Doanh thu và LNST 6 tháng đầu năm đạt lần lượt 600 tỷ đồng (-5,1% YoY) và 94 tỷ đồng (+16% YoY), hoàn thành 42% và 64% kế hoạch cả năm. Trong đó, doanh thu ETC đạt khoảng 300 tỷ đồng, chiếm 50% tổng doanh thu.
Dù doanh thu tăng trưởng âm, LNST của công ty tăng trưởng tương đối tốt nhờ khả năng sinh lời được cải thiện. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 39% trong 6T2020 lên 44% trong 6T2021 do thay đổi trong cơ cấu doanh thu và diễn biến giá nguyên vật liệu thuận lợi.
Đầu tiên, công ty đã tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn như thuốc ung thư, dung dịch thẩm phân. Biên gộp của thuốc ung thư rất cao, đạt khoảng 60% trong nửa đầu năm 2021.
Doanh thu thuốc ung thư và dung dịch thẩm phân máu tăng lần lượt 51% YoY và 20% YoY. Cuối cùng, giá nguyên liệu đầu vào ổn định, thậm chí giảm trong 6 tháng đầu năm, do đó, cũng góp phần cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Theo ban lãnh đạo, lợi nhuận dự kiến đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, doanh thu 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 677 tỷ đồng và kế hoạch doanh thu cả năm có thể không hoàn thành do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Doanh thu thuốc chống ung thư tăng mạnh 51% YoY trong 6 tháng đầu năm. DBD hưởng lợi từ định hướng của Bộ Y tế khi ưu tiên các sản phẩm thuốc ung thư đạt tiêu chuẩn sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bằng sáng chế thuốc của một số công ty dược phẩm đa quốc gia đã hết hạn.
Do đó, các công ty này buộc phải thúc đẩy hoạt động bán hàng như thuốc generics thông thường, vốn tốn nhiều thời gian và kinh phí. Do đó, DBD có dư địa để tăng trưởng. Hiện tại, dây chuyền sản xuất thuốc chống ung thư của công ty đã chạy hết 90% công suất.
Nguồn: VDSC. |
DBD kỳ vọng đạt tiêu chuẩn EU-GMP cho dây chuyền sản xuất thuốc ung thư dạng tiêm tại nhà máy Nhơn Hội trong Q1/2022
Nhà máy này có 2 dây chuyền: thuốc tiêm và thuốc viên. DBD kỳ vọng đạt được EU-GMP cho các dây chuyền sản xuất thuốc tiêm và thuốc viên vào quý 1/2022 và quý 3 năm 2022.
Công ty đã đạt WHO-GMP cho dây chuyền sản xuất thuốc tiêm, trong khi dây chuyền sản xuất thuốc viên đã lắp đặt xong và sẽ sớm được đăng ký phê duyệt WHO-GMP. Dây chuyền thuốc tiêm có thể chạy từ Q3 với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP.
Tổng quy mô thị trường thuốc ung thư của Việt Nam là 6.547 tỷ đồng trong năm 2020. Trong đó, doanh thu thuốc biệt dược gốc đạt 4.575 tỷ đồng, thuốc generics đạt 1.972 tỷ đồng. Các loại thuốc ung thư mà DBD sản xuất phổ biến trong nhóm 1 và 2 của kênh bệnh viện, do đó, có thị trường lớn để khai thác.
Theo ban lãnh đạo, doanh thu ước tính của nhà máy này là khoảng 200 tỷ đồng vào năm 2022 và có thể đạt 1.300-1.400 tỷ đồng khi nhà máy hoạt động hết công suất.
DBD đặt mục tiêu nâng thị phần trong phân khúc dịch lọc máu lên 30% vào năm 2025
Doanh thu mảng này đã tăng 20% YoY trong 6T2021 nhờ đăng ký thêm các sản phẩm thiết bị y tế với Bộ Y tế trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, DBD gặp ít cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong nước do DBD là doanh nghiệp hiếm hoi sản xuất thuốc dạng dung dịch, trong khi các doanh nghiệp khác chỉ sản xuất thuốc dạng viên và bột.
Về định hướng phát triển, DBD đang nhắm đến mảng dung dịch thẩm phân phúc mạc do quy mô thị trường lớn và công ty có khả năng cạnh tranh về giá cả. Có hai loại dung dịch thẩm phân chính, là thẩm phân phúc mạc và thẩm phân máu.
Trong đó, quy mô thị trường thẩm phân phúc mạc đạt 615,5 tỷ đồng vào năm 2020. Baxter đang thống trị thị trường này với doanh thu 614 tỷ đồng (2020). Doanh thu của DBD tại thị trường này tăng 20-30% YoY trong 6 tháng đầu năm, nhưng thị phần còn nhỏ. Công ty dự kiến tập trung vào mảng thuốc này và giành thêm thị phần từ Baxter nhờ lợi thế giá rẻ và chất lượng tương đối tốt.
Về thị trường dung dịch thẩm phân máu, Braun chiếm 50% thị phần với doanh thu 163 tỷ đồng trong năm 2020, DBD chiếm 42% thị phần với doanh thu 102 tỷ đồng.
Phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược
DBD có thể phát hành riêng lẻ cho một công ty dược đa quốc gia với tỷ lệ sở hữu dưới 10%. Công ty này cũng đang hỗ trợ DBD trong quá trình xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy sản xuất thuốc chống ung thư.
Kết luận, kết quả kinh doanh của DBD khá tích cực so với mặt bằng chung của ngành dược nhờ mức tăng trưởng tốt của một số sản phẩm có biên lợi nhuận cao như thuốc ung thư (chiếm 15% DT), dung dịch thẩm phân máu (chiếm 7% DT). Với việc đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, DBD có thể hoàn thành kế hoạch năm dù nhu cầu thuốc sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong quý 3.
Về triển vọng đầu tư, điểm nhấn đến từ việc phê duyệt tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy thuốc ung thư Nhơn Hội và sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài. Quy mô nhà máy thuốc ung thư mới tương đối lớn (DT tối đa đạt 1.300-1.400 tỷ đồng so với mức DT kế hoạch 2021 là 1.500 tỷ đồng).
Các sản phẩm của nhà máy này cũng có giá trị gia tăng cao, với biên gộp trên 60%. Tuy nhiên, đây là lần đầu DBD tiến hành xin xét duyệt EU-GMP và sản phẩm là thuốc ung thư, do đó, công ty có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với IMP, PME.