Chiều 11/5, Phó tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho biết, tình hình ở khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép vẫn rất căng thẳng. Nếu như trong hai ngày qua, phạm vi cấm tất cả các loại tàu bè hoạt động quanh giàn khoan mở rộng đến khoảng 10 hải lý (trên 18,5 km), thì hôm nay Trung Quốc tăng cường thêm máy bay tiêm kích bảo vệ, hạ thấp độ cao.
Theo ông Thu, từ khi xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc vẫn sử dụng nhiều tốp máy bay nhưng bay ở độ cao. Riêng hôm nay, tốp máy bay tiêm kích hạ thấp độ cao, tiếp cận gần với tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam, chỉ cách 800-1.000 m. Từ căn cứ trung tâm, máy bay tiêm kích của Trung Quốc bay vào không phận Việt Nam, phía trên các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ thực thi luật pháp trên biển.
Nhiều người dự đoán, loại chiến đấu cơ xâm phạm không phận Việt Nam có thể là nằm trong số các máy bay thuộc Không quân Hải quân Trung Quốc. Ảnh minh họa. |
"Cảnh sát biển chưa đọc được số hiệu của máy bay tiêm kích, mới đọc được số hiệu máy bay trinh sát cánh bằng là 9401 khi nó lượn trên không khu vực tàu CSB 8003 của ta", ông Thu cho hay.
Phó tư lệnh Cảnh sát biển thông tin, về cơ bản, Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng bảo vệ giàn khoan như hôm qua, tức là khoảng 79 tàu các loại thuộc 6 lực lượng, trong đó có 3 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 và hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752, 753.
Các tàu Trung Quốc vẫn chủ động chặn mũi, chặn hướng, dùng vòi rồng công suất lớn tấn công... để ngăn cản tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư của Việt Nam, không cho tiến lại gần giàn khoan. Trong khi đó, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn kiên nhẫn dùng loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã không ít lần đưa máy bay vào không phận Việt Nam để uy hiếp các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. Ngày 9/5, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết, tình hình tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trên biển chính thức phát hiện 79 tàu thuộc 6 lực lượng của Trung Quốc hoạt động quanh khu vực giàn khoan. Tướng Đạm cũng cho biết trong quá trình ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, phía Trung Quốc ngoài việc đưa ra những lời lẽ có tính chất răn đe, dọa nạt đã chủ động đâm va, dùng vòi rồng áp suất cao bắn vào các tàu Việt Nam gây ra nhiều thiệt hại cho tàu và các phương tiện, thiết bị hàng hải của Việt Nam. Đặc biệt nghiêm trọng là các hành động này đã làm một số cán bộ kiểm ngư của VN bị thương.
Theo tướng Đạm, việc Trung Quốc điều tàu hải quân ra khu vực này đã làm tình hình thêm căng thẳng. Hành động đe dọa quân sự này cũng đã vi phạm những quy định chung. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều tốp máy bay của Trung Quốc hoạt động trong khu vực này. Có những máy bay hải cảnh bay áp sát tàu Việt Nam ở độ cao 200 - 300 m.
Đáng lưu ý là những ngày qua cũng phát hiện những tốp máy bay quân sự xuất phát từ căn cứ Du Lâm đến khu vực này. “Đây cũng là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm (căn cứ hải quân Du Lâm đặt tại Tam Á, thành phố cực nam thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đây được cho là căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc – PV)”, tướng Đạm cho biết.
Ngay từ ngày 7/5, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa máy bay vào không phận Việt Nam cùng nhiều loại tàu để bảo vệ giàn khoan. Cụ thể, có khoảng 80 chiếc tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm cả tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu mang tên lửa tấn công nhanh. Hàng ngày Trung Quốc còn huy động hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực và một số tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào khu vực cách đảo Lý Sơn từ 50 đến 60 hải lý.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, tàu Trung Quốc hung hăng uy hiếp tàu Việt Nam và khiến 6 kiểm ngư viên bị thương. Ngoài tàu thuyền, Trung Quốc còn huy động máy bay. Các máy bay Trung Quốc trong ngày vẫn bay tầm thấp để trực tiếp uy hiếp tàu Việt Nam, trong khi các tàu hải cảnh vẫn cố đâm tàu của Việt Nam. Ông Thu đánh giá tình hình hết sức căng thẳng và tuyên bố: “Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”.
Như vậy, không chỉ đưa và đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc còn ngang ngược đưa máy bay vào vùng không phận của Việt Nam nhằm uy hiếp các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hành động này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển và không phận Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Hiện Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chưa thể thông tin chi tiết kiểu loại máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm phạm không phận Việt Nam, nhưng theo dự đoán, nhiều khả năng đó có thể là máy bay thuộc Không quân Hải quân, xuất phát từ đảo Hải Nam. Lực lượng này hiện được trang bị khoảng 300 máy bay chiến đấu các loại, trong đó hiện đại nhất là 24 chiếc Su-30MK2 mua của Nga.