Mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thu nhập ròng năm 2023 của MBB thêm 1,7% lên 20.000 tỷ đồng (+9,9% So với cùng kỳ) so với dự báo trước đây, chủ yếu do dự báo thu nhập từ lãi (NII) tăng 6,3%, dự phóng tăng trưởng tín dụng cao hơn đạt 22,3% so với dự báo trước đây là 20,9%.
Bên cạnh đó, MBB hiện giao dịch với P/B dự báo năm 2023 là 0,85 lần – thấp hơn 16% so với mức trung vị của một số ngân hàng khác, với ROE dự phóng năm 2023 là 21,1% so với trung vị các ngân hàng khác là 19,7%.
VCSC kỳ vọng tăng trưởng NII 2023 đạt 16,4% dù giả định MBB sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay. Thực tế cho thấy, MBB là ngân hàng tư nhân tích cực nhất trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
MBB đang được định giá khá tiêu cực. |
Với giả định một cách thận trọng rằng, MBB sẽ cung cấp gói hỗ trợ 1.500 tỷ đồng thu nhập từ lãi để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2023, lớn hơn gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng trong năm 2021. Ngoài ra, VCSC dự báo khả năng nợ xấu tăng khiến cho hoàn nhập dự thu lãi tăng trong năm 2023.
Tuy nhiên, NIM năm 2022 của MBB tăng 9 điểm cơ bản so với dự báo do MBB đẩy mạnh mảng cho vay bán lẻ. Do đó, VCSC đã điều chỉnh giảm 7 điểm cơ bản trong dự báo NIM năm 2023 xuống 5,48% (-19 điểm cơ bản So với cùng kỳ) và vẫn thuộc nhóm cao trong danh mục theo dõi của VCSC. Ngoài ra, VCSC duy trì kỳ vọng rằng MBB sẽ tiếp tục được nhận hạn mức tín dụng ưu đãi trong giai đoạn dự báo do MBB đang hỗ trợ một tổ chức tín dụng yếu kém.
Theo VCSC, tỷ lệ CASA của MBB đã giảm 8,1 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2022 do lãi suất tăng, nhưng vẫn là mức cao nhất trong danh mục theo dõi của VCSC ở mức 40,6%. VCSC cho rằng, tỷ lệ CASA ổn định từ các đơn vị kinh tế của quân đội và các công ty con của MBB; việc thúc đẩy giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt và sự thành công của MBB trong việc thu hút khách hàng mới.
Giá cổ phiếu của MBB bị ảnh hưởng tiêu cực khá nhiều do dư nợ tín dụng cho lĩnh vực BĐS và trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn. Phân tích độ nhạy của VCSC bao gồm các giả định về tổn thất lên đến 50% đối với khoản tín dụng MBB cấp cho các doanh nghiệp BĐS hoặc tổn thất lên đến 25% cho các khoản vay thế chấp mua nhà mà không tính đến khả năng thu hồi và xử lý nợ xấu. VCSC cho rằng những giả định này có xác suất xảy ra thấp.
Ngoài ra, MBB có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao thứ hai trong danh mục theo dõi của VCSC tính đến năm 2022, điều này sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực từ việc tăng chi phí dự phòng trong 2 năm tới.
Theo đó, VCSC điều chỉnh giảm 1,1% giá mục tiêu xuống còn 27.000 đồng/cổ phiếu nhưng duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu MBB. Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do việc dự phóng tăng chi phí vốn chủ sở hữu từ 15,60% lên 15,75%, do nâng hệ số beta, có ảnh hưởng nhiều hơn so với mức tăng 3,5% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 của VCSC.
Rủi ro MBB có thể đối diện trong năm nay gồm có, chi phí tín dụng cao hơn dự kiến do những thách thức hiện tại trong thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp; tỷ lệ CASA thấp hơn dự kiến; việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém (DCI) có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của ngân hàng.