Trước đó, ngày 14/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC kể từ ngày 20/2.
Ngay trong tối đó, FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc huỷ niêm yết cổ phiếu FLC, trong đó cần thiết xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.
Bên cạnh việc giải trình về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị huỷ niêm yết do khó khăn sót lại sau khi ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung bị bắt. Bà Huyền cũng trấn an cổ đông và làm rõ quyền lợi của cổ đông.
Bà Bùi Hải Huyền. |
Theo bà Huyền: "Cổ đông vẫn đương nhiên được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Trong mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt đối với các cổ phiếu FLC mà cổ đông đang sở hữu".
Cổ đông cũng được phép tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, đề cử và ứng cử thành viên Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty.
Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 133 Nghị định 155/2020: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.”
Tổng Giám đốc FLC cho biết Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã gửi quyết định hủy niêm yết cổ phiếu FLC đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) – đơn vị trực tiếp quản lý thị trường UPCoM – và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhằm phối hợp đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC trên hệ thống giao dịch UPCoM.
“Tập đoàn FLC sẽ thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu FLC trên hệ thống giao dịch UPCoM ngay sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch,” Tổng Giám đốc FLC Bùi Hải Huyền viết.