải ở bên cạnh ông Trump cho đến khi mãn nhiệm vào 12h ngày 20/1/2021.Nhằm đảm bảo quy trình chuyển giao suôn sẻ, giới chức Mỹ dường như đã trao một vali hạt nhân dự phòng cho đội ngũ của ông Biden. Sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức, trợ lý quân sự của ông Trump cũng lập tức lên máy bay để mang chiếc vali hạt nhân về thủ đô Washington.