Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cho phép mang thai hộ là một bước tiến bộ rõ nét đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhiều người. Tuy nhiên, nếu không có những văn bản hưởng dẫn chi tiết, rất có thể tử cung người phụ nữ sẽ trở thành món hàng mua bán, nhiều người sẽ coi đẻ thuê là việc làm kiếm sống. Vì thế, Cafe đầu tuần của Kiến Thức đã có cuộc đối thoại thú vị với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).
Hệ quả sẽ rất nguy hại
- Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, trong đó quy định cho phép mang thai hộ là biện pháp nhân đạo giúp cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai, sinh con được ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản có cơ hội làm cha mẹ. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, bà đón nhận thông tin này như thế nào?
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này, nó thể hiện sự quan tâm đến những người không có khả năng mang thai, đồng thời cũng là cơ hội để áp dụng công nghệ hỗ trợ con người. Thế nhưng ở góc độ cá nhân, tôi rất quan ngại về vấn đề thực thi pháp luật. Thực thi thế nào để người ta không lạm dụng, không thương mại hóa việc mang thai hộ dẫn đến bóc lột phụ nữ, lạm dụng cơ thể người phụ nữ dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em. Nếu không thực thi luật một cách thực sự có hiệu quả thì những vấn đề đó sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS). |
- Nhưng việc mang thai hộ trên thực tế đã tồn tại nhiều năm rồi?
Đúng vậy. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng. Vấn đề là luật của chúng ta có điều chỉnh được điều đó hay không mà thôi. Nếu không có hệ thống theo dõi, giám sát thì hậu quả của việc mang thai hộ sẽ rất nguy hại, ví dụ như có thể xảy ra việc kết hôn giữa người cùng huyết thống. Hậu quả trước mắt là cơ thể người phụ nữ sẽ bị đem ra buôn bán, tử cung người phụ nữ sẽ bị đem ra sử dụng như một món hàng. Mà như thế thì không ổn.
- Cơ thế người phụ nữ sẽ bị lợi dụng?
Đúng vậy. Nhất là phụ nữ nghèo và thiếu hiểu biết.
- Nhưng quy định đã thành luật, không thể thay đổi nữa, hẳn là người làm luật cũng đã phải tính đến hết các điều này?
Điều tôi e ngại là với tình trạng thực thi pháp luật hiện nay thể hiện qua nhiều luật khác, việc thực thi kém như vậy thì liệu có thể đảm bảo thân thể người phụ nữ không bị buôn bán và dùng vào các mục đích thương mại hay không. Đó là điều tôi thấy rất lo ngại.
- Và lúc này chúng ta phải làm gì?
Tôi hy vọng những nghị định hướng dẫn thi hành các điều khoản của luật sau này sẽ chi tiết để làm sao hạn chế được các hậu quả đó.
Đứa trẻ ra đời là giải tán
- Ở những nước phát triển, họ kiểm soát việc này như thế nào thưa bà?
Ví dụ, để được mang thai hộ thì phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể thế nào, điều kiện ràng buộc, hợp đồng pháp luật, kiểm tra y tế rất chi tiết, có cả một quá trình theo dõi đứa trẻ lâu dài trong nhiều năm, có hồ sơ lưu giữ, chứ không phải đứa trẻ ra đời là giải tán, mỗi người một nơi như cái cách mang thai hộ mà chúng ta vẫn đang làm. Còn ở Việt Nam, liệu có làm được điều này? Ta quản lý những người hiến tặng tinh trùng, hiến tặng trứng, những người mang thai hộ như thế nào, đã có một hệ cơ sở dữ liệu thống nhất hay chưa?
- Theo bà thì chúng ta có làm được điều này không?
Về nguyên tắc thì có thể làm được, nhưng chúng ta được biết tình trạng hối lộ, mua bán, tham nhũng... xảy ra rất thường xuyên. Nên tôi không thấy có gì để đảm bảo rằng chúng ta sẽ thực thi những nguyên tắc đó chặt chẽ. Trong khi đó cái giá phải trả sẽ rất lớn. Nên tôi chưa tin lắm vào việc chúng ta có thể ngăn ngừa được tình trạng đó.
