Trước đó, Tạp chí Khán Hòa dẫn các bình luận của nhiều chuyên gia hàng không Mỹ và phương Tây tin tưởng rằng, thiết kế khí động học của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 Trung Quốc khá giống với mẫu thử nghiệm MiG 1.44 Nga. Và khả năng cao, phía Nga đã bán tài liệu kỹ thuật dự án MiG 1.44 cho Trung Quốc.
Nhưng đại diện hãng MiG của Nga tuyên bố, công ty chưa bao giờ chuyển giao bản vẽ máy bay MiG 1.44 cho Trung Quốc.
Mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình J-20. |
Những năm 1980, MiG đã khởi động dự án nghiên cứu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 MFI và đến năm 1999 đã có mẫu thử đầu tiên mang ký hiệu MiG 1.44. Tuy nhiên, công trình này sau đó đã chính thức bị đánh bại bởi dự án Sukhoi PAK FA T-50 vào đầu những năm 2000. Hiện nay, dự án đã bị hủy bỏ hoàn toàn, mẫu thử nghiệm duy nhất vẫn còn được lưu giữ nhưng không rõ mục đích sử dụng của nhà phát triển.
Một số chuyên gia chỉ ra, dự án MiG 1.44 dừng không phải do thiết kế không tốt, mà do không phù hợp với yêu cầu của Không quân Nga. Cũng có thông tin cho rằng, Phòng thiết kế MiG không đủ ngân sách để hoàn thành công tác thiết kế của tiêm kích tàng hình đầu tiên của mình.
Mẫu thử nghiệm MiG 1.44. |
Nhưng nếu thực sự J-20 lấy thiết kế MiG 1.44 làm cơ sở, như vậy nó cũng sẽ tiếp tục thừa kế hầu hết những khuyết tật của máy bay MiG 1.44. Trong không chiến, kích thước của J-20 có vẻ quá lớn, đồng nghĩa với trọng lượng nặng, mà tính năng khí động học cũng sẽ giống với MiG 1.44 cho thấy một số yếu điểm.
Dẫu vậy, thành quả nghiên cứu dự án MiG 1.44 đối với Trung Quốc vẫn có giá trị. Vì nước này không có kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình sản xuất trong nước.
Trung Quốc có thể sử dụng những thành quả nghiên cứu thất bại của ngành công nghiệp hàng không nước khác, điển hình như máy bay J-10 của Trung Quốc chính là máy bay được nghiên cứu trên cơ sở dự án máy bay chiến đấu IAI Lavi (hủy bỏ) của Israel.