- Như bà nói, rõ ràng khi luật chưa cho phép thì người ta vẫn cứ mang thai hộ đấy thôi, có thấy hậu quả gì đâu?
Đúng là từ khi chưa có luật thì người ta đã làm việc này, dù đó là điều cấm. Bây giờ câu chuyện quản lý là vấn đề mấu chốt nhất. Nhận thức của người dân nói chung chưa thực sự thấu đáo nên bản thân tôi thấy lo ngại.
- Nghe bà nói như vậy thì tôi cũng thấy lo lắng quá, liệu cái khả năng xảy ra những nguy cơ như bà nói có cao không?
Tôi nghĩ khả năng rất cao. Hệ quả, cơ thể người phụ nữ sẽ được đem ra buôn bán, bóc lột, ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khoẻ của người phụ nữ. Sẽ có những người phụ nữ vì quá nghèo, họ phải tìm đến mang thai hộ như là một công việc kiếm sống. Mang thai để kiếm ăn, mang thai chuyên nghiệp thì sức khoẻ người phụ nữ sẽ như thế nào. Rồi bao nhiêu người ăn theo, ăn vào cơ thể người phụ nữ ấy, kiếm lời trên cơ thể người phụ nữ. Những cái đó được điều chỉnh thế nào, ai kiểm soát. Những lo ngại đó rất đáng báo động.
- Nếu vậy thì rõ ràng là sự phát triển thụt lùi?
Đúng vậy, nó rất nguy hiểm. Tôi lo lắng là có cơ sở, bởi chỉ cần nhìn vào một số luật khác là thấy ngay. Ví dụ như luật giao thông, quy định phải đội mũ bảo hiểm chuẩn, nhưng có thực hiện được đâu. Chẳng lẽ công an đi bắt từng người xem đội mũ bảo hiểm thật hay giả? Chuyện đó nó giống như thả gà ra đuổi vậy, nó không hiệu quả một chút nào. Gần đây tôi có xem một bộ phim Mỹ, tất nhiên phim thì có hư cấu. Bộ phim nói rằng có một loạt phụ nữ trẻ bị bắt cóc, giam ở một nơi và bị dùng thuốc làm cho hôn mê, mang thai. Khi họ sinh con xong, những đứa trẻ này được bán đi. Người phụ nữ mà tố cáo sẽ bị thủ tiêu.
Thiệt cho rất nhiều người đồng tính
- Cũng trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, việc kết hôn giữa những người đồng tính đã không được xem xét cho vào luật, quan điểm của bà thế nào?
Tôi rất tiếc vì luật sửa đổi lần này không công nhận hôn nhân đồng giới. Tôi cho rằng chúng ta đang đi chậm hơn so với thế giới. Việc này ảnh hưởng đến nhiều gia đình, hạnh phúc của nhiều người.
- Vì sao thế ạ?
Tôi nói một ví dụ rất gần tôi là tôi có một người quen mới lấy chồng. Cưới xong mới biết anh chồng là người đồng tính, cô bé đó rất đau khổ vì phải sống trong tình cảnh đó. Vì xã hội không công nhận hôn nhân đồng giới nên cậu kia buộc phải lấy vợ, dù không có tình cảm với vợ. Hôn nhân trở nên trá hình. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ.
- Theo bà, việc này chúng ta đi chậm so với thế giới?
Đúng vậy, rất nhiều nước trên thế giới đã công nhận điều này. Người đồng tính và không đồng tính đều bị ảnh hưởng. Khi xã hội cởi mở hơn thì anh chồng trong câu chuyện kia không việc gì phải che đậy bằng cuộc hôn nhân giả dối.
Xin cảm ơn
TS Khuất Thu Hồng
!
Luật quy định cấm thương mại hóa mang thai hộ nhưng được tự nguyện. Nhưng xác định thế nào là mua bán, thế nào là tự nguyện lại rất khó khăn. Ai kiểm tra, kiểm soát được việc đó là tự nguyện hay mua bán. Trong khi đó có rất nhiều người thấy hỉ hả việc cho mang thai hộ để họ đi “gửi gắm” ở chỗ khác, nhất là những người chưa có con trai. Thế là hệ quả rồi sẽ lại thừa đàn ông. Hiện ta chưa hình dung được sự nghiêm trọng của hậu quả đó.